Nghiên cứu thực trạng bệnh viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan tại BV Đa khoa TW Thái Nguyên

TÓM TẮT

Nghiên cứu 143 bệnh nhân viêm gan mạn tính, xơ gan và ung thư gan với các yếu tố liên quan là rượu, HBV, HCV , chúng tôi đưa ra một số kết luận sau:

1. Một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh VGMT (viêm gan mạn tính), XG (xơ gan), UTG (ung thư gan):

– Tỉ lệ mắc bệnh: viêm gan mạn tính 32,87%, xơ gan 42,65%, ung thư gan 24,48%.

– Nhóm VGMT: các triệu chứng đau hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa, vàng da, gan to chiếm tỉ lệ 72,3% – 100%; Giá trị AST, ALT >80U/l: từ 80% – 91,5%; Xét nghiệm bilirubin, prothrombin bệnh lí: từ 66,0% – 80,9%.

– Nhóm XG: các triệu chứng lâm sàng rối loạn tiêu hóa, đau hạ sườn phải, tuần hoàn bàng hệ, lách to, cổ trướng, vàng da chiếm tỉ lệ từ 54,1% – 98,3%. Giá trị AST, ALT >80U/l: từ 57,4% – 59,0%; Xét nghiệm bilirubin, prothrombin bệnh lí: từ 76,7% – 83,6%.

– Nhóm UTG: các triệu chứng lâm sàng đau hạ sườn phải, vàng da, gan to, rối loạn tiêu hóa chiếm tỉ lệ từ 91,4% – 100%. Giá trị AST, ALT >80U/l: từ 68,6% – 77,1%; Xét nghiệm bilirubin, prothrombin bệnh lí từ: từ 65,8% – 77,1%.

2. Các yếu tố liên quan:

– Số đối tượng nghiên cứu có 1 yếu tố liên quan đơn thuần hoặc phối hợp 2 yếu tố có enzym AST, ALT, GGT tăng cao không khác biệt so với đối tượng nghiên cứu có AST, ALT, GGT tăng nhẹ.

– Trong nhóm đối tượng nghiên cứu có AST, ALT, GGT tăng cao, yếu tố liên quan phối hợp giữa nghiện rượu với HBV chiếm tỉ lệ cao hơn hẳn các yếu tố liên quan đơn thuần với p < 0,05.

– Trong nhóm đối tượng nghiên cứu: nghiện rượu đơn thuần chiếm tỉ lệ từ 14% – 18% (p > 0,05).

– Trong nhóm đối tượng nghiên cứu: HBV đơn thuần cao hơn nghiện rượu đơn thuần với tỉ lệ từ 23% – 28%. ( p > 0,05).

– Trong nhóm đối tượng nghiên cứu: nghiện rượu phối hợp với HBV có tỉ lệ cao nhất. VGMT 36,2%; XG 29,5%; UTG 34,3%.

– Trong nhóm đối tượng nghiên cứu: HCV đơn thuần; nghiện rượu phối hợp với HCV chiếm tỉ lệ thấp nhất.

KHUYẾN NGHỊ:

– Chúng tôi nhận thấy viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan là bệnh lý gan mạn tính, tiến triển từ từ trong nhiều năm. Bệnh nhân có nghiện rượu hoặc nhiễm virus B hoặc đồng thời nhiễm virus B với nghiện rượu trong nghiên cứu chiếm tỉ lệ cao.

– Chính vì vậy, cần ngăn ngừa tình trạng nhiễm virus B bằng tuyên truyền, vận động người dân chủ động tiêm phòng vac xin viêm gan B.

– Ở người lớn, cần chủ động phát hiện tình trạng có nhiễm virus viêm gan B hay không. Khi phát hiện HBsAg (+) cần tuyệt đối không uống rượu bia và tư vấn thầy thuốc để tránh các diễn biến xấu dẫn đến xơ gan, ung thư gan.

Theo: Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên.