20 thủ thuật xoa bóp bấm huyệt trong y học cổ truyền

Xoa bóp bấm huyệt là một trong những phương pháp chữa và phòng bệnh quen thuộc trong y học cổ truyền. Dưới đây là 20 thủ thuật chính được dùng trong xoa bóp bấm huyệt.

Thủ thuật xoa bóp bấm huyệt trong y học cổ truyền

Xoa bóp bấm huyệt là gì?

Xoa bóp bấm huyệt là một trong những phương pháp điều trị bệnh xuất hiện đầu tiên trong lịch sử loài người, cách đây 2500 năm TCN.

Bằng cách sử dụng tay để tác động một lực phù hợp lên các huyệt đạo trên cơ thể với mục đích là điều hòa khí huyết, thông kinh lạc, giảm đau nhức, cải thiện sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.

Kỹ thuật xoa bóp bấm huyệt bao gồm:

  • Xoa bóp: tác động lực bằng tay lên cơ bắp, da thịt để làm giãn cơ, tăng cường lưu thông máu, giảm đau nhức.
  • Bấm huyệt: kỹ thuật sử dụng ngón tay hoặc dụng cụ chuyên dụng ấn vào các huyệt đạo trên cơ thể để khai thông tắc nghẽn tại đây. Điều này giúp kích thích cơ thể tự chữa lành và cải thiện chức năng của các cơ quan.

Lợi ích của việc xoa bóp bấm huyệt 

Trải qua lịch sử hàng nghìn năm phát triển, ngày nay xoa bóp bấm huyệt là một trong phương pháp điều trị không dùng thuốc được sử dụng rộng rãi của y học cổ truyền.

Kỹ thuật trị liệu bằng tay này mang lại rất nhiều lợi ích to lớn cho sức khỏe, bao gồm:

  • Đào thải độc tố, làm chậm lão hóa và giúp da bóng đẹp hơn
  • Giảm căng thẳng, mệt mỏi, thư giãn thần kinh
  • Chữa đau mỏi vai gáy, đau đầu mất ngủ
  • Giãn cơ, giảm đau mỏi cơ bắp
  • Giảm đau xương khớp
  • Tăng cường tuần hoàn máu
  • Cải thiện tiêu hóa, giảm chướng bụng đầy hơi
  • Hỗ trợ điều trị các bệnh mãn tính
  • Tăng cường sức khỏe và miễn dịch, phòng ngừa bệnh tật.

Các thủ thuật xoa bóp bấm huyệt 

Xoa bóp bấm huyệt bao gồm 20 kỹ thuật tay cơ bản, được chia thành bốn nhóm chính: Các kỹ thuật trên da, nhóm tác động vào cơ, nhóm tác động lên huyệt, và các kỹ thuật tác động lên xương khớp.

Dưới đây là 20 thủ thuật xoa bóp bấm huyệt trong y học cổ truyền:

Các thủ thuật tác động trên da

Xát: sử dụng gốc gan bàn tay hoặc mô ngón tay để xát lên da theo hướng thẳng như đi lên, đi xuống, sang phải, sang trái. Thủ thuật này giúp thông kinh lạc, dẻo gân cốt, giảm đau và sưng.

Xoa: Dùng vân ngón tay hoặc gốc bàn tay xoa tròn trên da chỗ đau để lý khí hòa trung, thông khí huyết, giảm đau và sưng.

Miết: Sử dụng vân ngón tay cái miết chặt vào da và miết theo hướng lên, xuống, sang phải, sang trái nhằm mục đích khai khiếu, trấn tĩnh và bình can giáng hoả.

Phân: Dùng vân các ngón tay để từ cùng một điểm rẽ ra hai bên da ngược nhau, thường áp dụng ở các vùng đầu, mặt, ngực, lưng. Kỹ thuật này có tác dụng hành khí, tán huyết và bình can giáng hoả.

