Hoa đại
Hoa đại (Flos Plumeriae rubrae) còn có tên gọi khác là bông sứ, hoa sứ trắng, là phần hoa đã phơi hoặc sấy khô của cây đại [Plumeriabrubra L. var. acutifolia (Alton) Woodson], họ Trúc đào (Apocynaceae).
Mô tả
Hoa dài 4-5 cm, 5 cánh mỏng màu trắng ở phía ngoài và vàng chanh ở dưới, phía trong. Khi khô chuyển thành màu nâu đất, rất nhẹ, quăn queo, đôi khi cánh hoa xoắn lại. Mùi thơm nhẹ.
Chế biến
Vào tháng 5 đến tháng 8, hái hoa nở, đem phơi hoặc sấy ở 40°C đến 50°C đến khô.
Bảo quản
Bảo quản dược liệu ở nơi khô mát.
Thành phần hóa học
Tinh dầu chiết, cất từ hoa đại đem phân tích bằng sắc khí và sắc ký khí khối phổ thấy chứa 74 thành phần, chủ yếu bao gồm: linalol, pheylacetaldehyd, trans-trans farnesol B, phenyl ethylalcol, geraniol, α-terpineol, geranial.
Tác dụng dược lý
- Tác dụng hạ huyết áp: Dịch chiết hoa đại (1:1) tiêm tĩnh mạch trên chuột cống trắng, mèo, chó và thỏ đều có tác dụng hạ huyết áp. Với liều lượng 0,5g/kg thể trọng, tác dụng hạ huyết áp xuất hiện sau khi dùng thuốc nửa phút và kéo dài trong 5 phút, mức hạ huyết áp đạt 28 ± 8% so với đối chứng. Dịch chiết hoa đại còn có tác dụng làm giảm sức co bóp cơ tim ếch cô lập ở nồng độ 5%, sau đó tim ngừng đập ở thời kỳ tâm trương, ngoài ra còn có tác dụng làm giãn mạch ngoại vi.
- Tác dụng chống nấm.
- Ở Ấn Độ, người ta thường nhai nụ hoa đại với lá trầu không để hạ sốt.
Tính vị, quy kinh
Khổ, bỉnh. Vào các kinh phế.
Công năng, chủ trị
Nhuận tràng, hóa đờm chỉ ho, hạ huyết áp.
Chủ trị: Táo bón; đi lỵ có nhớt, máu; sốt, ho có đờm; huyết áp cao; phù thũng; bí tiểu tiện.
Kiêng kỵ: Người đang bị tiêu chảy hoặc có thai không được dùng.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng từ 4-12 g, dạng thuốc sắc.
Bài thuốc chứa hoa đại
Chè giảm áp an thần
Hoa đại khô (thái nhỏ) 100g, hoa cúc vàng khô (thái nhỏ) 50g, hoa hòe (sao vàng) 50g, thảo quyết minh (sao đen) 50g, tất cả tán thành bột, chia thành gói 10g. Mỗi ngày dùng 1-2 gói, hãm uống thay nước chè trong ngày. Nước này có tác dụng hạ huyết áp, bảo vệ mao mạch, an thần, gây ngủ.
Tài liệu tham khảo
1. “Dược điển Việt Nam V”, Bộ Y tế, Nhà xuất bản Y học 2017
2. “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập 1”, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuât, tái bản lần thứ nhất.