Lồng ruột là một vấn đề nghiêm trọng xảy ra ở trẻ cần phải được đưa đi cấp cứu sớm để điều trị kịp thời. Chỉ ra cho bố mẹ các dấu hiệu lồng ruột dễ nhận biết ở trẻ nhỏ.
Lồng ruột ở trẻ là gì?
Lổng ruột là một tình trạng nguy hiểm khi một phần của ruột lồng vào một phần liền kề trong ruột. Khi ruột lồng vào nhau sẽ chặn đường thực phẩm hoặc dịch đi qua ruột. Lồng ruột sẽ gây tắc nghẽn, ngăn cản sự chuyển động của thức ăn đang được tiêu hóa qua ruột.
Nếu không điều trị kịp thời thì lồng ruột có thể gây ra một số biến chứng như:
- Tắc ruột: khiến thức ăn và chất lỏng đi qua ruột bị tắc nghẽn
- Nhiễm trùng và viêm ruột: gây sưng và chảy máu
- Chết mô ruột: khi lồng ruột dẫn tới nguồn cung cấp máu cho một phần ruột bị ảnh hưởng.
Lồng ruột thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Đây là một tình trạng nguy hiểm cần được phát hiện sớm và được đưa tới cấp cứu ngay lập tức.
Nguyên nhân dẫn đến lồng ruột là gì?
Lồng ruột là một tình trạng bệnh lý không rõ nguyên nhân. Ở hầu hết các trường hợp trẻ nhỏ bị lồng ruột đều không biết đâu là nguyên nhân trực tiếp gây ra.
Theo một số thống kê của chuyên gia thì 60% trẻ bị lồng ruột ở độ tuổi từ 2 tháng đến 1 tuổi. Tình trạng này thường hiếm gặp ở trẻ sơ sinh.
Bé trai dễ bị lồng ruột gấp 4 lần so với bé gái.
Dù 80% trường hợp lồng ruột gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, tuy nhiên, lồng ruột vẫn có thể xuất hiện ở trẻ lớn hơn, thanh thiếu niên và người lớn.
>> Xem thêm Phân biệt khi sử dụng men tiêu hóa và men vi sinh cho trẻ nhỏ
Dấu hiệu trẻ bị lồng ruột dễ nhận biết nhất
Triệu chứng dễ nhận biết nhất của lồng ruột là cơn đau bụng xuất hiện đột ngột và theo từng cơn cho dù trước đó trẻ vẫn vui chơi khỏe mạnh. Tuy nhiên, vì lồng ruột thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi nên bé khó có thể mô tả được các triệu chứng của mình.
Bố mẹ hãy để ý nếu như trẻ gặp các dấu hiệu sau thì cần đưa đến bệnh viện ngay tức thì:
- Trẻ quấy khóc liên tục trong các cơn đau cách nhau khoảng 15 – 20 phút. Cơn đau có thể kéo dài hơn cho tới khi được điều trị.
- Trẻ co đầu gối lên ở phía ngực hoặc cố gắng nằm để kéo đầu gối lên gần ngực.
- Nôn mửa liên tục ngay sau khi có cơn đau bụng.
Trẻ bị lồng ruột có thể đi tiêu phân bình thường, nhưng sau khi ruột bị lồng chưa được điều trị thì phân tiếp theo có thể có máu. Phân có thể có màu đỏ, nhày hoặc giống như thạch.
Tuy nhiên, các triệu chứng của lồng ruột cũng có thể giống một số vấn đề y tế khác. Bác sĩ cần siêu âm ổ bụng để xác định chính xác được có khối lồng ruột trong bụng trẻ không để có hướng điều trị. Vì thế, khi nhận thấy một trong các dấu hiệu trên, bố mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện càng sớm càng tốt.
>> Xem thêm Cách đề phòng bệnh gan ở trẻ em
Trẻ bị lồng ruột được điều trị như thế nào?
