Thiên ma: Thần thảo trời ban với công dụng bình can tức phong

Thiên ma còn được gọi là định phong thảo, có tác dụng chuyên chữa các bệnh về phong, giống như tên gọi của nó. Cùng với linh chi, nhân sâm, Thiên Ma được coi là “thần thảo” với nhiều tác dụng quý cho sức khỏe.

Thiên ma được xem là loại dược liệu “Thần thảo trời ban”

Tổng quan về dược liệu Thiên ma

Dược liệu Thiên Ma là rễ và củ của cây Thiên Ma sau khi được thu hái và phơi khô.

Tên gọi, danh pháp

Tên gọi: Thiên ma

Tên khác: Xích tiễn, minh thiên ma, định phong thảo, vô phong tự động thảo, minh thiên ma, thần thảo, hợp ly thiên ma

Tên khoa học: Gastrodia Elata Blume

Họ: Lan (Orchidaceae)

Đặc điểm thực vật

Thiên ma là một loài cây ký sinh, sống lâu năm. Điểm đặc biệt và kỳ lạ của Thiên ma là không có chất diệp lục.

Rễ củ, thuôn hoặc bầu dục, thẳng đứng giống chân người, dài 10 – 15cm, đường kính 4,5 – 6 cm, màu vàng nâu nhạt có nhiều vân ngang.

Thân cây mọc thẳng đứng, màu đỏ pha lam, chiều cao từ 30 đến 100cm, trông xa như mũi tên, có nhiều vảy nhỏ màu vàng bao quanh.

Hoa mọc thành chùm ở phần trên của thân cây. Hoa có màu vàng nhạt, cánh hoa mỏng và xếp thành dạng lưỡi liềm.

Hoa nở vào mùa hè, thường là từ tháng 6 đến tháng 8. Đài hoa có răng gần đều; tràng gồm các cánh hoa tròn, móng dính với bao hoa thành ống loe rộng.

Quả của cây thiên ma là dạng quả nang, chứa nhiều hạt nhỏ và nhẹ. Khi chín, quả nứt ra để phát tán hạt.

Đặc điểm thực vật của cây Thiên ma

Đặc điểm phân bố

Cây thiên ma có nguồn gốc lâu đời từ Trung Quốc. Ngày nay, cây tìm thấy chủ yếu ở các khu vực có khí hậu ôn đới ẩm, như các khu rừng núi ẩm ướt và rừng cây lá kim.

Đặc biệt, Thiên Ma trồng nhiều ở các nước Đông Á, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.

Tại Việt Nam, thảo dược này chủ yếu phân bố ở các tỉnh vùng núi như Hoà Bình, Lạng Sơn.

Chúng thường được tìm thấy ở độ cao từ 500m đến 2000m so với mặt nước biển.

Thiên Ma cùng với Nhân Sâm, Linh Chi,..là thứ “dược liệu trời ban” của Hàn Quốc.

Bộ phận dùng, thu hái và chế biến

Thân rễ (Rhizoma Gastrodiae), thu hoạch từ mùa đông đến mùa xuân năm sau, rửa sạch ngay, đồ kỹ, thái lát mỏng, phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp.

Mô tả dược liệu

Rễ củ của cây Thiên Ma được dùng làm thuốc và có giá trị sức khỏe vô cùng lớn.

Rễ cây phát triển, có hình trụ hoặc hình chùy, kích thước khoảng 5-15cm.

Củ rễ mọc ngầm dưới đất và có màu nâu sẫm hoặc nâu ngả vàng với nhiều đường vân nhăn ngang dọc.

Củ Thiên Ma bên ngoài rất cứng khó bị bẻ gãy, nhưng thịt bên trong lại mềm, có màu trắng hoặc màu kem, vị ngọt.

Phần thịt trong củ chứa nhiều chất dinh dưỡng và các hoạt chất có tác dụng trong y học.

Đặc điểm dược liệu Thiên Ma

Thành phần hóa học

Trong thiên ma chứa nhiều thành phần quan trọng, đặc biệt là ở trong củ.

Các hoạt chất được phân lập từ dịch chiết rễ củ của cây bao gồm:

  • Gastrodin là hoạt chất chính có trong Thiên Ma
  • 4-hydroxybenzaldehyde
  • Vanillin
  • Các axit amin: glutamic acid, proline, valine, threonine, và alanine
  • Chất khoáng: canxi, kali, magie, và sắt.
  • Ngoài ra còn có các alkaloid, saponin và flavonoid.

