Liên nhục (Hạt sen) vẫn được biết đến là một trong những món ăn thơm ngon, bổ dưỡng và có nhiều giá trị đối với sức khỏe. Nhưng có ít người biết, trong Đông y, nó còn được sử dụng như một vị thuốc an thần, thanh tâm và nhiều công dụng khác.
Vị thuốc Liên nhục (Hạt sen)
Tìm hiểu chung
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Liên nhục (Hạt sen)
Tên khác: Liên nhục, Liên tử, Liên thực, Tương liên
Tên khoa học: Semen Nelumbinis
Họ: Sen (Nelumbonaceae)
Đặc điểm tự nhiên
Hạt sen sinh ra từ hoa sen và nằm trong hoa sen. Mỗi đài sen chứa khoảng 20 hạt sen.
Hạt sen có hình trái xoan, khi còn tươi có màu xanh và gồm có 2 mảnh. Ở đầu trên của hạt có núm màu nâu, hạt được bao phủ bởi màng mỏng màu nâu nhạt và có nhiều vân dọc. Khi bóc lớp màng nâu thì bên trong hạt có màu trắng ngà.
Tách hai lá mầm ra thì có 2 đường rãnh dọc đối xứng và bên trong chứa chồi mầm màu xanh (được gọi làm tim sen hoặc tâm sen).
Cây bông sen
Phân bố
Sen được trồng nhiều ở nước ta, đặc biệt là các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Thu hoạch – sơ chế
Thu hoạch khi đài sen đã già. Sau đó đem tách hạt sen ra, bóc bỏ vỏ ngoài và đem phơi khô dùng dần
Cũng có thể bào chế theo cách: Bóc bỏ vỏ ngoài rồi sao vàng dùng dần.
Hoặc bóc bỏ vỏ ngoài rồi ngâm vào nước, tiếp theo bóc lớp màng bao phủ ở trong rồi đồ cho chín. Tiếp tục đem phơi hoặc sấy cho thật khô rồi để dùng dần.
Thành phần hoá học
Hạt sen rất giàu dinh dưỡng, cụ thể trong 100g hạt sen chứa 350 calo trong đó:
- 63 – 68g carbohydrate
- 17 – 18g protein
- 1,9 – 2,5g chất béo
- 13% nước
- Và các thành phần, khoáng chất khác (chủ yếu là natri, kali, canxi, phốt pho)
Tác dụng đối với sức khỏe
Tác dụng dược lý
Thành phần glicozit trong hạt sen có tác dụng an thần
Tăng bài tiết insulin và thúc đẩy sản sinh 5-hydroxytryptamine giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Các chất chống oxy hóa có khả năng ngăn ngừa các tác động có hại của gốc tự do và kiểm soát tiến triển của các bệnh mãn tính.
Thành phần Kaempferol là một flavonoid tự nhiên có tác dụng chống viêm và hạn chế cơn đau do viêm khớp mãn tính.
Ngoài ra hạt sen có tác dụng chống thiếu máu cơ tim, hạ huyết áp, ức chế sự co thắt của tim và chống lại hoạt động bất thường của tim.
Enzyme L-isoaspartyl methyltransferase trong hạt sen có tác dụng sửa chữa các protein bị hư hại và chống lão hóa.
Vị thuốc liên nhục
Tính vị: vị ngọt chát, tính bình
Quy kinh: Thận, Tỳ và Tâm
Công năng: Ích thận, bổ tỳ, sát trường, an thần, dưỡng tâm, cố tinh
Chủ trị: Suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, cơ thể yếu, mất ngủ, ăn kém, di mộng tinh, băng lậu, tâm phiền và chứng ăn uống không tiêu. Ngoài ra hạt sen còn được dùng để bồi bổ sức khỏe cho người cao tuổi, phụ nữ sau sinh và người bị bệnh nặng lâu ngày.
Liên nhục là vị thuốc có tác dụng dưỡng tâm, an thần
Ứng dụng của hạt sen trong đời sống và với sức khỏe
Cách dùng – liều lượng
Liên nhục được dùng ở dạng sắc, hoàn, thuốc bột hoặc được dùng để chế biến các món ăn bồi bổ sức khỏe. Liều dùng thông thường: 10 – 30g/ ngày.
Một số bài thuốc chữa bệnh và món ăn từ hạt sen
- Cháo hạt sen với bao tử heo chữa suy nhược cơ thể
Chuẩn bị: Bao tử heo 1 cái, hạt sen 100g.
