Cối xay
Vị thuốc giúp thanh nhiệt, hoạt huyết, lợi tiểu
Mô tả:
Dược liệu gồm các đoạn thân, cành, lá, hoa, quả. Tất cả các bộ phận đều có lông. Thân lớn đường kính khoảng 1,2 cm, được cắt vát dài 1-1,5 cm. Thân nhỏ và cành thường được cắt thành đoạn dài 3-4 cm. Vỏ thân có vân nhăn nheo dạng lưới, màu nâu xám nhạt hay lục xám, vỏ cành thường nhẵn. Lá khô bị nhăn nheo, nhàu nát, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt hơn, nếu ngâm nước rồi rải trên một mặt phẳng sẽ thấy lá mỏng mềm, hình tim, đầu nhọn, dài rộng khoảng 5-10 cm.
Hoa màu vàng, có cuống, mọc đơn độc ở nách lá. Quả hình cầu cụt đầu giống thớt cối xay, đường kính 1,5-2 cm, có khoảng 20 phân quả, mỗi phân quả có một vỏ nhọn như gai, có lông dày, chứa 3 hạt màu đen nhạt, hình thận.
Chế biến
Thu hoạch vào mùa hè, đem về, giũ sạch bụi, cắt thành những đoạn theo kích thước quy định, phơi hoặc sấy khô.
Bảo quản
Để nơi khô, tránh mốc.
Thành phần hóa học
Toàn cây cối xay chứa: Flavonoid, hợp chất phenol, acid amin, acid hữu cơ, đường.
Các flavonoid là gossypin, gossypitin, cyanidin-3-rutinosid.
Các acid amin là alanin, acid glutamic, arginin, valin.
Các đường là glucose, fructose, galactose.
Hạt chứa 5% dầu béo, các acid béo là acid palmitic, acid stearic và một số acid béo khác; phần không xà phòng hóa chiếm 1,7%.
Lá chứa chất nhầy.
Rễ chứa dầu béo, β – amynn, một alcaloid chưa xác định.
Tác dụng dược lý
Hợp chất gossypin có tác dụng kháng viêm mạnh.
Hạt có tác dụng nhuận tràng, tiêu viêm.
Chữa cảm sốt, đau đầu, bí tiểu tiện, phù thũng sau sinh, kiết lỵ, mắt có màng mộng, tai điếc. Lá giã đắp ngoài chữa mụn nhọt, kết hợp với nhân trần chữa chứng vàng da hậu sản.
Tính vị, quy kinh
Cam, bình. Vào các kinh tâm, đởm.
Công năng, chủ trị
Giải biểu nhiệt, hoạt huyết, lợi tiểu. Chủ trị: Cảm mạo phong nhiệt, sốt cao, đau đầu, tai ù, điếc, sốt vàng da, tiểu tiện vàng đỏ, đái rắt, đái buốt, phù thũng, lở ngứa, dị ứng.
Bài thuốc có cối xay
1. Chữa cảm sốt thể phong nhiệt, sốt cao đau đầu, ra mồ hôi, khát nước, nước tiểu vàng, mạch nhanh
Cối xay 10g, địa liền 8g, hạch chỉ 4g, bạc hà 10g, cỏ mần trầu 12g, cát căn 10g, cam thảo đất 8g. Sắc nước uống.
2. Chữa bí tiểu tiện
Rễ cối xay 30g, rễ ngái 50g, rễ cỏ xước 20g, thổ phục linh 50g, bông mã đề 25g, nước 600ml. Sắc còn 300ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
3. Chữa xích bạch lỵ (kiết lỵ lẫn đờm huyết)
Hạt cối xay sao vàng, nghiền thành bột, mỗi lần uống 3g với mật ong trước bữa ăn. Ngày uống 3 lần.
4. Chữa kiết lỵ, mắt có màng mộng
Quả cối xay, hoa mào gà mỗi vị 30g. Sắc nước uống.
5. Chữa phù thũng sau khi đẻ
Lá cối xay 30g, ích mẫu 20g. Sắc nước uống.
Tài liệu tham khảo
1. “Dược điển Việt Nam V”, Bộ Y tế, Nhà xuất bản Y học 2017
2. “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập 1”, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuât, tái bản lần thứ nhất.