Vị thuốc Cát căn là rễ củ cạo vỏ phơi khô của cây sắn dây, một trong những món ăn quen thuộc với người Việt Nam. Dược liệu có tác dụng chữa cảm sốt, ban sởi mới phát, giải nhiệt hoặc chế tinh bột làm thực phẩm, làm thuốc.
Công dụng chữa bệnh của vị thuốc Cát căn
Tổng quan về dược liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên gọi: Cát căn.
Tên gọi khác: Củ sắn dây, Bạch cát, Cam cát căn, Phấn cát, Khau cát, Bẳn mắm kéo.
Tên khoa học: Pueraria thomsonii Benth.
Tên dược: Radix Puerariae.
Họ: Cánh bướm/ Đậu (danh pháp khoa học: Fabaceae).
Đặc điểm thực vật
Cát căn vị thuốc nam quý, dạng dây leo. Rễ phát triển thành củ, to, chắc và có nhiều bột. Thân và cành hơi có lông, lá mọc so le, dạng kép, gồm 3 lá chét, phiến lá hình trứng, mép lá nguyên, rộng 5 – 12cm và dài 7 – 15cm. Lá chét ở giữa lớn hơn 2 lá còn lại, cuống dài 1.4 – 1.6cm, lá kèm hình mác nhọn.
Hoa mọc thành chùm dài 14 – 30cm, màu xanh tím hoặc xanh lơ, có mùi thơm. Quả dạng đậu, dài khoảng 8cm, giữa các hạt vỏ thường thắt lại, vỏ quả được phủ lông màu vàng nâu. Cây ra hoa vào tháng 9 – 10 hằng năm, sai quả vào tháng 11 – 12.
Đặc điểm thực vật của cây Cát căn (Sắn dây)
Bộ phận dùng
Rễ củ được dùng làm thuốc. Ngoài ra hoa của cây cũng được dùng làm thuốc, được gọi là cát hoa.
Phân bố
Cây mọc hoang ở khắp miền rừng núi nước ta tuy nhiên không thấy khai thác cây mọc hoang. Sắn dây được trồng tại khắp nơi để lấy củ ăn và chế bột sắn dây làm thuốc.
Thu hái, chế biến
Từ cuối tháng 10 đến tháng 3 – 4 năm sau, người ta đào lấy rễ rửa sạch đất cát, bóc bỏ lớp vỏ giấy bên ngoài (cho dễ khô), cắt thành từng khúc dài 10 – 15 cm.
Nếu đường kính quá to thì bổ dọc thành 2 nửa, có khi thái thành từng miếng dày 0,50 – 1 cm, xông diêm sinh, sau đó phơi hoặc sấy khô.
Để chế biến bột sắn dây thì giã nhỏ, gạn lấy tinh bột, lọc đi lọc lại nhiều lần, phơi khô.
Thành phần hoá học
Trong Cát căn có chứa Puerarin – Xyloside, Daidzin, Arachidic acid, Puerarin, Daidzein, b-Sitosterol, 4-Methoxypuerarin, 7-Diglucoside, Genistein, Formononetin,…
Tác dụng của Cát căn
Cát căn là một vị thuốc được sử dụng thường xuyên, rộng rãi trong đời sống với nhiều công dụng cho sức khỏe:
Tác dụng dược lý
Các thử nghiệm khoa học đã chứng minh dược liệu Cát căn có khả năng:
- Bảo vệ tim mạch và hạ huyết áp
- Tác dụng hạ nhiệt, giải độc
- Chống viêm và giảm đau
- Hỗ trợ cải thiện tiêu hóa
- Tăng cường sức đề kháng và bồi bổ sức khỏe
- Cải thiện mức đường huyết và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
- Nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh và sáng mịn
- Làm dịu cổ họng, giảm triệu chứng viêm họng và giảm ho hiệu quả
Dược liệu Cát căn
Vị thuốc Cát căn
- Tính vị
Vị ngọt, cay, tính bình, không độc. Nước cốt rễ dùng sống thì có tính rất hàn.
Hoa của cây có vị ngọt, không độc, tính bình.
- Quy kinh
Quy vào kinh Bàng quang, Tỳ, Vị và Phế.
- Công năng
Tán nhiệt, tuyên độc, giải biểu, thấu chẩn, sinh tân dịch, chỉ tả, giải co giật, chỉ khát, giải độc rượu, thoái nhiệt, giải cơ và thăng đề Vị khí.