Tác dụng dược lý của Thiên Ma

Các hoạt chất có trong Thiên Ma được chứng minh có tác dụng:

  1. Chống khối u: chống oxy và chống viêm, ức chế sự hình thành và ngăn khối u phát triển.
  2. Cải thiện trí nhớ: cải thiện chức năng não bộ và hoạt động ghi nhớ, hỗ trợ điều trị rối loạn thần kinh, làm chậm quá trình lão hoá của não.
  3. Tác dụng miễn dịch: cung cấp nguyên liệu cần thiết cho hoạt động miễn dịch
  4. Bảo vệ thần kinh: Gastrodin có tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh khỏi sự tấn công của tác nhân oxy hóa và viêm.
  5. Tác động lên tim mạch: giảm cholesterol và LDL, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và hạn chế các bệnh tim mạch

Vị thuốc Thiên ma trong Y học cổ truyền

Thiên Ma được gọi là “thần thảo” vì cây hấp thụ dưỡng chất đồng thời từ hai phương, vị ngọt từ Đất và dương khí từ Trời.

Trong Đông y, Thiên Ma là vị thuốc có vị cay, tính ấm, quy vào kinh can.

Công năng chính là bình can tức phong, trấn kinh trừ phong tà, thông lạc chỉ thống, chống co thắt, an thần và kiềm dương.

Thường được sử dụng để điều trị các chứng bệnh về phong như: cảm mạo phong hàn, đau đầu kinh niên, chân tay co quắp, sốt cao co giật và chứng trúng gió, khai khiếu thông đàm; tê bại tay chân; đau nhức cơ khớp.

Ngoài ra, thiên ma cũng thường được sử dụng trong mạnh gân cơ, bổ khí bổ âm.

Vị thuốc Thiên ma trong Y học cổ truyền

Cách dùng, liều dùng và ứng dụng trong chữa bệnh của Thiên ma

Thiên Ma còn gọi là Định phong thảo, thường được phối hợp với các vị thuốc khác để chữa các bệnh về phong, giống như tên gọi của nó.

Liều lượng, cách dùng

Liều thường dùng: 3 – 10 g.

Tán bột uống 1 – 1,5 g/ lần.

Đối với triệu chứng mãn kinh chỉ nên dùng thiên ma 20 – 80g, 1 – 2 lần mỗi ngày.

Người bị loãng xương nên dùng 40g mỗi ngày.

Ứng dụng chữa bệnh của Thiên ma

  • Trị huyết áp cao, bổ huyết, sáng mắt, trị chứng hoa mắt chóng mặt

Chuẩn bị 10g thiên ma, 10g cúc hoa, 10g kỷ tử, 20g tang thầm.

Sắc nước hoặc hãm trà uống hàng ngày, kiên trì sử dụng để có kết quả tốt.

  • Trị đau đầu hoa mắt chóng mặt

Thiên ma hoàn: Thiên ma 15g, Xuyên khung 5g, chế thành hoàn, mỗi lần uống 3 – 6g, ngày 3 lần.

  • Trị đau khớp, chân tay tê dại

Ngưu tất 10g, Thiên ma 10g, Toàn yết 3g, Nhũ hương 5g, tán bột mịn hồ làm hoàn hoặc sắc uống.

Thiên ma hoàn: Thiên ma, Đỗ trọng, Ngưu tất, Tỳ giải, Phụ tử, Đương qui, Sinh địa đều 10g, Huyền sâm 12g, tán bột mịn luyện mật làm hoàn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 6g.

  • Trị phong thấp

12g thiên ma, 12g ngưu tất, 4g bọ cạp, 6g nhũ hương.

Tất cả tán thành bột mịn trộn với hồ làm thành viên hoàn, hoặc sắc uống mỗi ngày.

  • Trị nhức đầu do phong đàm

Dùng bán hạ, phục linh, thiên ma, bạch truật mỗi thứ 12g, cam thảo 4g với quất hồng 8g đem sắc uống.

Lưu ý

Người tỳ vị hư hàn, tiêu chảy và phụ nữ có thai, đang cho con bú không được sử dụng.

Không dùng chung Ngũ Linh Chi với Thiên ma.

Dược sĩ Thu Hà