Viêm khớp sụn sườn: Định nghĩa, nguyên nhân và các biện pháp điều trị

Viêm khớp sụn sườn hay viêm sụn sườn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau ngực không do tim. Cùng tìm hiểu triệu chứng, nguyên nhân và các biện pháp cải thiện cơn đau ngực do viêm khớp sụn sườn gây ra.

 

Viêm khớp sụn sườn là nguyên nhân phổ biến gây đau ngực

Viêm khớp sụn sườn là bệnh gì?

Viêm sụn sườn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đau ngực không do tim. 

Bệnh thường ảnh hưởng chủ yếu ở thanh thiếu niên và phụ nữ trong độ tuổi 40-50. 

Giải phẫu thành ngực

Thành ngực bao gồm xương sườn, sụn sườn và xương ức. 

Có tất cả 12 cặp xương sườn, trong đó 7 cặp đầu tiên là xương sườn thật, nối với xương ức thông qua các mối nối được gọi là khớp sụn sườn.

Xương ức là một phần xương dẹt và dài, giống như chiếc cà vạt nằm ở giữa ngực. 

Nó cùng với các cặp xương sườn tạo thành một cấu trúc được gọi là lồng xương sườn.

Lồng xương sườn có vai trò bảo vệ các cơ quan ngực như tim, phổi, mạch máu đồng thời cho phép các cử động hô hấp diễn ra trong giới hạn bình thường. 

Viêm khớp sụn sườn

Viêm sụn sườn, còn được gọi là đau thành ngực hay hội chứng xương ức, là tình trạng viêm tại các khớp giữa xương ức và xương sườn. 

Nó là một nguyên nhân phổ biến của đau ngực. Đôi khi nó có thể bị nhầm lẫn là một cơn đau tim, nhồi máu cơ tim, viêm phổi, Herpes zoster hoặc các rối loạn toàn thân liên quan đến thành ngực khác.

Người bệnh có tình trạng đau thành ngực trên đột ngột do cử động mà không có triệu chứng khác như nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, đau tỏa ra, khó thở, sốt, buồn nôn hoặc ho.

Viêm sụn sườn ảnh hưởng chủ yếu ở người lớn từ 40 tuổi trở lên, không gây tổn thương vĩnh viễn nhưng có tỷ lệ tái phát cao.

Cấu tạo các xương sườn và xương ức ở lồng ngực

Triệu chứng viêm sụn sườn

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm xương sườn là đau ngực.

Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc tiến triển chậm theo thời gian với các đặc điểm:

  • Đau nhói, đau nhức, âm ỉ hoặc áp lực như đau ở thành ngực
  • Cơn đau có thể lan đến vai, cánh tay, dạ dày hoặc lưng
  • Chỉ ảnh hưởng ở một bên, thường là bên trái tại vị trí xương sườn thứ 2 đến thứ 5.
  • Một số rất ít các trường hợp có thể gặp các cơn đau ở cả 2 bên, bụng hoặc lưng.
  • Đau trở nên tồi tệ hơn với các chuyển động trên cơ thể, ho, hoạt động thể chất hoặc thở sâu.
  • Khi ấn vào khu vực bị đau thấy mềm và lõm xuống.

Các triệu chứng ít phổ biến khác bao gồm: Sốt, đổ mồ hôi, đỏ trên ngực, chóng mặt và buồn nôn.

Nguyên nhân gây viêm khớp sụn sườn 

Nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng viêm sụn sườn vẫn chưa được biết rõ.

Tuy nhiên nhiều bằng chứng cho thấy nó có thể liên quan tới các căng thẳng lặp đi lặp lại trong một thời gian dài.

Các tác nhân gây căng thẳng có thể là:

  • Chấn thương thành ngực như va chạm cùn do tai nạn xe hơi hoặc ngã.
  • Hoạt động thể chất cường độ cao mà không có đủ thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi
  • Căng thẳng do đột ngột bê vác nặng hoặc vận động mạnh 
  • Viêm khớp: như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến, viêm cột sống,…
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn: lao, giang mai, candida, salmonella, aspergillosis 
  • Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus 
  • Ho hoặc nôn mạnh 
  • Các khối u trong khớp xương ức như ung thư vú, tuyến giáp hay phổi

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Thanh thiếu niên trong độ tuổi 12-14 tuổi
  • Các vận động viên chơi thể thao tiếp xúc
  • Những người có công việc đòi hỏi thể chất.
  • Nữ giới hoặc người được chỉ định là nữ khi sinh (AFAB)
  • Người mắc bệnh đau cơ xơ hóa: đau và tăng độ cứng cơ ảnh hưởng đến hệ thống cơ xương.

Điều trị viêm khớp sụn sườn như thế nào?

Hầu hết các triệu chứng viêm sụn sườn sẽ biến mất sau khoảng một vài tuần hoặc kéo dài tới vài tháng mà không cần điều trị.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể được kê sử dụng thuốc hoặc các biện pháp cải thiện cơn đau gặp phải. Chúng bao gồm:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): giúp giảm các cơn đau và ngăn chặn phản ứng viêm diễn ra.
  • Chườm nóng: sử dụng túi chườm nóng để đặt lên ngực giúp giảm triệu chứng khó chịu do đau ngực. Nên thực hiện nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi vận động. Không nên chườm quá nóng hay trong thời gian quá dài vì có thể gây bỏng hoặc rát vùng da ngực.
  • Nghỉ ngơi: thời gian nghỉ ngơi là điều cần thiết để giảm các cơn đau do viêm sụn sườn. Ngoài ra, cần hạn chế và tránh thực hiện các hoạt động thể chất, cường độ mạnh giúp giảm sự khó chịu và hạn chế tình trạng đau nghiêm trọng hơn.

Chườm nóng giúp giảm cơn đau do viêm sụn sườn gây ra

Làm thế nào để ngăn ngừa viêm sụn sườn 

Biện pháp ngăn ngừa viêm sụn sườn tốt nhất đó là dự phòng và giảm nguy cơ căng thẳng tại các khớp nối xương sườn.

  • Duy trì tư thế và cường độ vận động thích hợp
  • Hạn chế bê vác nặng hay tập luyện, lao động quá sức 
  • Tập các bài tập và động tác có lợi cho độ bền và sự dẻo dai các khớp, xương lồng ngực 
  • Kiểm soát tốt các nguyên nhân nhiễm trùng, viêm đường hô hấp và viêm khớp 
  • Thăm khám sức khỏe thường xuyên để chủ động trong việc chăm sóc và ngăn ngừa bệnh tật.

Dược sĩ Thu Hà