Xích thược và bài thuốc thanh nhiệt, lương huyết, trục ứ

Xích thược là một vị thuốc được sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền Việt Nam, có công dụng lương huyết, thanh nhiệt, giải độc. Cùng tìm hiểu về đặc điểm và những ứng dụng của Xích thược trong việc chăm sóc và cải thiện sức khỏe.

Xích thược là vị thuốc quen thuộc trong y học cổ truyền

MỤC LỤC

  • Tổng quan về dược liệu Xích thược
  • Thành phần hoá học
  • Tác dụng dược lý của Xích thược
  • Vị thuốc Xích thược trong y học cổ truyền
  • Các bài thuốc có chứa thành phần Xích thược

Tổng quan về dược liệu Xích thược

Dược liệu Xích thược là rễ phơi hay sấy khô của cây thược dược.

Tên gọi, danh pháp

Tên thường gọi: Xích thược.

Tên thực vật: Radix paeoniae Rubra

Tên khoa học: Paeonia lactiflora Pall

Họ: Hoàng liên (Ranunculaceae)

Tên gọi khác: Thược dược, xuyên xích thược, mẫu đơn đỏ.

Đặc điểm thực vật

Xích thược là cây thân thảo, sống lâu năm, chiều cao trung bình trong khoảng từ 50 – 80cm. Lá cây là lá kép lông chim, mọc so le, màu xanh. Mỗi một lá có thể phân thành 9 đến 12 phần không đều nhau, hình giáo, nhọn ở đầu, cuống có màu hơi hồng.

Hoa xích thược thường mọc đơn, một bông, không tạo chùm, kích thước lớn có khoảng 8 cánh, hương tựa như hoa hồng. Mỗi cây xích thược có thể có từ 1 đến 7 hoa, khi hoa chưa nở có màu hồng nhạt, sau có thẻ chuyển dần sang màu trắng, bao chứa phấn màu da cam.

Đặc điểm thực vật của Xích thược

Vị trí phân bố

Xích thược có nguồn gốc ở vùng Đông á gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản.

Tại Việt Nam, xích thược bắt đầu được trồng vào khoảng những năm 1970 tại Sa Pa. Cây chủ yếu ưa sống ở vùng cao có khí hậu mát mẻ, phát triển ở các bụi cây hoặc ở các tán cây to.

Thu hái và chế biến

Thông thường cây xích thược được thu hoạch vào khoảng tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Cây được đào rễ, bỏ phần rễ con, gọt vỏ sau đó rửa sạch.

Có nhiều cách chế biến xích thược khác nhau, nhưng đều cần lưu ý không phơi rễ Xích thược ngoài nắng gắt hay sấy ở nhiệt độ cao có thể khiến rễ bị gãy, cong queo.

Cách bào chế xích thược có thể gồm:

  • Nấu chín dược liệu tươi sau đó phơi hoặc sấy khô.
  • Rễ cây đem đi nấu đến khi chín và phơi khô, sau đó tẩm nước cho mềm và tiếp tục phơi nắng cho đến khi khô.
  • Rửa sạch, ủ mềm rồi bào mỏng, có thể dùng tươi hoặc khô.
  • Ủ mềm, thái mỏng và phơi khô, sau đó tẩm rượu hoặc giấm rồi đem sao

Mô tả dược liệu

Phần rễ cây xích thược được dùng làm thuốc, với tên khoa học là Radix Paeoniae rubrae.

Dược liệu có hình trụ, hơi cong, chiều dài khoảng 5 – 40cm, kích thước đường kính dao động từ 0,5 – 3 cm. Bên ngoài vỏ rễ có màu nâu, hơi nhăn và có các rãnh dọc và rễ con.

Chất rễ cứng, giòn, dùng tay có thể bẻ gãy rất dễ dàng. Bên trong rễ có thể có màu trắng phấn hoặc hồng nhạt.

Mặt cắt có vân xuyên tâm, vỏ hẹp, một số rễ còn có khe nứt. Rễ xích thược có hương thơm nhẹ, vị hơi đắng xen lẫn vị chua và chát.

Thành phần hoá học

Các thành phần hóa học chủ yếu có trong xích thược bao gồm: Paeoniflorin; Tanin; Tinh bột; Nhựa; Sắc tố; Đường.

Ngoài ra, người ta còn phân lập được 8 hợp chất khác trong thành phần dịch chiết của rễ, đó là: Paeoniflorin; Benzoyl paeoniflorin; Acid galic; Methyl galat; Salicinol; Isosalicinol; Acid benzoic; Acid tianshic.

