Hiểu rõ về đau mắt đỏ để điều trị và phòng ngừa đúng cách

Dịch bệnh đau mắt đỏ đang diễn biến gia tăng tại nhiều địa phương trên cả nước. Bệnh đau mắt đỏ lây lan qua những con đường nào? Làm sao để điều trị căn bệnh này hiệu quả ?

Tìm hiểu về bệnh đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ là bệnh gì?

Bệnh đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là tình trạng viêm màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu (tròng trắng mắt) và kết mạc mi. Đây là bệnh khá phổ biến ở mọi đối tượng và thường xuất hiện vào mùa hè và mùa thu.

Nguyên nhân đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ có thể do vi khuẩn, virus hay các phản ứng dị ứng, kích ứng với thành phần của thuốc nhỏ mắt, bụi bẩn, phấn hoa…

Tình trạng đau mắt đỏ hiện nay chủ yếu là do virus, phổ biến là Enterovirus và Adenovirus, hiếm hơn là Herpex simple virus, Coronavirus, Varicella zoster virus…

Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc

Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc

Triệu chứng đau mắt đỏ

Các trường hợp đau mắt đỏ do nhiễm virus thường có các triệu chứng:

  • Ngứa mắt
  • Chảy nước mắt
  • Mắt tiết dịch loãng
  • Có gỉ mắt
  • Có thể nổi hạch trước tai

Các trường hợp đau mắt đỏ do vi khuẩn gây ra thường có triệu chứng không kéo dài quá 14 ngày:

  • Cảm giác như có vật thể lạ trong mắt
  • Cộm mắt
  • Mờ mắt vào buổi sáng
  • Mắt có gỉ trắng đục
  • Có thể xuất hiện u nhú kết mạc

Các triệu chứng phổ biến do đau mắt đỏ gây ra

Các triệu chứng phổ biến do đau mắt đỏ gây ra

Con đường lây nhiễm đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ có tốc độ lây lan nhanh, bắt đầu lây lan ngay trước khi bệnh có biểu hiện ra bên ngoài.

Con đường lây nhiễm chủ yếu là qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, gỉ mắt, mũi miệng của người bệnh. Do đó, trẻ em thường bị nhiễm đau mắt đỏ ở trường học, do trẻ thường đưa tay lên mắt, mũi, miệng và khi chơi thường nói gần nhau, chơi chung đồ chơi.

Biện pháp điều trị đau mắt đỏ

Thuốc kháng sinh

Theo TS.BS Đặng Xuân Nguyên – Chuyên gia Nhãn khoa, thành viên Hội Nhãn khoa Việt Nam, điều trị bệnh đau mắt đỏ không có các loại thuốc đặc hiệu, bởi nguyên nhân thường là do virus, dùng thuốc kháng sinh không có tác dụng.

Tuy nhiên các bác sĩ vẫn thường kê đơn kháng sinh tra mắt liều trung bình để phòng ngừa bội nhiễm vì sau khi nhiễm trùng kết mạc do virus, sức đề kháng của kết mạc kém đi dẫn đến dễ bội nhiễm vi khuẩn.

Tobramycin (tobrex) là loại thuốc kháng sinh thường được bác sĩ chỉ định dùng cho bệnh nhân đau mắt đỏ có nguyên nhân do vi khuẩn. Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng các loại kháng sinh khác như ciprofloxacin, ofloxacin, dyomicin, neomycin…

Thuốc kháng viêm

Các thuốc kháng viêm dạng corticoid (dexamethasone, hydrocortisone, flumetholon…) có thể được dùng để điều trị các tình trạng viêm quá mức, nhưng việc dùng các loại thuốc này phải được các bác sĩ kê đơn và được theo dõi cẩn thận. Tự ý dùng có thể dẫn đến giảm miễn dịch của kết mạc, làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng như viêm loét giác mạc, làm bệnh tiến triển…

Thuốc nhỏ mắt chứa corticoid như dexamethason, hydrocortison, fluoromethason, prednisolon… có tác dụng chống viêm, giảm chảy thành dịch nhày làm mờ mắt. Cần lưu ý, không dùng loại thuốc nhỏ mắt có corticoid (thuốc nhỏ mắt Tobradex) khi có viêm loét giác mạc, bởi việc dùng lâu dài sẽ có nguy cơ đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, viêm giác mạc hoặc tạo điều kiện cho nhiễm trùng phát triển.

Thủ thuật

Khi mắt có giả mạc thì cần được làm thủ thuật bóc giả mạc nếu không sẽ gây ra những biến chứng cho giác mạc. Nhiều khi cần phải thực hiện bóc giả mạc tới vài lần mới khỏi viêm kết mạc.

Nước muối sinh lý

Nước muối sinh lý (natri clorid 0,9%) là loại nhỏ mắt đơn giản nhất và an toàn dùng trị đau mắt đỏ. Nước muối sinh lý 0,9 % giúp làm mềm nhử dính trên mắt, chống nhiễm trùng.

Nước mắt nhân tạo

Nước mắt nhân tạo có tác dụng giữ nước, duy trì độ ẩm trên mặt nhãn cầu, tăng độ nhầy, tránh tình trạng khô mắt.

Dấu hiệu cần đến bệnh viện thăm khám

Người bệnh đau mắt đỏ cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị khi xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Đau ở mắt hoặc nhìn mờ
  • Nhạy cảm với ánh sáng (khó chịu khi nhìn vào nguồn ánh sáng mạnh)
  • Các triệu chứng kéo dài cả tuần hoặc lâu hơn, và ngày càng nặng
  • Mắt ra rất nhiều mủ hoặc ghèn
  • Có triệu chứng nhiễm trùng như sốt hoặc đau nhức

Mắt đau, nhạy cảm với ánh sáng thì nên đến bệnh viện để được điều trị

Mắt đau, nhạy cảm với ánh sáng thì nên đến bệnh viện để được điều trị

Cách phòng ngừa đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan, đặc biệt là trong môi trường kín. Do đó, mỗi người nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để không lây nhiễm cho người khác hoặc lây nhiễm cho chính mình.

  • Dùng khăn giấy sạch mỗi lần lau mặt và mắt.
  • Cố gắng không chạm tay vào mắt. Nếu chạm, hãy rửa tay ngay lập tức.
  • Dùng khăn mặt riêng, không dùng chung với bất kỳ ai.
  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng, nhất là trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi.

Anh Nguyễn