Dược liệu cúc hoa vàng: món quà quý của thiên nhiên

Cúc hoa vàng còn có tên gọi khác là cam cúc, kim cúc, tên khoa học là Flos Chrysanthemi indici.

Dược liệu là cụm hoa (quen gọi là hoa) đã chế biến và phơi hay sấy khô của cây Cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.)

 

Mô tả dược liệu cúc hoa vàng

Cụm hoa màu vàng hơi nâu, đôi khi còn đính cuống; đường kính 0,5 – 1,2 cm. Tổng bao gồm 4 – 5 hàng lá bắc, mặt ngoài màu xanh hơi xám hoặc nâu nhạt, ở giữa hai bên mép rất nhạt và khô xác.

Có 2 loại hoa: Hoa hình lưỡi nhỏ một vòng, đơn tính, không đều ở phía ngoài; nhiều hoa hình ống, đều, mẫu năm, lưỡng tính ở phía trong. Chất nhẹ, mùi thơm, vị đắng.

Chế biến cúc hoa vàng

Hoa được thu hái vào mùa thu đông, lúc trời khô ráo. Hái hoa rồi đem xông lưu huỳnh, nén chặt khoảng một đêm tới khi thấy nước chảy ra có màu đen thì đem phơi nắng hoặc sấy ở 40 – 50 độ C đến khô.


Hoa cúc vàng được thu hái vào mùa thu đông, lúc trời khô ráo

Bảo quản cúc hoa vàng

Hoa cúc khô bảo quản ở nơi khô ráo, định kỳ xông lưu huỳnh.

Thành phần hóa học

Cúc hoa vàng chứa:

  • Carotenoid (chrysanthemoxanthin).
  • Tinh dầu trong đó có α-pinen, β-pinen, sabinen, myrcen, β-terpinen, p cymen, cineol, α-thuyon, chrysanthenon, borneol, linalyl acetat, bornyl acetat, cadinen, caryophyllen oxyd cadinol, chrysanthetriol.
  • Sesquiterpen: angeloyl cumambrin B, arteglasin…
  • Flavonoid: acaciin, glucopyranosid, acacetın, galactopyrianosid, chrysanthemin.
  • Acid amin: adenin, cholin,stachydrin.
  • Các thành phần khác gồm: indicumenon, Sitos -terol, amyrin, friedelin, sesamin, vitamin A.

Hạt chứa 15,80% dầu béo.


Hoa cúc vàng giúp hạ huyết áp, an thần

Tác dụng dược lý

  • Hạ huyết áp (trên động vật thí nghiệm và trên người). Lưu lượng tim và sự dẫn truyền thần kinh ở hạch không bị ảnh hưởng.
  • Tinh dầu có tính chất kháng khuẩn mạnh.
  • Hạ sốt.
  • Giảm hưng phấn, an thần ở bệnh nhân sang chấn tinh thần.

Tính vị, quy kinh

Vị ngọt hơi đắng, tính mát. Vào các kinh  tỳ vị, phế, thận.

Công năng, chủ trị

Cúc hoa vàng giúp thanh nhiệt, giải độc, tán phong, minh mục (sáng mắt).

Chủ trị: Các chứng hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, huyết áp cao, đinh độc mụn nhọt, sưng đau.


Trà hoa cúc vàng được nhiều người yêu thích

Một số bài thuốc có cúc hoa vàng

1. Chữa ho, sốt, cảm mạo: Bài thuốc Tang cúc ẩm

Cúc hoa vàng 6g, lá dâu 6g, liên kiều 4g, bạc hà 4g, cam thảo 4g, cát cánh 4g, nước 600 ml, sắc còn 200 ml chia 3 lần uống trong ngày.

2. Chữa cảm mạo, sốt nóng, ho, háo: Bài thuốc Tang cúc ẩm gia giảm

Cúc hoa vàng 8g, lá dâu 12g, hạnh nhân 8g, liên kiều 6g, cát cánh 8g, bạc hà 4g, cam thảo 4 g, đạm trúc diệp 4g. Sắc uống trong ngày.

3. Chữa hoa mắt, chóng mặt, mắt đỏ, mũi tắc: Bài thuốc Kỷ cúc địa hoàng hoàn

Kỷ tử 20g, cúc hoa vàng 12g, thục địa 32g, đan bì 12g, phục linh 12g, sơn thù 16g, trạch tả 12g, hoài sơn 16g. Các dược liệu sấy khô, tán nhỏ, luyện mật, viên bằng hạt ngô. Ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 16-20 viên. Hoặc có thể sắc uống, lượng giảm bớt một phần sáu mỗi vị.

4. Chữa hoa mắt, chóng mặt, mắt đỏ, mũi tắc: Bài thuốc Cúc hoa trà điều tán

Cúc hoa vàng, xuyên khung, kinh giới, bạc hà, phòng phong, khương hoạt, hương phụ, cam thảo, bạch chỉ, tế tân, khương tàm (các vị bằng nhau). Trộn đều, tán nhỏ, mỗi lần uống 4-6g, sau bữa ăn, dùng nước chè chiêu thuốc.

5. Chữa cảm phong hàn (chủ yếu có cảm giác lạnh)

Cúc hoa vàng 5g, địa liền 5g, bạc hà 20g, kinh giới 20g, tía tô 20g, cát căn 20g. Sắc uống.

6. Chữa viêm thoái hóa hoàng điểm

Thục địa, hạt thảo quyết minh, mỗi vị 20g, cúc hoa vàng, thương truật, chỉ từ, hoàng cầm, kỳ tử, đại táo, long nhãn, viễn chí, mỗi vị 12g, xác ve sầu 8g. Sắc uống trong một ngày. Mỗi tuần uống 5 thang. Thời gian điều trị từ 1 đến 2 tháng.

7. Chữa suy nhược thần kinh

Cúc hoa vàng 12g, sài hồ 16g, chi tử, mạn kinh, táo nhân, bá tử nhân, mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày một thang.

Cúc hoa vàng, sài hồ, mỗi vị 12g, bạch truật, bạch thược, hương phụ, mỗi vị 8g, tiêu khương, bạch linh, viễn chí, mỗi vị 6g, cam thảo 3g. Sắc uống, ngày một thang.

Kiêng kỵ

Người bị tỳ vị hư hàn, ỉa chảy không nên dùng.

Phạm Hảo

Tài liệu tham khảo

  1. “Dược điển Việt Nam V”, Bộ Y tế, Nhà xuất bản Y học 2017
  2. “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập 1”, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuât, tái bản lần thứ nhất.
A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y