Thạch cao: Khoáng chất có tác dụng thanh nhiệt, chữa các bệnh do nhiệt

Theo các tài liệu cổ, thạch cao có vị ngọt, cay, tính hàn, đi vào ba kinh phế, vị và tam tiêu. Đây là vị thuốc được sử dụng nhiều trong Đông y, với tác dụng thanh nhiệt, trừ phiền, tiêu khát.

Khoáng chất Thạch cao với nhiều công dụng chữa bệnh

Tổng quan chung

Tên gọi

Tên thường gọi: Thạch cao

Tên khác: Tế thạch, Hàn thủy thạch, Bạch hổ, Nhuyễn thạch cao, Ngọc đại thạch, Băng thạch, Tế lý thạch, Ngọc linh phiến, Sinh thạch cao, Ổi thạch cao, Thạch cao phấn, Băng đường chế thạch cao.

Tên khoa học: Gypsum Fibrosum

Mô tả đặc điểm

Thạch cao là một loại khoáng vật được tìm thấy trong tự nhiên tồn tại ở dạng tinh thể tự tập thành khối.

Các khối thạch cao thường có màu trắng hay hơi hồng, gồm rất nhiều tinh thể không màu hơi hay vàng hoặc hơi hồng, thỉnh thoảng có những vết sắt.

Loại thạch cao có chất lượng tốt nhất có màu trắng, bóng, mảnh to, xốp, mặt ngoài như sợi tơ, không có tạp chất.

Vị thuốc Thạch cao trong Đông y

Thành phần hóa học

Thành phần chủ yếu chính là muối canxi sunfat ngậm 2 phân từ nước (CaSO4.2H2O). Trong đó hàm lượng các thành phần lần lượt là 32,5% CaO; 46,6% SO3 và 20,9% H2O. Tạp chất tồn tại thường là lượng nhỏ đất sét, cát, chất hữu cơ, hợp chất sunfua, đôi khi có thể lẫn sắt và magie.

Các chế biến 

Khi chế biến thạch cao cần hết sức lưu ý, vì nếu không cẩn thận, không nắm vững tính chất, có thể tạo thành các chất gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Hai cách chế biến thạch cao phổ biến là:

  • Dùng làm thuốc uống: Khi uống, thạch cao chỉ dùng sống nghĩa là rửa sạch tán nhỏ sau đó uống hoặc sắc uống trực tiếp.
  • Thạch cao nung chỉ dùng ngoài, khi nung lên thạch cao sẽ mất bớt nước và chỉ còn CaSO4.2H2O. Chất này nếu uống vào sẽ hút nước, nở ra có thể gây tắc ruột mà chết. 

Trong đông y người ta thường nói sự nguy hiểm ấy như sau: Thạch cao là một vị thuốc đại hàn, nếu gặp lửa sẽ nguy hiểm chết người.

Tác dụng, công dụng của Thạch cao

Công dụng theo y học cổ truyền 

Theo Đông y, thạch cao là vị thuốc có vị ngọt, cay, tính hàn, vào 3 kinh phế, vị và tam tiêu.

Công năng chính: thanh nhiệt giáng hòa, trừ phiền, chỉ khát.

Chủ trị: dùng trong các bệnh nhiệt, tráng nhiệt, mồ hôi trộm, phiền khát, miệng khô, lưỡi khô, sốt quá phát cuồng, phổi nhiệt sinh ho, vị hỏa sinh nhức đầu, đau răng…

Kiêng kỵ: Người vị nhược, không thực nhiệt không dùng được

Tác dụng dược lý

Giải nhiệt: thạch cao có tác dụng ức chế trung khu sản nhiệt, có tác dụng giải nhiệt mà không ra mồ hôi, tác dụng hạ nhiệt kéo dài.

An thần: Trong thạch cao có hàm lượng canxi cao, có tác dụng ức chế thần kinh cơ bắp, ức chế sốt cao gây co giật.

Ngoài ra canxi còn có tác dụng kháng viêm.

