dược liệu hương phụ

Hương phụ – Bất ngờ với tác dụng của loại dược liệu tưởng lạ mà quen

Hương phụ hay còn gọi là củ gấu là loại cỏ mọc dại phổ biến ở Việt Nam. Đây là loại dược liệu được ứng dụng phổ biến trong Đông y với nhiều công dụng quý.

 

 

Hương phụ chính là cây cỏ gấu mọc khắp nơi tại Việt Nam

Tên khoa học: Rhizoma Cyperi.

Tên gọi khác: Củ gấu, Củ gấu biển, củ gấu vườn.

Mô tả đặc điểm hương phụ

Cây hương phụ có chiều cao 20 – 30 cm, gồm 2 loại là hương phụ vườn và hương phụ biển.

Tại Việt Nam, cỏ gấu có mặt ở khắp nơi, thậm chí rất khó để tiêu diệt, chỉ cần một mẩu rễ nhỏ cũng có thể phát triển cây mới. Hương phụ dược liệu hay củ gấu thu hoạch vào mùa xuân hoặc mùa thu cho củ chắc, tốt hơn.

Dược liệu hương phụ là bộ phận thân rễ (củ) loại bỏ rễ con và lông, đã qua chế biến của cây hương phụ hay thực chất chính là cây cỏ gấu.

Dược liệu hương phụ hình thoi, chắc, mặt ngoài hương phụ vườn màu xám đen, cỡ nhỏ hoặc nhỡ, hương phụ biển có màu nâu hoặc nâu sẫm, cỡ lớn. Bên ngoài củ có nhiều nếp nhăn dọc và đốt ngang. Trên các đốt có lông cứng, có nhiều vết tích của rễ con. Mặt cắt ngang có màu xám, mùi thơm, vị hơi đắng ngọt, sau đó cay.

Chế biến dược liệu

Sau khi thu hoạch, hương phụ có thể được sử dụng trực tiếp ngay bằng các biện pháp sắc hay ngâm rượu, giấm.
Chế biến dùng trực tiếp: Loại bỏ phần lông, tạp chất, nghiền vụn hoặc đem thái lát mỏng.

Ngâm giấm: Rửa sạch, để ráo nước, thái lát mỏng rồi ngâm với giấm, ủ qua đêm, sau đó sao hơi vàng rồi phơi khô. Trung bình 10kg hương phụ cần 2 lít giấm.

Trong y học cổ truyền, hương phụ thường được chế biến phức tạp rồi mới dùng, bằng các biện pháp như hương phụ thất chế tức là tẩm sao bằng 7 phụ liệu khác nhau hoặc hương phụ tứ chế tẩm sao bằng cách sử dụng 4 phụ liệu khác nhau. Phương pháp tứ chế được nhiều người áp dụng hơn với cách làm đơn giản hơn.

Cách làm hương phụ tứ chế: Hương phụ loại bỏ hết rễ con, rửa sạch, phơi ráo nước, chia thành 4 phần bằng nhau. Tẩm một phần bằng nước muối 5%, một phần bằng đồng tiện (nước tiểu của trẻ em khỏe mạnh) hoặc bằng nước gừng 5%, một phần bằng giấm và một phần bằng rượu 35 – 40º. Tẩm vừa đủ ướt dược liệu, ủ riêng mỗi phần trong 12 tiếng rồi sao vàng.

Sau khi chế biến chỉ nên sử dụng trong vòng tối đa 20 ngày vì để lâu sẽ mất tác dụng.

dược liệu hương phụ
Dược liệu hương phụ là thân rễ (củ) cây cỏ gấu

Tính vị, quy kinh

Dược liệu hương phụ có vị hơi đắng, hơi ngọt, tính bình.

Quy kinh can, tam tiêu, tác dụng lí khí, điều kinh, thư can, chỉ thống.

Thành phần hóa học

Thành phần hóa học trong hương phụ hiện vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Theo kết quả của một số nghiên cứu, trong dược liệu có từ 0,3 – 2,8% tinh dầu màu vàng, có mùi thơm nhẹ.

