Quế chi – Vị thuốc quý với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe

Quế chi hay quế, là một trong những vị thuốc có tác dụng tán hàn, giải cảm quen thuộc đối với người Việt Nam. Hãy cùng tìm hiểu về lợi ích sức khỏe và cách sử dụng quế chi an toàn, hiệu quả nhất.

Quế chi – Vị thuốc quý với nhiều công dụng cho sức khỏe

Tổng quan

Vị thuốc Quế chi là những cành quế con được thu hái và phơi khô để dùng làm vị thuốc

Tên gọi danh pháp

Tên gọi: Quế chi

Tên gọi khác: Quế, quế đơn, quế bì, nhục quế, liễu quế, ngọc thụ, quế thanh, quế quảng, kía (tiếng Dao), mạy quẻ (tiếng Tày),…

Tên khoa học: Cinnamomum cassia Presl.

Tên dược: Ramulus cinnamoni.

Họ: Long não (Lauraceae).

Đặc điểm thực vật

Quế chi là cây gỗ lớn, có thể cao từ 10 đến 15 mét, thậm chí có những cây có thể cao hơn trong điều kiện thuận lợi.

Cây thường có tán lá rậm, hình dáng thon dài và có thể được trồng thành hàng để thu hoạch vỏ. Thân thẳng, vỏ thân có màu nâu sẫm, có mùi thơm đặc trưng khi cạo vỏ.

Rễ của cây rất phát triển, ăn sâu vào đất, giúp cây đứng vững và chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Lá quế chi là loại lá đơn, mọc đối, có hình elip hoặc thuôn dài, mặt trên lá bóng, màu xanh đậm, trong khi mặt dưới có màu nhạt hơn và hơi mịn. Lá dài khoảng 10–15 cm, rộng từ 4–6 cm, có gân chính chạy song song và rất rõ nét. Khi vò lá, sẽ có mùi thơm đặc trưng do các hợp chất như cinnamaldehyde.

Hoa quế nhỏ, thường mọc thành chùm tại các nách lá. Màu hoa thường là màu vàng nhạt hoặc vàng xanh, có hình dáng đơn giản nhưng rất thơm. Mỗi hoa có năm cánh, với các nhị và nhụy nhỏ. Cây ra hoa chủ yếu vào mùa xuân, khi điều kiện thời tiết ấm áp.

Quả là quả dạng quả mọng, có màu đen khi chín, hình bầu dục. Mỗi quả chứa một hoặc hai hạt nhỏ, có hình bầu dục hoặc hình cầu.

Đặc điểm thực vật của Quế chi

Đặc điểm phân bố 

Quế chi là loài cây ưa sáng, thích hợp với khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Cây có thể sống ở độ cao từ 100 đến 1500 mét so với mực nước biển, thường mọc trên đất đồi núi hoặc vùng thấp có đất màu mỡ, thoát nước tốt.

Ở nước ta, cây quế mọc ở rất nhiều địa phương, điển hình nhất vẫn là các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ như Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Ngoài ra, ở các tỉnh khác như Khánh Hòa, Quảng Nam, dược liệu cũng được tìm thấy.

Thu hái và sơ chế

Cành con của cây quế thường được thu hái vào mùa xuân. Sau khi hái về có thể đem cắt thành lát mỏng hay miếng và phơi khô trong bóng râm hoặc ngoài nắng nhẹ.

Đặc điểm dược liệu 

Quế chi là tên vị thuốc được lấy từ cành con của cây quế còn quế chi tiêm thì lấy ở ngọn cành. Dược liệu có hình trụ tròn, dài khoảng từ 30 – 75cm, đường kính khoảng 0,3 – 1cm, phân nhiều nhánh.

Bề mặt dược liệu có màu nâu đỏ hay nâu, có đường sọc và nếp nhăn nhỏ. Vẫn còn sẹo cành, sẹo mầm và sẹo lá hình mụn cục, bì khổng nhỏ. Chất cứng nhưng giòn, dễ bẻ gãy.

Thái phiến dày khoảng từ 2 – 4mm, mặt cắt phần vỏ có màu nâu còn phần gỗ có màu từ trắng vàng tới nâu vàng nhạt, còn phần tủy có hình vuông.

Thành phần hóa học 

Theo các nghiên cứu, tinh dầu trong loại cây này chủ yếu là aldehyd cinnamic. Vỏ của nó chứa β-sitosterol, acid syringic, cholin, acid protocatechuic, acid vanilic,…

Bên cạnh đó, người ta còn phát hiện ra loại cây này có chứa nhiều diterpen, rất tốt cho sức khỏe có tên là cinnacassiol.

Ngoài ra, nhiều dẫn chất của flavonol cùng với các mùi thơm khác cũng đã được phát hiện có trong dịch chiết dược liệu.