Cách dùng và ứng dụng chữa bệnh

Thạch cao cả Đông y và Tây y đều dùng. Nhưng mục đích sử dụng khác nhau

Liều lượng cách dùng

Tây y chỉ dùng thạch cao ở ngoài, dưới dạng khan nước CaSO4.2H2O để băng bó, đắp khuôn, bó bột v.v…

Còn Đông y coi thạch cao là một vị thuốc lạnh có tác dụng chữa các chứng sốt, sốt rét, trúng phong, sốt cao mê sảng, đầu buốt và nhức.

Bột thạch cao dược dùng ngoài da

Liều dùng: 

  • Ngày uống 12 – 40g đối với dạng thuốc sắc và 2 – 4g khi làm thuốc bột dùng ngoài.
  • Với người lớn có thể dùng lượng 80 – 160g, trẻ em dùng 10 – 40g.

Ứng dụng của vị thuốc Thạch cao

Thạch cao là vị thuốc chủ yếu chữa các bệnh viêm nhiễm có hội chứng bệnh lý nhiệt như:

  • Bạch hổ thang chữa sốt cao mê sảng

Thạch cao 16g, tri mẫu 6g, ngạnh mẻ 12g, cam thảo 2g, nước 600ml. sắc còn 20ml. Chia 3 lần uống trong ngày, chữa những bệnh sốt nóng, mê sảng khát nước, mạch nhanh

  • Chữa sốt cao, điên cuồng

Thạch cao 8g, hoàng liên 4g, nước 400ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày, chữa sốt nóng đến phát điên.

Hoặc Thạch cao 20 – 40g, Trúc diệp 12g, Mạch đông 20g, Nhân sâm 4 – 6g, Bán hạ gừng chế 6g, Cam thảo 4g, Gạo tẻ 20 – 30g, sắc nước uống ngày 3 lần.

Đối với trẻ em sốt kéo dài chưa rõ nguyên nhân có thể dùng bài này có kết quả.

  • Chữa chứng phế vị thực nhiệt

Ma hạnh thạch cam thang gia vị: Ma hoàng 4 – 6g, Hạnh nhân 8g, Thạch cao 16 – 20g, Cam thảo 4g, Kim ngân hoa 12g, Tiền hồ 8 – 12g, Trần bì 4 – 6g, Cát cánh 4 – 6g, sắc nước uống.

Hoặc dùng bài: Sanh thạch cao 12 – 16g, Trúc diệp 8 -12g, Mạch môn 12g, Chế Bán hạ 6g, Hoàng cầm 8g, Tỳ bà diệp 8g, Cánh mễ 12g.

  • Chữa chứng âm hư, vị nhiệt

Dùng Thạch cao gia Tri mẫu, Ngưu tất, Thục địa, Mạch môn gọi là bài Ngọc nữ tiễn.

  • Trường hợp sản phụ sau đẻ

Cảm thấy nóng sốt, buồn nôn, nôn, ít sữa hoặc mất sữa dùng Thạch cao sống gia Trúc nhự, Bạch vị, Cam thảo để chữa.

  • Trị viêm tấy ngoại khoa

Bột Thạch cao sống 3 phần, dầu trẩu 1 phần, trộn thành hồ đắp ngoài trị viêm hạch, nhọt, đinh độc thời kỳ sưng tấy có kết quả, đã có mủ không dùng.

  • Trị bỏng

Bột Thạch cao cho vào bao bóp rắc đều lên vùng bỏng

  • Chữa viêm phổi trẻ em

Ngân kiều Ma hạnh thang: Ma hạnh thạch cam thang gia Kim ngân hoa, Liên kiều

Lưu ý khi dùng thạch cao

Chỉ dùng Thạch cao cho bệnh thực chứng. Trường hợp hư chứng cần gia thuốc bổ khí như Nhân sâm, Đảng sâm.

Lúc dùng Thạch cao chú ý đập vụn và sắc trong 20 phút.

Uống trong phải dùng Thạch cao sống. Thạch cao nung chỉ dùng ngoài.

Không dùng đối với các chứng Dương hư (hư hàn).

Dược sĩ Thu Hà