Bệnh trĩ tuy không nguy hiểm tới tính mạng nhưng khiến người bệnh vô cùng khó chịu, ảnh hưởng tới công việc và sinh hoạt thường ngày. Việc lựa chọn đúng loại thực phẩm có thể phần nào giúp giảm triệu chứng của bệnh trĩ. Cùng điểm danh 10 loại thực thẩm tốt cho người bệnh trĩ.
1. Các loại đậu
Để tránh hoặc ngăn chặn các triệu chứng trĩ gây đau rát và chảy máu, nguyên tắc cơ bản trong việc cân bằng thực đơn là đảm bảo bạn được nhận đủ chất xơ.
Có hai loại chất xơ từ thực phẩm – hòa tan và không hòa tan. Trong khi chất xơ hòa tan tạo thành gel trong đường tiêu hóa và có thể được tiêu hóa bởi các vi khuẩn có lợi thì chất xơ không hòa tan giúp tạo khối lượng trong phân.
Để có được đường ruột khỏe mạnh, bạn cần cả hai loại chất xơ trên.
Các loại đậu gồm đậu xanh, đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu nành, đậu phộng, đậu gà… chứa nhiều loại chất xơ, đặc biệt phần nhiều là chất xơ hòa tan.
Ăn các loại đậu sẽ giúp tạo khối lượng phân khiến bạn giảm bớt áp lực khi đi vệ sinh. Kết quả là giúp phòng ngừa bệnh trĩ hoặc giảm các triệu chứng bệnh.
2. Ngũ cốc nguyên hạt
Cũng như các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt là nguồn dinh dưỡng tốt cho người bệnh trĩ. Bởi chúng giữ lại cả mầm, cám và nội nhũ – những thành phần có lợi tương tự như chất xơ.
Ngũ cốc nguyên hạt đặc biệt giàu chất xơ không hòa tan, sẽ giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa, giúp giảm đau và giảm sự khó chịu liên quan tới chứng mót rặn.
Nên nhớ rằng ngũ cốc nguyên hạt không phải là bột mì nguyên cám và bánh mì trắng. Bạn nên chọn thực phẩm được chế biến từ lúa mạch, ngô, gạo lứt, lúa mạch đen nguyên hạt và yến mạch.
Bột yến mạch đặc biệt tốt với người bệnh trĩ. Bởi yến mạch chứa một loại chất xơ hòa tan gọi là beta-glucan, có lợi cho hệ vi sinh vật đường ruột do có chứa prebiotics. Prebiotics giúp nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong đường ruột.
3. Bông cải xanh và các loại rau họ cải khác
Các loại rau họ cải bao gồm súp lơ xanh, súp lơ trắng, rau cải ngọt, củ cải và bắp cải không chỉ giúp chống ung thư mà còn chứa lượng chất xơ không hòa tan tốt cho tiêu hóa.
Ví dụ trong 76gram súp lơ xanh chứa khoảng 2 gram chất xơ không hòa tan. Khi bổ sung sẽ giúp làm tăng khối lượng phân và giúp đi ngoài đều đặn hơn.
Hơn nữa, các loại rau họ cải còn chứa glucosinolate – loại hóa chất thực vật có thể bị phân hủy bởi vi khuẩn đường ruột.
Sự đa dạng hóa của vi khuẩn đường ruột có liên quan tới hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch khỏe mạnh. Vì thế bổ sung súp lơ xanh và các loại rau họ cải rất tốt cho người bị trĩ.
4. Actiso
Actiso chứa nhiều chất xơ. Cũng như các loại rau quả khác, chất xơ của actiso giúp nuôi dưỡng các vi khuẩn thân thiện trong đường ruột.
Hai nghiên cứu trên người cho thấy inulin – loại chất xơ hòa tan trong actiso – giúp làm tăng số lượng vi khuẩn có lợi trong đường ruột, như Bifidobacteria và Lactobacilli.
Vì thế, ăn actiso sẽ giúp đường ruột khỏe mạnh hơn và duy trì chức năng đi ngoài đều đặn và dễ dàng.
5. Các loại củ
Một số loại củ như khoai lang, củ cải, củ cải đường, cà rốt, khoai tây chứa nhiều chất dinh dưỡng và giàu chất xơ có lợi cho đường ruột.
