CAM THẢO NAM
Herba et Radix Scopariae
Cam thảo đất, Dã cam thảo, Thổ cam thảo
Toàn cây kể cả rễ dạng tươi hay đã phơi hoặc sấy khô của cây Cam thảo nam (Scoparia dulcis L.) họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).
Mô tả
Phần trên mặt đất cao khoảng 0,4 – 0,7 m, mọc thẳng đứng, thân già hoá gỗ ở gốc, phần thân non có nhiều khía dọc. Lá mọc đối hoặc mọc vòng ba, dài 3 – 5 cm, rộng 1,5 – 3,0 cm, phiến nguyên, hẹp dần ở gốc, mép có răng cưa thưa ở nửa cuối, gân lá hình lông chim. Hoa nhỏ, cánh hoa màu trắng, mọc riêng rẽ hay thành từng đôi ở kẽ lá. Cuống quả dài 0,8 – 1,5 cm. Quả nang nhỏ đựng trong đài tồn tại, màu nâu đen. Đài đồng trưởng và quả bên trong có dạng gần như tròn với núm nhụy thò ra ở đỉnh quả, dài 1 – 2 mm. Quả luôn tồn tại ở kẽ lá làm thành điểm đặc sắc của cây. Rễ chính nhỏ, màu nâu đỏ nhạt, với nhiều rễ phụ. Toàn cây có mùi thơm nhẹ, vị đắng sau hơi ngọt.
Tính vị, qui kinh
Cam,vi khổ, hàn. Quy vào kinh: tỳ, vị, phế, can.
Công năng, chủ trị
Bổ tỳ, sinh tân, nhuận phế, thanh nhiệt giải độc, lợi niệu. Chủ trị: Giải độc do say sắn, rong kinh, ban chẩn, phế nhiệt gây ho, viêm họng, tiêu chảy, thấp cước khí, rôm, sởi trẻ em, chàm (thấp chẩn).
Cách dùng, liều lượng
Dùng tươi ngày dùng 20 – 40 g. Dùng khô 8 – 12 g, dịch ép, thuốc hãm hoặc thuốc sắc.