Viêm loét đại trực tràng chảy máu: phát hiện sớm để điều trị kịp thời

Viêm loét đại trực tràng chảy máu có các biểu hiện giống như bệnh thông thường khác nên người bệnh thường chủ quan, gây biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời là điều vô cùng cần thiết.

Mức độ và biểu hiện của bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương mà viêm loét đại trực tràng chảy máu có những biểu hiện khác nhau:

Giai đoạn nhẹ

Người bệnh không có thay đổi về thể trạng, đi ngoài phân có máu lẫn nhầy chỉ kéo dài dưới 4 ngày, không có thiếu máu hoặc giảm protein máu. Bệnh thường chỉ khu trú ở trực tràng hoặc đại tràng sigma, hiếm khi có tổn thương cao hơn ở phía trên. Các biểu hiện ngoài ruột là rất hiếm. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể diễn tiến thành nặng.

Đại tiện ra máu là triệu chứng điển hình của người bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu

Giai đoạn nặng

Những cơn đau quặn bụng thường xuyên hơn kèm theo đại tiện máu phân với số lần đi ngoài ra máu dưới 6 lần/ngày vào cả ngày lẫn đêm. Người bệnh có thể bị sốt, nồng độ protein trong máu giảm khiến người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải. Cảm giác bị đau rát và buốt ở hậu môn, mót rặn khi đi đại tiện.

Giai đoạn trầm trọng

Người bệnh đại tiện ra máu hơn 6 lần/ngày, xảy ra nhiều hơn vào ban đêm. Cơ thể người bệnh suy sụp, nhịp tim nhanh, huyết áp cao, sốt cao, bụng trướng. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời tiến triển nặng dẫn tới tử vong do xuất huyết trầm trọng hoặc giãn đại tràng do nhiễm độc. Bệnh nhân có nguy cơ gặp phải các biến chứng như xuất huyết ồ ạt, phình giãn đại tràng nhiễm độc dẫn đến tử vong.

Một số triệu chứng khác mà người bị xuất huyết đại trực tràng có thể gặp phải như là: hoa mắt, chóng mặt, thiếu máu, phù chân, huyết áp tụt, đau bụng dữ dội, sưng đau các khớp, đau thắt lưng và cùng chậu do viêm khớp cùng chậu.

Nguyên nhân gây bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu

Nguyên nhân viêm loét đại trực tràng đến nay chưa rõ, nhưng bệnh có liên quan tới quá trình đáp ứng miễn dịch. Bệnh lúc đầu có thể chỉ khu trú tại trực tràng, về sau lan dần vào trong, tổn thương có thể toàn bộ đại tràng, đôi khi có thể lan cả sang một phần của đoạn cuối ruột non.

Phát hiện và điều trị bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu

Cho tới nay, chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn viêm loét đại trực tràng chảy máu mà việc điều trị chỉ giúp cải thiện triệu chứng và duy trì giai đoạn bệnh lui. Chính vì vậy, ngay khi có triệu chứng, cần đi khám bệnh sớm và điều trị kịp thời khi tổn thương chưa lan rộng.

Người bệnh cần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khi thấy có các dấu hiệu như rối loạn đại tiện, phân có máu, nhầy, không khuôn, đau bụng nhiều thì cần đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời. Tránh để đến tình trạng muộn như đi đại tiện 2 – 3 ngày liền, mất máu thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn, tốn kém hơn. Ngoài ra cần theo dõi thường xuyên 6 tháng một lần bằng nội soi đại tràng, sinh thiết đại tràng, đại tràng sigma để phát hiện giai đoạn đầu của tiến triển ung thư.

>> Xem thêm: Đau bụng nhiều, đi ngoài thường xuyên là dấu hiệu của bệnh gì?

Nội soi đại tràng – chìa khóa để phát hiện sớm ung thư đại tràng

Tùy theo mức độ nặng và phạm vi tổn thương của bệnh mà các bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị khác nhau. Bệnh nhân sẽ được ưu tiên điều trị nội khoa kết hợp với điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. Bệnh nhân nên uống nhiều nước, ăn những thức ăn mềm, ít chất xơ như cơm nhão, cháo, thịt nạc, cá, sữa đậu nành, lưu ý tránh ăn rau sống, bắp, đồ uống chứa cồn, thực phẩm cay nóng. Cần thư giãn và tránh suy nghĩ quá mức vì căng thẳng cũng làm tình trạng bệnh viêm loét đại tràng thêm trầm trọng. Điều trị ngoại khoa được chỉ định khi điều trị nội khoa thất bại hoặc với các trường hợp thủng đại tràng, phình giãn đại tràng nhiễm độc hoặc ung thư hóa hoặc dị sản mức độ nặng.

DS Phan Thu Hiền