Hợp: Sử dụng các ngón tay từ hai điểm khác nhau trên da đi ngược chiều và đến cùng một điểm, áp dụng cho bụng, lưng, ngực để bình can giáng hoả và trợ chính khí.

Véo: Dùng ngón tay kẹp và kéo da lên, thường dùng ở lưng, trán để bình can giáng hoả, thanh nhiệt và khu phong tán hàn.

Phát: Sử dụng lòng bàn tay phát từ nhẹ đến nặng vào chỗ bị bệnh, áp dụng cho vai, thắt lưng, tứ chi, bụng; giúp thông kinh lạc, giảm căng thẳng và nhức mỏi cơ.

Các thủ thuật xoa bóp bấm huyệt trên da

Các thủ thuật tác động lên cơ

Day: sử dụng gốc bàn tay, mô ngón tay út, hoặc mô ngón tay cái ấn xuống và di chuyển bằng một lực nhất định trên da, thường dùng cho các vùng cơ dày như bụng.

Đấm: Nắm chặt tay và đấm vào vùng cơ ở lưng, mông và đùi.

Bóp: Sử dụng các ngón tay để bóp vào các điểm huyệt, vừa bóp vừa kéo da lên, áp dụng cho khu vực cổ vai gáy, nách, lưng trên, mông và tứ chi.

Chặt: dùng tay để chặt liên tiếp vào vùng cơ, thường áp dụng ở các vùng như lưng, mông, đùi.

Lăn: Sử dụng mu bàn tay, ngón út, hoặc các khớp ngón tay lăn trên da thịt với áp lực nhất định, để giảm đau.

Vờn: Cong bàn tay và chuyển động ngược chiều để kéo theo da thịt, thường làm ở tay, chân, vai, lưng, sườn.

Các thủ thuật xoa bóp bấm huyệt trên cơ

Các thủ thuật tác động lên huyệt

Day huyệt: Dùng ngón tay cái hoặc ngón giữa ấn lên huyệt, sau đó di chuyển ngón tay theo đường tròn. Động tác này kích thích thông kinh lạc và giúp giảm đau, sưng.

Ấn: Sử dụng ngón tay, gan bàn tay, ngón cái hoặc ngón út để ấn vào các huyệt trên cơ thể người bệnh, nhằm thông kinh lạc và giảm đau, sưng.

Bấm: dùng phần đệm thịt của ngón tay cái ấn xuống các huyệt vị. Thực hiện từ từ và duy trì tác động lực trong khoảng một phút.

Điểm huyệt: Dùng đầu ngón tay cái hoặc đốt thứ 2 của ngón trỏ hoặc ngón giữa, đưa sức ấn thẳng vào huyệt hoặc vị trí nhất định.

Các thủ thuật tác động lên khớp

Vê: Dùng ngón tay trỏ và ngón cái để vê thẳng vào các ngón tay, ngón chân và các khớp nhỏ. Thủ thuật này có tác dụng làm trơn khớp, thông khí huyết.

Rung: Người bệnh ngồi thẳng, hai tay buông thõng, hơi nghiêng người về phía bên kia. Thầy thuốc đứng, nắm cổ tay người bệnh, kéo hơi căng và rung từ nhẹ đến nặng như làn sóng từ tay lên vai, vừa rung vừa đưa tay bệnh nhân lên xuống từ từ và cuối cùng giật nhẹ một cái. Thủ thuật rung làm trơn khớp, giảm nhiệt, mềm cơ, giảm mỏi mệt.

Vận động: Thủ thuật này khi thực hiện ở khớp vai được thực hiện bằng cách một tay cố định phía trên khớp, một tay cầm cánh tay người bệnh và vận động khớp theo phạm vi hoạt động bình thường. Kéo giãn khớp khi vận động và chú ý đến phạm vi hoạt động của khớp để tránh làm quá mạnh gây đau.

Dược sĩ Thu Hà