Nếu nghi ngờ trẻ bị lồng ruột, trẻ cần được đưa đến phòng cấp cứu ngay lập tức. Thông thường, các bác sĩ nhi sẽ khám cho trẻ ngay tức thì. Trẻ cần siêu âm ổ bụng hoặc chụp X-quang để xem có khối lồng ruột không. Nếu trẻ trông rất yếu và nhận thấy có tổn thương trong ruột, bác sĩ có thể đưa trẻ đến phòng mổ ngay để phẫu thuật đoạn ruột bị tắc.
Hai loại tháo lồng thường được áp dụng cho trẻ nhỏ hiện nay gồm:
- Tháo lồng bằng không khí: Đây là phương pháp đặt một ống mềm nhỏ vào trực tràng (nơi phân đi ra ngoài) và đưa không khí đi qua ống này. Thủ thuật này sẽ thực hiện trong phòng chụp X-quang. Khi không khí đi vào ruột và làm lộ ra đoạn ruột bị lồng trên ảnh chụp X-quang. Nếu trẻ bị lồng ruột, ảnh chụp trên X-quang sẽ thấy rỗ phần ruột bị lồng vào nhau. Khi bác si bơm không khí vào trong ruột thì sẽ gây mở phần ruột từ trong ra ngoài và giúp nhanh chóng loại bỏ tắc nghẽn trong lòng ruột.
- Tháo lồng bằng thuốc xổ bari: Một hỗn hợp chất lỏng được gọi là bari sử dụng thay không khí để tháo bỏ phần ruột bị lồng tương tự như không khí.
Cả hai phương pháp tháo lồng ở trẻ em này đều rất an toàn và hầu hết thành công tới 98%. Hầu hết trường hợp lồng ruột ở trẻ em đều sử dụng một trong hai phương pháp này mà không cần phải phẫu thuật.
Ở một số trẻ nhỏ, lồng ruột có thể bị tái phát trong vòng 72 giờ sau khi thực hiện thủ thuật. Khi đó bác sĩ có thể phải tháo lồng lần hai.
Một số trẻ nhỏ sẽ cần phải phẫu thuật nếu như ruột bị rách, hai phương pháp tháo lồng ở trên sẽ không có tác dụng hoặc trẻ quá yếu cũng không thể dùng phương pháp tháo lồng được. Tuy nhiên, trường hợp này thường xảy ra ở trẻ lớn hơn. Khi đó, bé cần phải phẫu thuật để khôi phục đoạn ruột tắc nghẽn. Nếu ruột bị tổn thương quá nhiều, bác sĩ có thể cần cắt bỏ đoạn ruột đó.
Sau khi điều trị, trẻ bị lồng ruột có thể ở lại bệnh viện từ 9 – 72 giờ để theo dõi và đảm bảo không bị tái phát lồng ruột. Bác sĩ sẽ theo dõi xem trẻ có thể ăn và đi ngoài như bình thường hay không.
>> Xem thêm Chăm sóc trẻ bị rối loạn tiêu hóa đúng cách
Điều cần ghi nhớ với bố mẹ nếu trẻ từng bị lồng ruột
Lồng ruột là tình trạng không phải hiếm gặp, thường gặp ở 1 trong 1.200 trẻ nhỏ. Đặc biệt đối với trẻ đã từng bị lồng ruột thì khả năng tái phát là 10%.
Do không biết rõ đâu là nguyên nhân gây ra lồng ruột, nên bác sĩ thường khuyên bố mẹ cần đưa trẻ đi khám và điều trị ngay nếu con có bất kỳ triệu chứng nào của lồng ruột như:
- Đau bụng theo cơn
- Nôn mửa
- Quấy khóc liên tục
- Đi ngoài phân như thạch
Hầu hết trẻ nhỏ đều được trị khỏi và bình phục hoàn toàn trong 24 giờ đầu tiên sau khi bị lồng ruột mà không đi kèm biến chứng nào. Tuy nhiên nếu lồng ruột không được điều trị kịp thời sẽ dễ gây ra các biến chứng nghiêm trọng và nhanh chóng trở nên tệ hơn. Vì thế, đối với trẻ bị lồng ruột thì quan trọng nhất là cần được cấp cứu ngay tức thì – chỉ một vài giây cũng mang lại ý nghĩa to lớn trong việc điều trị.
Đào Tâm