Trong hương phụ Ấn Độ tìm thấy một lượng cyperon và rất nhiều tinh bột. Hương Phụ Trung Quốc có thành phần hóa học chính là izocyperotundone, cyperen. Hương Phụ được trồng ở Nhật Bản, thành phần hóa học chủ yếu là 49% cyperenol, cyperol, 32% cyperen, cyperolon, Ct-cyperon và cyperotundon.

Nhìn chung, nguồn gốc dược liệu khác nhau có thể có thành phần không hoàn toàn giống nhau. Các thành phần đã được phân tích trong hương phụ gồm: B-selinen, cyperen, cyperol, cyperolen, alpha-cyperol, cyperotundon, patchoulenon… Ngoài ra còn có chứa glycerol, linoleic, myristic, oleic, stearic…

Tác dụng dược lý của hương phụ

Tác dụng với tử cung

Chiết xuất cao lỏng hương phụ 5% thí nghiệm trên tử cung cô lập chuột lang, thỏ, mèo và chó đều có tác dụng ức chế co bóp tử cung, giảm trương lực thành tử cung ở cả tử cung bình thường và thời kỳ mang thai. So sánh với Đương quy, tác dụng ức chế co bóp tử cung của Hương phụ yếu hơn.

Theo nghiên cứu của Vũ Văn Điền, Hoàng Kim Huyền, nước sắc của hương phụ vườn và hương phụ biển đều có tác dụng kiểu estrogen mức độ như nhau. Ngoài ra, tinh dầu hương phụ biển, hương phụ dạng sống và dạng chế đều có tác dụng kiểu estrogen. Nhưng tác dụng kiểu estrogen không quá mãnh.

Tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm

Dịch chiết hương phụ được chứng minh có tác dụng giảm đau do làm tăng ngưỡng kích thích gây đau.

Dịch chiết ether dầu hỏa từ hương phụ có tác dụng chống viêm nhờ hoạt chất chủ yếu là α-cyperen do ức chế sự hình thành prostaglandin E2.

Dịch chiết cồn hương phụ cho tác động kháng viêm cao hơn hydrocortisone trong 2 mô hình gây viêm trên chuột bởi carrageenan và formaldehyde.

Dịch chiết ether của hương phụ cho thấy được tác dụng hạ sốt tương tự acid acetyl salicylic trên cùng một mô hình động vật.

dược liệu hương phụ
Hương phụ có tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm

Tác dụng ức chế thần kinh trung ương

Tinh dầu hương phụ thí nghiệm trên chuột nhắt trắng bằng đường tiêm phúc mạc với liều lượng 0,03 ml/chuột, có tác dụng kéo dài thời gian gây ngủ của pentobarbital. Trên thỏ thí nghiệm, hương phụ tăng cường tác dụng gây mê của scopolamine.

Về cơ chế tác dụng do hương phụ ức chế quá trình dẫn truyền các xung thần kinh qua synap của tế bào vùng hải mã và bó tháp, không có tác dụng ức chế với dẫn truyền qua sợi trục thần kinh.

Tác dụng kháng khuẩn

Dầu hương phụ có tác dụng kháng khuẩn mạnh ở trên vi khuẩn Gram dương như: Staphylococcus aureus và Enterococcus faecalis.

Một nghiên cứu khác cho thấy tác dụng kháng khuẩn đáng kể trên Salmonella enteritidis, Staphylococcus aureus và Enterococcus faecalis.

Tác dụng khác

Theo các tài liệu có nguồn gốc từ Ấn Độ, hương phụ có mùi thơm, có tác dụng làm tăng tiết mồ hôi và lợi tiểu.

Dịch chiết methanol của hương phụ cho thấy tác dụng chống tiêu chảy đáng kể. Ngoài ra còn có tác dụng chống oxy hóa được cho là do các hợp chất polyphenol.

