Ngưu tất – Vị thuốc

Ngưu tất – Vị thuốc quen thuộc trong các bài thuốc trị viêm khớp

Ngưu tất là vị thuốc quen thuộc trong các bài thuốc Y học cổ truyền, chủ trị các bệnh lý xương khớp. Không chỉ có thế, vị thuốc này còn có nhiều công dụng quý khác nữa.

 

 

Ngưu tất hay còn gọi là cây Cỏ xước

1. Tên khoa học

Ngưu tất có tên khoa học là Achyranthes Bidentata thuộc họ rau dền – Amaranthaceae.

Cây mọc hoang khắp nơi, còn gọi là cây cỏ xước hay cây hoài ngưu tất.

2. Đặc điểm nhận dạng cây ngưu tất

  • Ngưu tất là cây thảo cao khoảng 1m nhưng cũng có thể lên đến 2m, thân mảnh, hơi vuông.
  • Củ ngưu tất có rễ hình trụ, dài 20 – 30cm, đường kính 0,5 – 1,0cm.
  • Lá mọc đối, hình trứng, mép lượn sóng, có cuống, dài khoảng 5 – 12cm, rộng khoảng 2 – 4 cm.
  • Hoa nhiều, mọc thành từng bông dài 20 – 30cm ở ngọn cây hoặc kẽ lá.
  • Quả nang, có lá bắc ở vị trí thành gai nhọn.
  • Hạt có hình trứng dài.

3. Bộ phận dùng làm thuốc

Bộ phận dùng làm thuốc là rễ, thường được thu hái vào mùa đông khi thân lá đã khô héo.

Hiện đang trồng giống ngưu tất di thực từ Trung Quốc có rễ to hơn rễ cây ngưu tất nguồn gốc Việt Nam.

Cách thu hái, sơ chế dược liệu: Đào lấy rễ, cắt bỏ phần trên cổ rễ và rễ con, rửa sạch đất, đem phơi rồi bó thành từng bó nhỏ, tiếp tục phơi khô cho tới khi vỏ nhăn nheo. Thành phẩm thu được là ngưu tất có mùi đặc trưng, vị hơi ngọt, màu vàng tro.

Ngưu tất có thể dùng sống hoặc chế biến bằng cách:

  • Ngưu tất sống: Rửa sạch, để ráo nước thái mỏng 1 – 2mm đem sấy khô.
  • Ngưu tất chế biến: Dùng ngưu tất sống tẩm rượu hoặc tẩm muối tùy trường hợp.
Ngưu tất – Vị thuốc
Rễ ngưu tất được sử dụng làm thuốc

4. Thành phần hóa học của rễ ngưu tất

Chiết xuất rễ ngưu tất được saponin, khi thủy phân được các chất acid oleanic, đường galactose, rhamnose, glucose, ngoài ra có một số chất khác như ecdysteron, inokosteron, muối kali.

5. Tác dụng dược lý

Một số nghiên cứu đã chỉ ra những công dụng của ngưu tất trên động vật như:

  • Giảm sức căng tử cung của chuột bạch.
  • Làm tăng co bóp tử cung trên thỏ, mèo có chửa.
  • Ở chó, cao lỏng ngưu tất lúc đầu làm co bóp tử cung, sau lại làm dịu.
  • Giảm huyết áp động mạch ở động vật đã được gây mê.
  • Làm giảm co bóp tim ếch.
  • Ức chế khả năng co bóp ở tá tràng.
  • Ngoài ra, hoạt chất saponin trong ngưu tất còn có tác dụng hạ huyết áp, giảm cholesterol máu, ức chế sự phát triển của nhiều loại sâu bọ.

6. Tính vị, quy kinh, công dụng theo Y học cổ truyền

Ngưu tất vị thuốc có vị đắng, chua, tính bình, vào 2 kinh can và thận.