- Chủ trị
Sỏi thời kỳ đầu, chứng biểu nhiệt, tiêu chảy, gáy đau vai cứng, đau trước trán, tà ở kinh dương minh, lưng sau cứng,…
Ứng dụng của Cát căn
Cách dùng – liều lượng
Dược liệu được dùng ở dạng sắc và ép lấy nước là chủ yếu. Mỗi ngày dùng từ 4 – 40g.
Bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc cát căn
- Chữa chứng cổ cứng, sợ gió, không có mồ hôi, miệng khát
Chuẩn bị: Ma hoàng 9g, sinh khương (cắt lát) 9g, thược dược 6g, cát căn 12g, quế chi (bỏ vỏ) 6g, cam thảo 6g và đại táo 12 quả.
Cách dùng: Sắc với 1 lít nước còn lại 0.3 lít, chắt lấy nước chia thành 3 lần uống.
- Chữa viêm dạ dày, viêm ruột và lỵ kèm sốt
Chuẩn bị: Hoàng cầm, cam thảo, cát căn và hoàng liên các vị bằng lượng nhau.
Cách dùng: Chế thành cao rồi làm thành viên nặng 0.623g. Mỗi lần dùng 3 – 4 viên, ngày dùng 3 lần.
- Chữa sởi mọc không đều ở trẻ em
Chuẩn bị: Ngưu bàng tử 10g, cam thảo 10g, thăng ma 10g, cát căn 5 – 10g.
Cách dùng: Sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang cho đến khi khỏi.
- Giảm đau, hạ sốt
Chuẩn bị: Bạch chỉ, địa liền và cát căn.
Cách dùng: Chế thành viên (mỗi viên gồm 0.03g địa liền, 0.1g bạch chỉ và 0.12g cát căn). Ngày dùng 2 – 3 lần, mỗi lần dùng 2 – 3 viên.
- Trị say rượu không tỉnh
Chuẩn bị: Cát căn sống.
Cách dùng: Sắc uống 2 thang, khi nào tiểu ra là khỏi.
- Trị đau nhức vùng thắt lưng
Chuẩn bị: Cát căn sống.
Cách dùng: Nhai sống, nuốt nước cho đến khi khỏi.
- Trị chứng thương hàn, mạch hồng, nóng sốt, nhức đầu do các bệnh thiên hành thời khí
Chuẩn bị: Đậu xị 1 thăng, 2 tô nước lạnh và cát căn 60g.
Cách dùng: Đem sắc còn nửa thang, sau đó thêm 1 ít gừng và dùng uống hằng ngày.
- Trị viêm ruột cấp tính, lỵ khiến người bứt rứt và sốt
Chuẩn bị: Hoàng liên 4g, hoàng cầm và cát căn mỗi vị 12g.
Cách dùng: Đem các vị sắc lấy nước uống.
- Trị chứng sởi mới phát hoặc chưa mọc hết
Chuẩn bị: Ngưu bàng tử, cát căn và kinh giới mỗi vị 12g, cát cánh và uất kim mỗi vị 8g, cam thảo và thuyền thoái mỗi vị 4g, liên kiều 16g.
Cách dùng: Đem các vị sắc lấy nước uống.
- Trị chứng tiểu đường
Chuẩn bị: Mạch môn 12 – 16g, ngũ vị tử 6 – 8g, cát căn 16 – 20g, sa sâm 12g, khổ qua 12g, đơn bì 12g, thạch hộc 12g, cam thảo 3g và thỏ ty tử 12g.
Cách dùng: Đem các vị sắc lấy nước uống.
Chuẩn bị: Câu đằng và cát căn thái phiến, bằng lượng nhau.
Cách dùng: Tán vụn, phơi khô và trộn đều bảo quản trong lọ kín. Mỗi lần dùng khoảng 30g bọc trong túi vải rồi hãm với nước sôi trong 30 phút và dùng uống thay trà.
Kiêng kỵ và lưu ý khi dùng dược liệu cát căn
Cần phân biệt cát căn (cây sắn dây) với:
- Sắn dây được dùng để ăn (Pueraria edulis): Dạng cây leo, lá hình mũi tên, thân không có lông và có rất ít quả.
- Sắn dây Nga mi (Pueraria ometensis): Cây lá đơn, phiến lá hình trứng, mặt lá được phủ lông ngắn có màu trắng.
- Sắn dây rừng (Pueraria Montana): Dạng cây bụi, mọc leo hoặc quấn. Lá hình kép lông chim, mặt lá được phủ lông nhỏ có màu hung. Hoa mọc thành chùm ở nách lá, không cuống và có màu tím.
Không dùng cát căn cho trường hợp âm hư hỏa vượng và thương thực hạ hư. Đồng thời cần thận trọng khi dùng cho người sốt nóng mà sợ lạnh.
Dược sĩ Thu Hà