Polyp túi mật: yếu tố nguy cơ, triệu chứng và cách điều trị

polyp túi mật
Cần phải phát hiện sớm các Polyp túi mật để thực hiện các biện pháp điều trị

Ung thư túi mật là một bệnh hiếm gặp, tuy nhiên khi có triệu chứng, thì bệnh thường đã diễn tiến đến giai đoạn không thể chữa được. Do đó, cần phải phát hiện sớm các Polyp túi mật để thực hiện các biện pháp điều trị trước khi chuyển sang giai đoạn ung thư.

Dịch tễ

Tỷ lệ mắc polyp túi mật là 4,3 – 6,9 %. Nếu so với sỏi túi mật thì polyp túi mật ít gặp hơn sỏi túi mật, độ tuổi trung bình khi được chẩn đoán polyp túi mật là 49 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh giữa nam : nữ là 1.15 : 1. Số lượng và kích thước của polyp túi mật cũng khá đa dạng, nhưng thường gặp nhất là có một polyp trong túi mật với kích thước nhỏ hơn 10 mm.

Một số người có thể có nhiều polyp trong túi mật hoặc kích thước polyp lên đến 20-40 mm, hoặc vừa có polyp vừa có sỏi túi mật. Polyp túi mật lành tính chiếm khoảng 92% các trường hợp, gồm có hai loại: u thật như u tuyến, u cơ, u mỡ…; u giả như u cholesterol, u cơ tuyến, viêm giả u… Polyp túi mật ác tính chiếm khoảng 8%, gồm có ung thư tuyến, u sắc tố, di căn ung thư…

Ung thư túi mật là một bệnh hiếm gặp, nhưng polyp túi mật thì khá phổ biến, chỉ có một số trường polyp phát triển thành ung thư. Vì vậy vấn đề đặt ra đó là: các polyp như thế nào thì phải phẫu thuật cắt bỏ, được theo dõi, và theo dõi trong bao lâu?

Yếu tố nguy cơ hình thành polyp túi mật

Sự hình thành polyp túi mật có liên quan đến quá trình chuyển hóa chất béo. Nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa polyp túi mật và tiền sử mắc một số bệnh trong gia đình. Trái ngược với các yếu tố nguy cơ thường thấy đối với sỏi mật, không thấy có mối quan hệ nhất quán giữa sự hình thành polyp và tuổi tác, giới tính, béo phì, hoặc các tình trạng bệnh lý khác như tiểu đường. Bệnh nhân có hội chứng polyp bẩm sinh như hội chứng Peutz-Jeghers và Gardner cũng có thể phát triển polyp túi mật.

Một phân tích hồi cứu lớn về các yếu tố nguy cơ đối với polyp túi mật ở người Trung Quốc xác định viêm gan B mãn tính là một yếu tố nguy cơ. Vì vậy, đối với người bị polyp túi mật, chế độ ăn uống tương tự như người mắc bệnh tim mạch, là giảm cholesterol trong máu bằng cách sử dụng các thực phẩm lành mạnh trong chế độ ăn như là: Yến mạch, các loại hạt, đậu, thay chất béo từ động vật bằng thực vật, tăng lượng cá ăn hàng ngày…. Đặc biệt, không nên uống rượu, cà phê mà thay vào đó là uống trà xanh bởi trà xanh chứa catechins, là những hợp chất chống oxy hóa giúp giảm cholesterol xấu một cách khá tốt.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ bệnh nhân cho các ung thư polyp túi mật còn bao gồm tuổi (> 60 tuổi), sỏi mật và viêm đường mật xơ cứng. Các đặc tính rủi ro polyp bao gồm kích thước lớn hơn 6 mm, đơn độc.

Triệu chứng lâm sàng của polyp túi mật

Triệu chứng cơ năng

Triệu chứng thường mơ hồ, ít khi rầm rộ; chỉ có biểu hiện lâm sàng khi polyp gây rối loạn bài tiết, bài xuất dịch mật tại lòng túi mật hay có sỏi tủi mật hoặc viêm túi mật kèm theo. Đau tức nhẹ vùng hạ sườn phải hoặc thượng vị (gần 80%), đau thường xuất hiện sau khi ăn; có thể đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn và nôn.

Toàn thân: Bệnh nhân thường không có sốt và không có dấu hiệu tắc mật.

polyp túi mật
Đầy bụng khó tiêu buồn nôn là dấu hiệu nên lưu tâm

Triệu chứng thực thể

Triệu chứng thường kín đáo, thăm khám bụng có thể thấy: đau tức nhẹ khi ấn vùng hạ sườn phải, đa số không phát hiện các dấu hiệu bất thường. Khám các cơ quan khác để phát hiện các bệnh lý kèm theo

Khám cận lâm sàng

Siêu âm ổ bụng: Đây là phương pháp rẻ tiền, hữu ích cho tầm soát các bệnh lý túi mật như sỏi túi mật, polyp túi mật. Hình ảnh polyp túi mật trên siêu âm là hình tăng âm (chiếm gần 95%), không có bóng cản (khác với sỏi túi mật là hình tăng âm có bóng cản, hình ảnh tăng âm này không di động khi thay đổi tư thế và nằm bám trên bề mặt của niêm mạc túi mật.

Siêu âm cho phép xác định được polyp, vị trí, kích thước và hình dạng polyp (có cuống hay không có cuống), ngoài ra còn giúp theo dõi sự tiến triển để có xử trí thích hợp. Tỷ lệ chẩn đoán chính xác của siêu âm đối với polyp túi mật là trên 90%. Siêu âm cần đánh giá các thương tổn khác ở gan và các cơ quan trong ổ bụng,..

polyp túi mật
Siêu âm ổ bụng là cách đơn giản và rẻ tiền để phát hiện Polyp túi mật

Một số phương pháp khác được sử dụng như chụp đường mật cản quang qua đường uống, chụp đường mật ngược dòng qua nội soi, chụp MRI, chụp cắt lớp,…

>> Xem thêm Những điều cần biết về nội soi siêu âm đường tiêu hóa

Điều trị polyp túi mật

Túi mật là một cấu thành của hệ thống đường dẫn mật, có vai trò tham gia điều hòa bài tiết mật và tiêu hóa thức ăn, do vậy không thể tùy tiện tiến hành cắt bỏ khi chưa có chỉ định.

92% polyp túi mật có bản chất lành tính (không ung thư), do vậy người bệnh không cần đến sự can thiệp điều trị cắt bỏ túi mật. Với polyp nhỏ dưới 1cm (hoặc dưới 1,5cm) có thể chỉ cần theo dõi thường xuyên mỗi 3-6 tháng mà không cần phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Polyp lớn hơn 1cm có khả năng tiến triển thành ung thư, đặc biệt là những polyp lớn hơn 1,5cm, do đó, cắt bỏ túi mật có thể được đề nghị để ngăn chặn sự phát triển ung thư túi mật.