Các loại củ này chứa khoảng 3 – 5 gram mỗi khẩu phần. Nhưng bạn nên nhớ chất xơ chứa trong vỏ nên hãy ăn cả vỏ của chúng.
Cách tốt nhất để chế biến các loại rau củ này là hãy nướng, hấp, áp chảo hoặc luộc cả vỏ để bổ sung được nhiều chất xơ hơn.
6. Bí đao
Bí đao chứa nhiều chất xơ và có tính mát nên cũng tốt cho người bị trĩ hay người thường xuyên bị táo bón. Ăn bí sẽ giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt và ngăn ngừa đầy hơi, chướng bụng.
7. Cần tây
Tương tự như ớt chuông, cần tây giúp cung cấp nhiều nước và chất xơ. Vì thế ăn cần tây sẽ giúp làm mềm phân và làm giảm áp lực khi đi ngoài.
Một cây cần tây lớn cung cấp 1 gram chất xơ và chứa 95% là nước.
Có thể chế biến cần tây dưới dạng salad, thêm vào súp hoặc các món hầm để bổ sung vào thực đơn khi bị trĩ.
8. Dưa chuột và các loại dưa khác
Dưa chuột là loại quả vừa ngon miệng vừa giúp bổ sung nhiều chất xơ và nước cho hệ tiêu hóa.
Tuy nhiên, khi dùng dưa chuột bạn nên nhớ giữ nguyên vỏ vì khi đó sẽ đảm bảo giữ lại được nhiều chất xơ nhất.
9. Lê và táo
Lê và táo là hai loại quả chứa nhiều chất xơ nhất. Trong khi 1 quả lê chứa gần 6 gram chất xơ thì 1 quả táo chứa 5 gram chất xơ.
Chất xơ trong táo có pectin, một loại chất xơ hòa tan tạo ra chất như gel trong đường tiêu hóa.
Ăn các loại quả này giúp làm mềm và tăng thể tích phân giúp giảm áp lực và khó chịu khi đi tiêu ở người bệnh trĩ.
10. Chuối
Chuối chứa pectin và tinh bột đề kháng nên là thực phẩm lý tưởng dành cho người bệnh trĩ, giúp làm dịu đi phần nào triệu chứng bệnh.
Một quả chuối dài khoảng 20cm cung cấp khoảng 3 gram chất xơ.
Thành phần pectin trong chuối tạo ra chất gel trong đường tiêu hóa và tinh bột đề kháng giúp cung cấp vi khuẩn có lợi cho đường ruột – sự kết hợp hoàn hảo giúp khắc phục các triệu chứng bệnh trĩ.
Các thực phẩm nên tránh đối với người bệnh trĩ
Người bệnh trĩ nên tránh các loại thực phẩm ít chất xơ. Bởi chúng có thể làm trầm trọng hơn các tình trạng táo bón, có thể dẫn đến đi ngoài ra máu.
Thực phẩm ít chất xơ cần tránh bao gồm:
- Sữa và các sản phẩm từ sữa: nên tránh sữa tươi, pho mát.
- Bột mì trắng: loại bột đã loại bỏ cám và mầm nên chứa rất ít chất xơ. Một số loại thực phẩm từ bột mì trắng như bánh mì trắng, mì ống.
- Thịt đỏ: nên tránh ăn thịt đỏ vì thời gian tiêu hóa nhanh hơn và có thể làm trầm trọng hơn tình trạng táo bón.
- Thịt đã qua chế biến: có thể kể tới như thịt nguội, xúc xích, lạp xưởng có ít chất xơ và nhiều muối sẽ làm tăng nguy cơ táo bón cao hơn.
- Đồ chiên rán: gây khó khăn cho hệ tiêu hóa và khó tiêu.
- Thức ăn mặn: gây đầy hơi và có thể khiến các búi trĩ trở nên nhạy cảm hơn.
- Thức ăn cay: khi ăn các đồ ăn cay thì có thể làm tăng cảm giác đau và khó chịu liên quan đến bệnh trĩ.
- Đồ uống chứa caffein: đặc biệt là cà phê, có thể gây mất nước, làm cứng phân và đau rát khi đi vệ sinh.
Đào Tâm