Đừng nhầm lẫn hội chứng ruột kích thích với ung thư đại tràng

Vì hội chứng ruột kích thích và ung thư đại tràng có nhiều đặc điểm tương đồng nên thường bị nhầm lẫn, dẫn đến điều trị sai cách. Phân biệt đúng sẽ giúp nhận biết và điều trị sớm.

Hội chứng ruột kích thích và ung thư đại tràng
Hội chứng ruột kích thích và ung thư đại tràng có nhiều triệu chứng tương đồng

Hội chứng ruột kích thích là gì?

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn mạn tính của ruột già, còn được gọi là đại tràng.

Triệu chứng hội chứng ruột kích thích

Một số triệu chứng phổ biến nhất của IBS là:

  • Đau quặn bụng
  • Đầy hơi, trướng bụng
  • Táo bón
  • Tiêu chảy
  • Có chất nhầy màu trắng trong phân
  • Cảm giác đi vệ sinh xong vẫn không hết

Một số loại thực phẩm hoặc căng thẳng có thể gây ra các triệu chứng hội chứng ruột kích thích. Mặc dù đây là một tình trạng mạn tính, nhưng đối với hầu hết những người bị hội chứng ruột kích thích, các triệu chứng không quá nghiêm trọng và có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống. Những người có các triệu chứng nặng đôi khi cần dùng thuốc để giảm triệu chứng.

Hội chứng ruột kích thích và ung thư đại tràng
Co thắt bất thường ở đường ruột gây đau quặn bụng, tiêu chảy hoặc táo bón

Chẩn đoán IBS

Để chẩn đoán IBS, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh, việc dùng thuốc và chế độ ăn uống:

  • Các loại thuốc đang uống
  • Bệnh nhiễm trùng gần đây
  • Vấn đề gây căng thẳng
  • Chế độ ăn uống
  • Tiền sử bệnh của bản thân và gia đình (đặc biệt là ung thư đại tràng, viêm ruột…)

Bác sĩ cũng chẩn đoán dựa trên các triệu chứng của người bệnh:

  • Tình trạng đau bụng cải thiện hoặc nặng hơn sau khi đi vệ sinh
  • Đi vệ sinh nhiều hơn hay ít hơn bình thường
  • Hình thức phân thay đổi như thế nào
  • Các triệu chứng xuất hiện từ ít nhất 6 tháng trước
  • Các triệu chứng xuất hiện ít nhất 1 lần/tuần trong 3 tháng qua

Bác sĩ cũng sẽ khám để kiểm tra tình trạng đường ruột. Hội chứng này không cần phải thực hiện xét nghiệm, tuy nhiên một số xét nghiệm có thể được chỉ định để loại trừ, gồm:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra nhiễm trùng, thiếu máu và các vấn đề tiêu hóa khác
  • Xét nghiệm phân để kiểm tra nhiễm trùng và các bệnh khác

Ung thư đại tràng là bệnh gì?

Ung thư đại tràng là loại ung thư có nguồn gốc từ đại tràng (phần chính của ruột già) hoặc trực tràng (đoạn nối giữa đại tràng và hậu môn). Đây là loại ung thư phổ biến thứ 3 ở cả nam và nữ. Hầu hết ung thư đại tràng đều khởi phát từ sự tăng sinh của niêm mạc đại trực tràng gọi là polyp.

Triệu chứng ung thư đại tràng

Các triệu chứng của ung thư đại tràng không rõ ràng, trừ khi ung thư đã di căn. Đây là một loại ung thư phát triển chậm trong thời gian dài nên bệnh nhân thường phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Nếu nội soi đại tràng khi tầm soát ung thư có thể phát hiện các polyp tiền ung thư từ sớm. Cắt bỏ polyp sẽ ngăn ngừa nguy cơ ung thư.

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư đại tràng gồm:

  • Đau quặn bụng
  • Táo bón
  • Tiêu chảy
  • Đầy hơi
  • Phân sẫm màu hoặc có máu trong phân
  • Chảy máu ở hậu môn
  • Mệt mỏi
  • Giảm cân không rõ lý do
Hội chứng ruột kích thích và ung thư đại tràng
Hình ảnh polyp trong niêm mạc đại tràng

Chẩn đoán ung thư đại tràng

Cũng giống như hội chứng ruột kích thích, bác sĩ sẽ hỏi và kiểm tra tiền sử bệnh của bản thân người bệnh và gia đình:

  • Polyp đại tràng
  • Trong gia đình có ai bị ung thư đại tràng hay không
  • Vận động thể chất
  • Ăn kiêng
  • Bệnh đái tháo đường type 2
  • Viêm loét đại tràng

Ngoài việc khám sức khỏe, bác sĩ cũng yêu cầu xét nghiệm máu và phân. Nếu nghi ngờ ung thư, các xét nghiệm khác có thể được chỉ định:

  • Nội soi đại tràng, sinh thiết mô
  • Chụp X-quang hoặc CT của đại tràng và trực tràng

Sinh thiết giúp nhận biết có ung thư hay không, các xét nghiệm hình ảnh giúp đánh giá ung thư đã lan rộng hay chưa.

Hội chứng ruột kích thích và ung thư đại tràng
Chụp X-quang đại tràng giúp đánh giá ung thư đã lan rộng hay chưa

So sánh hội chứng ruột kích thích với ung thư đại tràng

Mặc dù một số triệu chứng của hội chứng ruột kích thích và ung thư đại tràng khá giống nhau, nhưng có một số điểm khác biệt cần lưu ý.

Triệu chứngHội chứng ruột kích thíchUng thư đại tràng
Đau quặn bụng, muốn đi vệ sinhxx
Thay đổi thói quen đi vệ sinhxx
Táo bónxx
Tiêu chảyxx
Đi vệ sinh xong cảm thấy chưa hếtxx
Đầy hơi, chướng bụngxx
Có chất nhầy màu trắng trong phânx
Phân sẫm màu, có máu trong phânx
Mệt mỏix
Phân nhỏx
Chảy máu ở hậu mônx
Giảm cân không rõ lý dox

Hội chứng ruột kích thích có thể dẫn đến ung thư đại tràng không?

Gặp phải tình trạng ruột kích thích không gây tổn hại đến đường tiêu hóa và không dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác.

Những người bị hội chứng này cũng không có nguy cơ cao bị polyp tiền ung thư hoặc ung thư đại tràng.

Khi nào cần đi khám?

Hãy đi khám nếu bạn luôn thấy các triệu chứng sau:

  • Luôn thấy đầy hơi, bụng khó chịu
  • Đau bụng âm ỉ kéo dài
  • Chảy máu ở hậu môn
  • Thay đổi thói quen đi vệ sinh
  • Giảm cân không rõ lý do

Các triệu chứng bất thường này có thể là dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích hoặc ung thư đại tràng. Phát hiện sớm giúp việc điều trị có hiệu quả cao hơn.

Vân Anh