bạch thược

Bạch thược

Bạch thược là phần rễ được phơi hoặc sấy khô của cây thược dược (Paeonia lactiflora Pall.), họ Hoàng liên (Ranunculaceae). Do có màu trắng (bạch) nên được gọi với tên như vậy.

Bạch thược là phần rễ của cây thược dược, được dùng làm thuốc

Thược dược còn có tên gọi khác là dư dung, kỳ tích, giải thương, kim thược dược, ngưu đỉnh, tiểu bạch thược…

Mô tả dược liệu

Rễ hình trụ tròn, thẳng hoặc đôi khi hơi uốn cong, hai đầu phẳng, đều nhau hoặc một đầu to hơn, dài 5 – 18 cm, đường kính 1 – 2,5 cm. Mặt ngoài hơi trắng hoặc hồng nhạt, đôi khi có màu nâu thẫm, nhẵn hoặc có nếp nhăn dọc và vết tích của rễ nhỏ. Chất rắn chắc, nặng, khó bẻ gãy. Mặt cắt phẳng màu trắng ngà hoặc hơi phớt hồng, vỏ hẹp, gỗ thành tia rõ đôi khi có khe nứt. Bạch thược không mùi, vị hơi đắng và chua.

Dược liệu thái lát: Lát mỏng gần tròn, bên ngoài nhẵn mịn, màu trắng hoặc hơi phớt hồng. Vị hơi đắng và chua.

bạch thược
Cây bạch thược có hoa to, mọc đơn, cánh màu trắng hoặc hồng nhạt

Chế biến

Đào lấy rễ cây bạch thược, rửa sạch đất cát, cắt bỏ đầu đuôi và rễ con, cạo sạch vỏ ngoài sau đó luộc chín hoặc luộc chín rồi bỏ vỏ, phơi khô hoặc thái lát phơi khô.

bạch thược
Bạch thược được thái lát, phơi khô

Bảo quản

Bạch thược cần để nơi khô mát, tránh mốc, mọt.

Thành phần hóa học

Rễ bạch thược chứa 3.3 – 5.7% paeoniflorin, oxypaeoniflorin, albiflorin, benzoyl paeoniflorin, triterpen và flavonoid.

Tác dụng dược lý

1. Tác dụng kháng khuẩn: Cao nước bạch thược có tác dụng kháng khuẩn trên vi khuẩn Shigella, vi khuẩn tả, tụ cầu khuẩn, Salmonella, phế cầu khuẩn và Corynebacterium diphtheria – vi khuẩn gây bệnh bạch hầu.

2. Tác dụng trên co bóp ruột thỏ cô lập

Nước sắc bạch thược ở nồng độ thấp gây ức chế; ở nồng độ cao, lúc đầu gây hưng phấn, lúc sau sẽ ức chế.

Nếu kích thích ruột thỏ bằng acetylcholine hoặc histamin, tác dụng ức chế rất rõ.

3. Tác dụng kháng cholin

Cao methanol 50% và hoạt chất paeoniflorin có tác dụng kháng cholinergic trên chuột cống trắng in vivo (thí nghiệm diễn ra trong cơ thể sống) mà biểu hiện là tác dụng chống co thắt, chống tiêu chảy. Ngoài ra, còn tác dụng giảm đau.

Tính vị, quy kinh

Khổ, toan, vi hàn. Quy vào các kinh tỳ, can, phế.

Công năng, chủ trị

Bổ huyết, dưỡng âm, thư cân, bình can, chi thống. Chủ trị: Huyết hư, da xanh xao, đau sườn ngực, mồ hôi trộm, kinh nguyệt không đều, âm hư phát sốt, chóng mặt đau đầu, chân tay co rút, đau bụng do can khắc tỳ.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng từ 8-12 g, dạng thuốc sắc, hoặc thuốc hoàn. Thường phối hợp với một số vị thuốc khác.

Kiêng kỵ

Đầy bụng không nên dùng. Không dùng bạch thược cùng với Lê lô.

Một số bài thuốc có bạch thược:

1. Bạch thược cam thảo thang chữa hai chân và đầu gối đau nhức, khó co duỗi, đau bụng, háo khát, đái đường.
Bạch thược 8g, cam thảo 4g, sắc chia 2 lần uống trong ngày hoặc tán bột, mỗi lần uống 4g, ngày 3 lần.

2. Quế chi gia linh truật thang chữa nhức đầu, hoa mắt.

Bạch thược 6g, quế chi 6g, đại táo 6g, sinh khương 6g, phục linh 6g, bạch truật 6g, cam thảo 4g. Sắc chia 3 lần uống trong ngày.

3. Bài tứ vật thang chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng khi hành kinh, xích bạch đới, bế kinh sinh đau nhức.

Bạch thược, sinh địa mỗi vị 20g, đương quy 10g, xuyên khung 4g. Sắc uống hoặc chế thành cao hoặc viên hoàn uống.

Tài liệu tham khảo

1. “Dược điển Việt Nam V”, Bộ Y tế, Nhà xuất bản Y học 2017

2. “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập 1”, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuât, tái bản lần thứ nhất

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y