Thực hiện: Đem rửa sạch bao tử và cắt miếng vừa ăn, sau đó cho vào nồi cùng với hạt sen và nước. Sau đó đem hầm cách thủy cho mềm và dùng ăn khi còn nóng
- Trị giun kim
Chuẩn bị: Đường phèn 20g, hạt cau 12g, hạt hướng dương và hạt bí đỏ (đã tách vỏ) mỗi vị 30g, hạt sen 50g.
Thực hiện: Đem xay hạt cau, hạt sen, hạt bí đỏ và hạt hướng dương rồi cho vào nồi, thêm 250ml và đun chín nhừ. Sau đó thêm đường vào khuấy đều, chia thành 3 lần ăn trong ngày. Sử dụng bài thuốc này trong vòng 5 ngày để giun kim tự chui ra ngoài.
- Trị suy nhược ở người lớn, trẻ nhỏ chán ăn và chậm lớn
Chuẩn bị: Mầm lúa 30g, đậu ván trắng 10g, hạt sen 100g và trần bì 12g.
Thực hiện: Đem dược liệu sao qua, tán bột mịn. Mỗi lần dùng 100g bột thuốc uống cùng với nước cơm, ngày dùng 3 lần.
- Trà sen cúc giúp ăn ngon ngủ ngon
Chuẩn bị: Cúc hoa 400g, hạt sen 300g và nhụy sen 400g.
Thực hiện: Đem hạt sen sấy khô và sao vàng, nhụy sen đem phơi hoặc sấy khô. Cúc hoa phơi trong mát cho khô hoàn toàn. Sau đó đem 3 nguyên liệu này sao vàng cho bốc mùi thơm và trải ra cho nguội. Cho trà vào lọ thủy tinh kín, mỗi lần dùng 1 ít trà hãm với nước sôi uống.
- Trị chứng lỵ mãn tính và tiêu chảy do tỳ hư
Bài thuốc 1: Chuẩn bị đẳng sâm 12g, hoàng liên 5g và hạt sen 12g. Đem sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
Bài thuốc 2: Dùng sa nhân, trần bì và cát cánh mỗi vị 6g, ý dĩ, bạch biển đậu, bạch truật, đảng sâm, hạt sen, hoài sơn (củ mài) và bạch linh mỗi vị 10g, cam thảo 4g. Đem các vị làm thuốc hoàn tán hoặc sắc uống, ngày dùng 1 thang.
- Trị chứng đới hạ, băng lậu, di hoạt tinh do thận hư
Chuẩn bị: Ba kích, bổ cốt chỉ, phúc bồn tử, liên nhục, long cốt và sơn thù các vị bằng lượng nhau.
Thực hiện: Tán thành bột, sau đó trộn với hồ làm thành hoàn. Khi đói, dùng 10g hoàn uống với muối nhạt.
- Trị chứng hoạt tinh và di tinh ở nam giới
Chuẩn bị: Long cốt, sa tật lê, mẫu lệ, liên nhục, khiếm thực, liên tu, kim anh tử mỗi vị 12g.
Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
- Trị chứng hư lao khiến tim đập hồi hộp, tâm phiền không ngủ được, hoa mắt và đầu váng
Chuẩn bị: Trần bì 6g, cam thảo 4g, viễn chí, phục thần, toan táo nhân, hoàng kỳ, liên nhục và đảng sâm mỗi vị 12g.
Thực hiện: Sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
- Chữa suy nhược thần kinh
Chuẩn bị: Hoài sơn và sâm bố chính mỗi vị 12g, liên nhục 16g.
Thực hiện: Đem các vị tán bột, trộn với mật ong làm thành viên. Mỗi ngày uống từ 20 – 30g.
- Chè long nhãn hạt sen giúp thanh nhiệt và bồi bổ sức khỏe
Chuẩn bị: Long nhãn, củ mài và hạt sen, đường cát trắng.
Thực hiện: Nấu chè ăn, khi dùng có thể thêm đá vào ăn cho mát.
Lưu ý khi sử dụng hạt sen
Liên nhục có tính bình và không độc nên không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên người có đại tiện táo và thực nhiệt nên thận trọng khi dùng.
Có thể chế biến hạt sen thành mứt hoặc bánh cho trẻ nhỏ ăn nhằm tăng cường sức khỏe và kích thích vị giác.
Dược sĩ Thu Hà