Hương phụ có tác dụng hạ áp và cường tim. Cồn chiết xuất từ hương phụ có khả năng ức chế trực tiếp cơ trơn của hồi tràng.

Bài thuốc trị bệnh từ hương phụ

Chữa rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh

Thuốc hương ngải: hương phụ, ích mẫu, ngải cứu, bạch đồng nữ mỗi vị 3g. Sắc với nước, chia làm 3 lần uống trong ngày. Muốn cho kinh nguyệt đều, uống trước 10 ngày kể từ ngày dự đoán có kinh.

dược liệu hương phụ
Hương phụ nổi tiếng với tác dụng điều hòa kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh

Chữa kinh nguyệt không đều, trễ kinh, đau tức bụng dưới, hành kinh có cục máu tím

Hương phụ 5g, đương quy 10g, thược dược 10g, xuyên khung 5g, ô dược 7g, ngải diệp 3g. Sắc nước uống.

Chữa băng huyết

Hương phụ sao đen tán bột, mỗi lần uống 6g, ngày 2 lần.

Chữa đau dạ dày, nôn, ợ ra nước trong

Hương phụ 5g, can khương 3g, mộc hương 3g, khương bán hạ 10g. Sắc nước uống.

Chữa rối loạn tiêu hóa, ăn không ngon

Chuẩn bị 6g hương phụ, 3g sa nhân, 5g mộc hương, 6g chỉ thực, 10g hậu phác, 10g bạch truật, 5g hoắc hương, 10g phục linh, 10g bán hạ, 10g trần bì, 10g sinh khương, 3g cam thảo và 5 quả táo. Dùng tất cả nguyên liệu sắc lên rồi uống hết trong ngày.

Chữa trướng bụng

Chuẩn bị 8g hương phụ và 4g hải tảo nấu với 1 ít rượu rồi lấy nước uống.

Chữa sa trực tràng

Bài thuốc 1 để uống: trộn đều hương phụ và kinh giới tuệ rồi tán bột. Mỗi lần lấy 8g hỗn hợp nấu nước uống.

Bài thuốc 2 để dùng ngoài: dùng hương phụ, kinh giới với lượng bằng nhau, đun với nước sôi trong 15 phút, dùng nước này ngâm và rửa.

Điều hòa kinh nguyệt

Chuẩn bị 9g hương phụ, 20g ích mẫu và 20g đường đỏ.

Hương phụ và ích mẫu nấu nước, lọc bỏ bã rồi thêm đường vào uống.

Chữa mộng tinh lâu ngày không khỏi

Chuẩn bị 500g hương phụ, 180g phục thần hoặc phục linh. Rửa sạch hương phụ, ngâm cùng với nước vo gạo trong 1 đêm. Tiếp tục ngâm hương phụ cùng với rượu trắng, đồng tiện, sữa bò, nước muối, nước đậu đen 1 đêm. Vớt dược liệu ra sấy khô.

Cho phục thần vào hương phụ và tán thành bột, trộn thuốc bột cùng mật ong nguyên chất để làm thành hoàn có trọng lượng 10g. Uống 1 hoàn vào mỗi buổi tối cùng với nước muối pha loãng.

Liều dùng và kiêng kỵ

Liều dùng thông thường từ 8-12g. Những người âm hư, huyết nhiệt không nên dùng.

Trong dân gian lưu truyền “nam bất thiểu trần bì, nữ bất ly hương phụ”, tức là chữa bệnh cho nam giới không thể thiếu trần bì, chữa bệnh cho nữ không thể không có hương phụ. Ngoài ra, hương phụ còn nhiều công dụng khác để điều trị rất nhiều bệnh lý hiệu quả, bạn có thể áp dụng hợp lý các thông tin trên để phát huy ưu điểm của loại dược liệu rất phổ biến, dễ kiếm này. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả nhất, nên tham khảo ý kiến chuyên gia để tránh những rủi ro và phản ứng phụ không mong muốn.

DS Thanh Loan

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y