Ngưu tất dùng sống có tác dụng tán ứ, lợi thấp, hoạt huyết, kích thích tiểu tiện, trị chấn thương, ứ máu bầm tím, đau bụng kinh, bế kinh, bí tiểu.

Ngưu tất dùng chín có tác dụng bổ can, ích khí, chữa tê thấp, đau mình mẩy, đau lưng, chân tay co quắp và cường gân cốt.

Liều dùng hàng ngày 6 – 12g dưới dạng thuốc ngâm rượu hay thuốc sắc.

7. Độc tính và kiêng kỵ

Ngưu tất không độc nhưng vẫn có nguy cơ gây dị ứng.

Phụ nữ mang thai, người thường xuyên bị ra nhiều máu trong kỳ hành kinh hoặc bị băng huyết tuyệt đối không nên sử dụng ngưu tất.

Nam giới bị mộng tinh, di tinh, hoạt tinh dùng ngưu tất có thể khiến bệnh tình ngày càng nặng thêm.

Kiêng sử dụng ngưu tất cho các trường hợp bị tiêu chảy do tỳ hư.

Ngưu tất kỵ với thịt trâu nên tránh dùng phối hợp.

Ngưu tất – Vị thuốc
Ngưu tất có tính hoạt huyết, có thể gây co bóp tử cung, không dùng cho phụ nữ có thai

8. Các bài thuốc có dùng ngưu tất

Đợt cấp của viêm đa khớp dạng thấp

Ngưu tất 16g, ké đầu ngựa 12g, hy thiêm 16g, thổ phục linh 12g, tỳ giải 12g, cành dâu 12g, lá lốt 10g và cà gai leo 12g. Cho 3 chén nước vào sắc còn lưng 1 chén (200ml) ngày uống 2 lần sau khi ăn. Ngày dùng 1 thang thuốc.

Xơ vữa động mạch

Ngưu tất thái thành từng lát mỏng 12g, hằng ngày có thể sắc hoặc hãm bằng phích nước nóng, uống thay nước trong ngày giúp làm giảm lượng cholesterol và triglycerid.

Hỗ trợ điều trị bệnh viêm cầu thận giai đoạn sớm (phù thũng, đái són, đái vàng thẫm…)

Ngưu tất 25g, rễ cỏ tranh, mã đề, huyết dụ, lá móng tay, mộc thông và huyền sâm, mỗi vị 10g. Sắc với 600ml nước, còn 200ml, chia đều uống 2 lần vào buổi sáng và trưa sau các bữa ăn. Mỗi liệu trình điều trị trong 10 ngày. Nghỉ 15 ngày lại tiếp tục sử dụng đơn thuốc này.

Ngưu tất – Vị thuốc
Ngưu tất được dùng trong nhiều bài thuốc Đông y

Trị tăng huyết áp

Ngưu tất 10g, thục địa 20g, rễ nhàu 20g, mã đề 20g, táo nhân 10g, trạch tả 10g và hoa hòe 10g. Ngày dùng 1 thang thuốc.

Chữa kinh nguyệt không đều

Ngưu tất 20g, cỏ cú (tứ chế) 16g, nghệ xanh 16g, ích mẫu 16g và rễ gai (gai lá làm bánh) 30g. Tất cả các vị sắc với 700ml nước, còn 200ml, chia thành 3 lần và điều trị trong vòng 10 ngày.

Chữa sổ mũi do viêm mũi dị ứng

Ngưu tất 30g, đơn buốt và lá diễn mỗi vị 20g sắc với 400ml nước, còn 100ml. Uống trong ngày và khi thuốc còn ấm. Liều điều trị trong vòng 5 ngày.

Ngưu tất là vị dược liệu được sử dụng phổ biến trong nhiều bài thuốc hay. Tuy nhiên người dùng không nên tự ý mua chọn dược liệu, tự sử dụng khi chưa được thăm khám chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Việc sử dụng các bài thuốc tự chế cần theo đơn của bác sỹ y học cổ truyền.

DS. Thanh Loan

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y