chiêu liêu

CHIÊU LIÊU (Vỏ thân)

Dược liệu trị tiêu chảy, kiết lỵ mạn tính
Vỏ thân phơi hay sấy khô của cây Chiêu liêu (Ter-minalia nigrovenulosa Pierre ex. Laness.), họ Bàng (Combretaccac).
Tên khác: Chiêu liêu gân đen, chiêu liêu đồng, chiêu liêu nghệ.

 

 

 

 

Mô tả:

Dược liệu là những mảnh vỏ thân cây chiêu liêu dài 40-50 cm, rộng 5-10 cm hay hơn, dày khoảng 0,8-1,5 cm. Mặt ngoài có lớp bần màu trắng đến vàng nhạt, xù xì, tương đối mỏng so với vỏ. Mặt trong khá nhẵn, toàn bộ có màu đỏ sậm, mặt bẻ lởm chởm. Thể chất nặng và chắc. Mùi nhẹ, vị hơi chát.

chiêu liêu
Cây chiêu liêu được dùng làm dược liệu từ lâu đời

Chế biến:

Vào mùa thu, lấy phần vỏ ở những cây to phơi hoặc sấy khô. Người ta cũng hái quả của cây chiêu liêu để làm thuốc, gọi là kha tử.

Bảo quản:

Bảo quản dược liệu trong bao bì kín, để nơi khô ráo.

Thành phần hóa học:

Vỏ chiêu liêu chứa 35% cao khô, trong đó thành phần chủ yếu có thể là acid cachoutanin và phlobaphen. Vỏ chứa 2% tanin và 10% calci oxalat.

Tính vị, quy kinh:

Chiêu liêu tính hàn, có độc.

chiêu liêu
Ngoài vỏ cây, quả chiêu liêu cũng được dùng làm thuốc

Công năng, chủ trị:

Phá huyết, hành huyết, thông kinh lạc, trục phong đờm. Chủ trị: Tiêu chảy, kiết lỵ.

Công dụng, cách dùng, liều lượng:

Từ kinh nghiệm lâu đời của nhân dân Campuchia, đồng bào miền Nam Việt Nam đã biết sử dụng một cách phổ biến cây chiêu liêu làm thuốc chữa tiêu chảy và lỵ mạn tính. Có thể dùng dược liệu dưới nhiều hình thức.

1. Nước hãm: lấy vỏ cây đã phơi hoặc sấy khô, tán nhỏ, dùng 3-6g, hãm với 50 – 100 ml nước sôi. Để nguội, chắt lấy nước trong, thêm chất thơm cho dễ uống. Ngày uống 2 lần.

2. Nước sắc: lấy 15-30g vỏ cây, phơi khô, thái nhỏ sắc với 400ml nước còn 100ml uống làm 3 lần trong ngày. Dùng riêng hoặc phối hợp với vỏ cây cóc (Spondias dulcis Sol. Cây cóc được trồng phổ biến ở miền Nam và miền Trung, quả có thịt chua ngọt, ăn được, hạt cứng có vỏ ngoài đầy gai).

3. Cồn thuốc: lấy 100g vỏ cây phơi khô, thái nhỏ, ngâm với 500ml rượu. Ngâm càng lâu càng tốt. Thỉnh thoảng lắc đều. Thêm ít vỏ quế hoặc trần bì cho thơm. Ngày uống 2 lần, uống 1-1,5 thìa cà phê.

4. Siro: lấy 5g cao khô hòa với 10ml rượu 90o và 100ml siro ngày uống 3 lần. Người lớn mỗi lần 1 thìa canh, trẻ em dùng ½ liều người lớn.

Cách nấu cao khô chiêu liêu như sau: thái nhỏ 250g vỏ cây khô, nấu với 2 lần nước. Bỏ bã, lọc. Cô nhỏ lửa đến khi được một khối rắn cạn nước.

Tài liệu tham khảo

1. “Dược điển Việt Nam V”, Bộ Y tế, Nhà xuất bản Y học 2017

2. “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập 1”, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuât, tái bản lần thứ nhất

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y