Công dụng của Quế chi

Tác dụng dược lý

Quế và các thành phần hóa học có trong quế đã được chứng minh mang tới các tác dụng dược lý bao gồm:

  • Làm giãn mạch, cải tạo tuần hoàn máu, bài tiết mồ hôi, giúp giải nhiệt.
  • Giảm các triệu chứng sốt, đau đầu, đau bụng.
  • Tăng cường nhu động ruột, tăng sự thèm ăn và kích thích tiêu hóa.
  • Cải thiện chuyển hóa glucose và lipid.
  • Hạn chế sự gia tăng của nấm và virus cúm.
  • Kích thích co mạch và co bóp tử cung.
  • Tiêu diệt các gốc tự do, chống xơ vữa động mạch.
  • Hạn chế hình thành khối u.

Vị thuốc Quế chi trong Y học cổ truyền

Tính vị: quế chi có vị ngọt, đắng, mùi thơm và tính ấm.

Quy kinh: Được quy vào 3 kinh Tâm, Phế và Bàng quang.

Công năng: Hoạt huyết, trừ hàn, tăng tiết mồ hôi, làm ấm kinh lạc, giảm hội chứng ngoại sinh.

Chủ trị: Cảm mạo phong hàn, đau khớp, đau bụng lạnh, phù thũng, huyết hàn bế kinh, đánh trống ngực, cổ họng có đờm.

Vị thuốc Quế chi trong Y học cổ truyền

Ứng dụng Quế chi trong việc chữa bệnh

Cách dùng – liều lượng

Dược liệu được dùng ở rất nhiều dạng, thường là kết hợp với các vị thuốc khác để sắc nước uống. Liều dùng thông thường được khuyến cáo là từ 3 đến 10g mỗi ngày.

Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu quế chi

Dưới đây là những bài thuốc thông dụng có dùng vị thuốc quế chi:

  • Chữa cảm mạo phong hàn thuộc biểu hư, mạch phù hoàn, ra mồ hôi

Chuẩn bị: 12g quế chi, 12g thược dược, 12g sinh khương, 4g cam thảo cùng 3 quả đại táo.

Thực hiện: Các vị thuốc cho hết vào ấm sắc lấy nước, bỏ bã, uống ngày 1 thang.

  • Chữa ứ huyết, kinh bế đau bụng, thai lưu ở phụ nữ

Chuẩn bị: 8g quế chi, 8g thược dược, 8g phục linh, 8g đào nhân, 8g đơn bì.

Thực hiện: Các vị thuốc này sắc uống ngày 1 thang hoặc có thể tán bột để làm hoàn.

  • Chữa u xơ tử cung hay có khối u trong bụng

Chuẩn bị: 16g quế chi, 16g xích thược, 16g đào nhân, 16g hải tảo, 16g miết giáp, 16g mẫu lệ, 10g hồng hoa, 8g nga truật, 8g nhũ hương, 8g sơn lăng, 8g một dược.

Thực hiện: Các vị thuốc trên nghiền chung với nhau thành bột mịn. Sau đó luyện với mật để làm viên hoàn. Mỗi lần lấy uống 12g cùng nước sôi ấm, ngày dùng 2 – 3 lần.

  • Chữa các chứng ho hen có đờm, mắt mờ, tim đập nhanh

Chuẩn bị: 8g quế chi, 12g phục linh, 8g cam thảo cùng 8g bạch truật.

Thực hiện: Các vị thuốc cho hết vào ấm sắc lấy nước, lọc bỏ bã. Chia đều thành nhiều lần uống, ngày dùng 1 thang.

  • Chữa tiểu tiện không thông, báng, phù thũng

Chuẩn bị: 4g quế chi, 12g trư linh, 12g phục linh, 16g trạch tả, 12g bạch truật.

Thực hiện: Các vị thuốc trên đem trộn chung với nhau rồi nghiền thành bột mịn. Mỗi lần lấy 12g uống với nước sôi ấm, dùng 2 – 3 lần/ngày.

  • Bài thuốc tán hàn giải cảm

Chuẩn bị: 12g quế chi, 6g chích thảo, 12g bạch thược, 12g sinh khương cùng 4 quả đại táo.

Thực hiện: Các vị thuốc trên cho vào ấm, đổ thêm 1 thăng nước. Sắc trong 30 phút, bỏ bã, uống ngày 1 thang

  • Chữa chứng phong thấp, sưng đau các khớp nhưng không sốt

Chuẩn bị: 12g quế chi, 12g sinh khương, 12g phụ tử, 8g cam thảo cùng 3 quả đại táo.

Thực hiện: Tất cả vị thuốc trên đem sắc lấy nước, bỏ bã, uống khi còn nóng ngày 1 thang.

  • Giải độc, làm cho sởi mọc hoàn toàn

Chuẩn bị: 4g quế chi, 8g cát căn, 4g thược dược, 5g ma hoàng, 5g sinh khương, 5g đại táo, 4g cam thảo.

Thực hiện: Cho tất cả vị thuốc trên vào ấm sắc lấy nước lọc bỏ bã, chia đều thành 3 lần uống, ngày 1 thang.

Dược sĩ Thu Hà