lô hội nhuận tràng

Lô hội: Nhuận tràng, trị táo bón hiệu quả

Ít ai biết lô hội là nguyên liệu tự nhiên giúp nhuận tràng, tẩy ruột, trị táo bón, thông ruột khá hiệu quả. Tuy vậy, cần lưu ý khi sử dụng nguyên liệu tự nhiên này.

 

 

 

Lô hội có tác dụng nhuận tràng, trị táo bón

Đặc điểm của cây lô hội

Lô hội còn có tên là nha đam, lư hội, tên khoa học là Aloe perfoliata Lour., thuộc họ Lô hội

Asphodelaceae. Đây là cây thảo nhỏ, sống lâu năm. Thân ngắn hóa gỗ, mang nhiều vết sẹo do lá rụng. Lá không cuống, gốc rỗng, mọc áp sát vào nhau thành hình hoa thị, đầu thuôn dài thành hình mũi nhọn, phiến rất dày, mọng nước, dài 15 – 20cm, rộng 1 – 2 cm, mặt trên phẳng hoặc hơi lồi, có những đốm trắng, mặt dưới khum, mặt cắt tam giác, mép có gai thưa và cứng. Cắt lá thấy có nhựa vàng nhạt chảy ra.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm trên một cán dài, mang rất nhiều hoa bao bọc bởi những lá bắc màu đỏ, mọc rủ xuống, bao hoa màu vàng cam, có 6 phiến dính liền ở gốc, 6 nhị hơi dài hơn bao hoa, bầu rời có 3 ô.

lô hội nhuận tràng
Hoa lô hội mọc rủ xuống

Quả nang, hình trứng thuôn, khi chín màu nâu, chứa nhiều hạt. Mùa hoa quả vào tháng 3 – 5. Hiện nay có nhiều loại lô hội khác nhau về kích thước đều được sử dụng. Cần lưu ý, lô hội dễ bị nhầm lẫn với cây lưỡi hổ thuộc họ Thầu dầu.

Ở Việt Nam, lô hội được trồng rải rác ở khắp nơi, nhiều nhất là các tỉnh phía nam và ven biển miền Trung. Cây được trồng ở chậu hay trên đồng ruộng để làm cảnh và làm thuốc. Lô hội là cây có biên độ sinh thái khá rộng, thích nghi với nhiều loại đất, kể cả đất pha cát hoặc chỉ có cát. Cây có khả năng chịu hạn tốt do khả năng giữ nước của lá, sinh trưởng và phát triển mạnh trong điều kiện chiếu sáng đầy đủ và ra hoa quả nhiều.

Thành phần nào của lô hội được sử dụng?

Bộ phận được dùng phổ biến của Lô hội là lá, được thu hái quanh năm, có thể dùng tươi hoặc điều chế thành nhựa lô hội bằng cách cắt lá, loại bỏ lớp biểu bì lấy hết khối nhựa trong suốt, sấy ở nhiệt độ khoảng 50oC. Cũng có thể ép lá lấy dịch, đem cô cách thủy đến khô.

lô hội nhuận tràng
Bộ phận dùng của lô hội là lá

Tính vị công năng của lô hội

Lô hội có vị đắng, tính hàn, vào 4 kinh: can, tỳ, vị, đại tràng, có tác dụng thanh nhiệt, làm mát gan, thông đại tiện, nhuận tràng, tẩy ruột.

Sử dụng lô hội để nhuận tràng như thế nào?

Lá lô hội chứa khoảng 13,6% các chất thuộc nhóm hydroxymethylanthraquinon như aloin A (barbaloin A), aloin B, isobarbalin. Trong nhựa lô hội nhóm này chiếm 30 – 40%. Nhựa lá lô hội có tác dụng kích thích chuyển động của ruột kết, tăng sự đẩy về phía trước và thúc đẩy phân qua nhanh ruột kết, làm giảm hấp thu dịch từ khối phân, đồng thời làm tăng độ thấm quanh tế bào qua niệm mạc ruột kết.

lô hội nhuận tràng
Nhựa lá lô hội có tác dụng kích thích nhu động ruột

Tác dụng tẩy của lô hôi chủ yếu do glycosid 1,8 – dihydroxyanthracen, các aloin A và B. Sau khi uống các aloin A và B không hấp thu ở ruột non, bị thủy phân trong ruột kết bởi vi khuẩn ở ruột và biến đổi thành những chất chuyển hóa có hoạt tính, mà chất chính là aloe-emodin- 9- antron có tác dụng kích thích và kích ứng đường tiêu hóa. Tác dụng tẩy của lô hội thường không xuất hiện trước 6 giờ sau khi uống mà đôi khi phải sau 24 giờ hoặc lâu hơn mới xuất hiện.

Lô hội có tác dụng nhuận tràng rất tốt nhưng cần sử dụng đúng cách, nếu không có thể dẫn đến những tác dụng không mong muốn. Lạm dụng lô hội trong thời gian dài để nhuận tràng có thể gây viêm gan, rối loạn chất điện giải, hạ kali và calci máu, nhiễm acid chuyển hóa, khó hấp thu, sút cân.

Cần lưu ý một số điều sau khi dùng lô hôi để nhuận tràng:

  • Dùng liều cần thiết nhỏ nhất để làm phân mềm: Liều nhuận tràng cho người lớn và trẻ em trên 10 tuổi là 0,04 – 0,11g dịch ép khô lá lô hội, tương đương với 10 – 30mg hydroxyanthraquinon mỗi ngày, hoặc uống 1 liều 0,1g vào buổi chiều.
  • Không dùng lô hội trong những trường hợp sau: tắc hoặc hẹp ruột, mất trương lực, mất nước, mất điện giải nặng, hoặc táo bón mạn tính, viêm ruột thừa, bệnh Crohn, viêm ruột kết loét, hội chứng kích thích ruột, viêm túi thừa ruột, co cứng cơ, cơn đau bụng, trĩ, viêm thận hoặc những triệu chứng ở bụng không được chẩn đoán như đau, buồn nôn hoặc nôn.
  • Không dùng cho trẻ em dưới 10 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú
  • Khi dùng lô hội có thể có tác dụng không mong muốn như đau quặn bụng, phân lỏng.

DS Phan Thu Hiền

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y