Nấm bẹn – Nhận biết chính xác và điều trị hiệu quả

Nấm bẹn là tình trạng phổ biến do các loại nấm sợi tấn công gây tổn thương các vùng da xung quanh bẹn. Đây là bệnh khá phiền toái gây ngứa ngáy và khó chịu. Vậy nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị nấm bẹn như thế nào?

Nấm bẹn là tình trạng phổ biến do các loại nấm sợi tấn công

Nguyên nhân gây nấm bẹn

Các loại nấm sợi như Epidermophyton inguinale, Trichophyton rubrum là nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng nấm bẹn. Ngoài ra Candida cũng có thể là nguyên nhân thường gây tình trạng gọi tên là viêm kẽ do Candida.

Những yếu tố dưới đây là điều kiện thuận lợi do nấm phát triển:

  • Môi trường ẩm ướt: các vùng nếp gấp da giữ ẩm, độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho nấm.
  • Mồ hôi tiết ra nhiều: hoạt động nhiều mà không vệ sinh sau khi vận động dễ bị nấm da vùng này.
  • Vệ sinh không sạch: tế bào da chết, mồ hôi, dầu nhờn tích tụ là môi trường lý tưởng cho nấm.
  • Hệ miễn dịch kém dễ bị nấm xâm nhập gây bệnh.
  • Tăng tiết bã nhờn khiến da dễ bị nấm xâm nhập.
  • Người béo phì khiến nếp gấp càng kín và rộng càng tạo môi trường cư trú cho nấm.

Như vậy, môi trường ẩm ướt, vệ sinh không tốt là những điều kiện bên ngoài tạo điều kiện cho sự phát triển của nấm. Cơ địa bên trong như các vấn đề của hệ miễn dịch, cân nặng, tình trạng da là yếu tố nội tại bên trong cơ thể khiến tình trạng nấm bẹn dễ phát triển hơn ở một số cá thể nhất định.

Nấm sợi là nguyên nhân thường gặp gây nấm bẹn

Triệu chứng của bệnh nấm bẹn

Tổn thương nấm bẹn do nấm sợi là những chấm đỏ, có vảy nhỏ, lan thành mảng hình tròn hoặc bầu dục, bề mặt đỏ, bờ hơi gồ cao, trên bờ có nhiều mụn nước và vảy da. Các mảng liên kết với nhau thành mảng lớn hình cung, ở giữa nhạt màu.

Viêm kẽ do Candida có biểu hiện dát đỏ, bờ rõ, ngoài bờ có bong vảy rất mỏng như lột vỏ khoai tây, có các thương tổn vệ tinh (các chòm nhỏ xung quanh).
Nấm bẹn có thể nhầm với bệnh Erythrasma là bệnh do nhiễm khuẩn khu trú ở vùng bẹn, cũng có biểu hiện dát đỏ hoặc nâu, có bờ rõ nhưng không có mụn nước và vảy như khi bị nấm, tổn thương thường có màu đỏ gạch.

Nấm bẹn gây ra biểu hiện ngứa ngáy khó chịu. Các triệu chứng có thể lan rộng ra vùng da xung quanh nếu không được điều trị phù hợp.

Cách điều trị nấm bẹn

Vệ sinh cá nhân đúng cách

  • Là quần áo thường xuyên hoặc phơi quần áo dưới ánh nắng mặt trời, nhất
    là quần áo lót. Không mặc quần áo ẩm.
  • Không dùng chung quần áo, chăn màn với người mắc bệnh.
  • Tránh tắm xà phòng.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thấm hút mồ hôi.
  • Giữ cho vùng da khô ráo, thoáng sạch.
  • Kiêng đồ ăn cay nóng, hạn chế ăn nhiều đường, tinh bột.
  • Dùng các thuốc chống nấm bôi tại chỗ hoặc kết hợp thuốc bôi với thuốc uống đường toàn thân tùy thuộc vào mức độ thương tổn.

Không mặc quần áo ẩm ướt để tránh phát triển nấm

Thuốc bôi tại chỗ

Một số loạn kem chống nấm thường dùng:

  • Ciclopiroxolamin 1%
  • Ketoconazol 2%
  • Terbinafin 1%
  • Clotrimazol 1%

Một số sản phẩm tại chỗ khác chứa acid salicylic hoặc borat cũng có thể được sử dụng.

Bôi ngày 1-2 lần, thời gian bôi thuốc ít nhất từ 3 – 4 tuần. Nên bôi rộng ra ngoài vùng tổn thương khoảng 4-5cm.

Thuốc kháng nấm toàn thân

Thuốc chống nấm toàn thân khi dùng kéo dài có thể gây nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là tác dụng phụ trên gan nên thường chỉ sử dụng khi tổn thương lan rộng, dai dẳng bôi lâu ngày không khỏi. Thuốc này chỉ sử dụng theo kê đơn của bác sĩ và nên được làm kiểm tra chức năng gan trước và trong quá trình điều trị có thể kéo dài nhiều tuần.

Các thuốc kháng nấm toàn thân thông dụng:

  • Griseofulvin viên 500mg: trẻ em dùng liều 10- 20mg/kg/ngày. Người lớn 1-2 viên/ngày, thời gian điều trị 4-6 tuần.
  • Hoặc terbinafin 250mg/viên/ngày x 10-14 ngày, uống trước bữa ăn. Chống chỉ định với phụ nữ có thai hoặc cho con bú, trẻ dưới 16 tháng, bệnh nhân suy gan,
    suy thận nặng.
  • Hoặc itraconazol 100mg/viên x 2 viên/ngày x 3-4 tuần, uống sau bữa ăn.


Thuốc chống nấm đường uống có thể gây hại cho gan

Tiến triển bệnh và biến chứng của nấm bẹn

Nếu điều trị đúng cách, bệnh có thể khỏi hoàn toàn. Các trường hợp tái phát thường do điều trị không triệt để, không đủ liều và thời gian.

Trong một số trường hợp, tổn thương có thể lan rộng toàn thân do lạm dụng các thuốc corticoid tại chỗ hoặc toàn thân hoặc ở những người hệ miễn dịch suy giảm.
Trong trường hợp bệnh lâu ngày, người bệnh gãi nhiều hoặc vệ sinh, điều trị không tốt có thể có biến chứng bội nhiễm thêm vi khuẩn hoặc có hiện tượng chàm hóa vùng da bị nấm.

Như vậy, nấm da ở vùng nếp gấp bẹn là bệnh hay gặp, gây khó chịu cho người bệnh. Cần chú ý đến vệ sinh và sử dụng thuốc điều trị thích hợp để điều trị khỏi hoàn toàn và tránh các biến chứng trên da.

DS. Thanh Loan