Dược liệu Xích thược

Tác dụng dược lý của Xích thược

Các tác dụng đối với sức khỏe đã được chứng minh của xích thược gồm:

  • Chống co thắt cơ trơn, giảm đau
  • Hoạt tính kháng khuẩn, chống virus, nấm
  • Kích thích lưu thông tuần hoàn máu, giảm áp lực cho tĩnh mạch cửa
  • Ngăn ngừa thiếu máu cơ tim 
  • Tăng khả năng co giãn của động mạch vành
  • Kháng viêm, hạ sốt

Vị thuốc xích thược trong y học cổ truyền

Theo quan niệm Đông y, Xích thược là vị thuốc có vị đắng, tính hơi hàn, quy vào kinh Tỳ và phần huyết của kinh Can.

Công năng, chủ trị

Công năng chính: hoạt huyết, chỉ thống, lương huyết, giải độc tiêu ung, hành huyết, tán tà

Chủ trị: 

  • Các chứng đau bụng khi hành kinh do nguyên nhân huyết ứ, đau sau té ngã chấn thương
  • Đau tức ngực, chảy máu dưới da, viêm tắc động mạch, viêm màng phổi do lao, xơ gan, viêm nha chu, mụn nhọt. 
  • Ngoài ra, xích thược còn được dùng để làm thuốc giảm đau, cầm máu và kháng khuẩn và là một thành phần trong chế phẩm điều trị bệnh ung thư và bệnh tim mạch.

Liều dùng, cách dùng 

Xích thược được dùng ở dạng thuốc sắc, tán bột làm hoàn,… dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với một số dược liệu khác. Mỗi ngày dùng từ 4 – 10g.

Các bài thuốc có chứa thành phần Xích thược

Khai khiếu thông lạc, hoạt huyết hóa ứ

Xích thược 4,5g, xuyên khung 4,5g, đào nhân 9g, hồng hoa 9g, sinh khương (gừng tươi) 9g, hành già 3 củ thái nhỏ, xạ hương 0,8g, táo tàu 7 quả, sung úy tử (ích mẫu) 9g, tam thất 6g. Sắc uống ngày 1 thang

Trị mất ngủ

Cam thảo, Trần bì, Thanh bì, Hương phụ, Đào nhân, Xích thược, Vỏ trắng cây Dâu: mỗi vị 15 g; Sài hồ, Mộc thông, Bán hạ, Đại phục bì, Tô tử: mỗi vị 10 g.

Sắc trong 15 phút rồi chắt lấy nước. Còn bã, đổ thêm nước sắc tiếp 20 phút. Lọc, bỏ bã. Trộn lẫn 2 nước thuốc, chia đều uống. Ngày 1 thang.

Trừ ứ giảm đau

Xích thược 20g, hương phụ 12g.

Thêm ít muối vào sắc và uống khi còn nóng, giúp trị các chứng băng huyết, khí hư đau bụng.

Hoạt huyết điều kinh

Xích thược 16g, phục linh 16g, đan bì 12g, sài hồ 16g, bạch chỉ 12g.

Tất cả nghiền thành bột, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 8g. Có thể thêm đại táo và gừng tươi sắc uống. Giúp trị các chứng kinh nguyệt không đều, tắc kinh.

Trị mụn nhọt

Xích thược 12g, kim ngân 12g, liên diệp 16g, liên kiều 12g, thạch cao 10g, đạm trúc diện 12g.

Sắc thang thuốc với nước và uống, giúp trị các mụn nhọt vào mùa hè. Dùng trong trường hợp sưng đau huyết nhiệt, huyết ứ.

Điều trị đau nhức xương khớp, phù tay chân

Xích thược 80g, cây lá vông 80g, xuyên quy 80g, đào nhân 20g, sơn ô quy 80g, bạt kế 40g, phụ tử 40g, xuyên khung 40g, quế tâm 120g.

Đem tất cả các vị thuốc tán bột mịn. Mỗi ngày sử dụng 20g bột đem sắc chung với 6g gừng, uống khi còn ấm giúp điều trị các tình trạng đau nhức xương khớp, phù tay chân.

Một số lưu ý khi sử dụng xích thược

Người đau bụng, tiêu chảy do cảm hàn, người huyết hư không dùng xích thược.

Vị thuốc có công dụng thông kinh hoạt huyết, người kinh nguyệt ra nhiều, không có ứ trệ thì không nên dùng.

Nên phân biệt xích thược và bạch thược, vì trên lâm sàng công dụng của hai loại này là khác nhau.