bài thuốc từ ngải cứu

Những bài thuốc trị bệnh hiệu quả từ ngải cứu

Ngải cứu không chỉ nổi tiếng là một vị thuốc trong điều trị các chứng rối loạn kinh nguyệt mà còn có tác dụng tốt trong rất nhiều bệnh lý khác không phải ai cũng biết. Tìm hiểu các bài thuốc từ ngải cứu giúp trị nhiều bệnh có hiệu quả.

 

Ngải cứu nổi tiếng với tác dụng điều hòa kinh nguyệt

Tên gọi ngải cứu

Ngải cứu tên khoa học là Artemisia vulgaris L. Họ Cúc – Asteraceae.

Tên gọi khác là thuốc cứu, thuốc cao, ngải diệp, nhả ngải (Tày), co linh ly (Thái).

Đặc điểm thực vật

Ngải cứu là cây thảo, sống lâu năm, cao 0,4-1m. Thân cành mọc nhiều, có lông nhỏ. Lá mọc so le, chẻ lông chim, dính vào thân như có bẹ. Thùy lá hình mác hẹp, đầu nhọn, mặt trên màu xanh lục sẫm, nhẵn hoặc có ít lông, mặt dưới phủ đầy lông nhung màu trắng; những lá ở ngọn có hoa không chẻ.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành chùm kép mang nhiều đầu nhỏ, màu vàng lục nhạt, hoa không có mào lông, có 5 thùy uốn cong ra phía ngoài. Quả bé, thuôn nhỏ, không có túm lông. Toàn cây có mùi hắc. Mùa hoa quả vào tháng 10-12.

Bộ phận dùng của ngải cứu

Phần trên mặt đất thu hái khi cây có hoa, dùng tươi hay phơi khô trong râm. Nếu tán nhỏ rồi rây lấy phần lông trắng thì được ngải nhung.

Ngải cứu
Ngải nhung ép khô để châm cứu

Thành phần hóa học

Toàn cây ngải cứu chứa tinh dầu có hàm lượng 0,20-0,34%. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là các monoterpen và sesquiterpen. Gồm 1,8‑cineol, camphor, terpinen 4‑O‑l, β‑pinen, borneol, mycren và vulgrin, ngoài ra còn dehydromatricaria ester, tetradecatrilin, tricosanol, aracholalcol.

Các flavonoid hầu hết là 3-0- flavonol luterosid, một triterpene là fermenol. Hợp chất sesquiterpenlacton rất phổ biến trong chi artemisia, nhưng hiếm thấy trong ngải cứu.

Trong cây ngải cứu Việt Nam có gần 50 hợp chất đã phân tích và xác định có trong lá chủ yếu là β caryophylen 24% và β cubedene 12%.

Tác dụng – Công dụng của ngải cứu

Theo tài liệu nước ngoài các chất herniarin và umbelliferon tồn tại trong than lá ngải có tác dụng an thần, lợi mật, kháng khuẩn, diệt giun sán, cầm máu. Chất herniarin còn có tác dụng bảo vệ gan để điều trị viêm gan. Chất lactiflorenol trong tinh dầu có tác dụng bình suyễn, kháng khuẩn.

Tại một số nước châu Âu, ngải cứu được sử dụng kích thích tiết dịch dạ dày ở bệnh nhân chán ăn, chống đầy hơi, chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, nhiễm giun sán, động kinh, nôn, các vấn đề về kinh nguyệt, kinh nguyệt không đều.

Theo Đông y Việt Nam, ngải cứu vị đắng, cay, tính ấm, vào kinh tỳ, can, thận, có tác dụng ôn bào cung, cầm máu, an thai, khứ hàn, giảm đau. Ngải nhung được dùng để châm cứu.

Theo kinh nghiệm dân gian, các bài thuốc từ ngải cứu được dùng chữa bế kinh, đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, đại tiểu tiện ra máu, ho.

Kiêng kỵ

Người huyết nhiệt, âm hư không nên dùng ngải cứu.

Các bài thuốc từ ngải cứu trị nhiều bệnh

  • Trị kinh nguyệt nhiều, tử cung xuất huyết: ngải cứu 12g, sinh địa 10g, đương quy 10g, bạch thược 5g, xuyên khung 3g. Sắc thang thuốc cùng với 800ml nước còn 300ml, lọc bỏ bã, thêm 12g a giao vào khuấy đều, chia 3 lần uống trong ngày.
Ngải cứu
Ngải cứu trị kinh nguyệt không đều
  • An thai: đại táo 12 quả, ngải cứu 24g, sinh khương 24g, sắc uống.
  • Tử cung lạnh làm vô sinh: bạch thược, đương quy, hương phụ (tứ chế), ngải cứu, thục địa, xuyên khung. Tất cả đem tán thành bột, làm viên. Ngày uống 12-16g.
  • Phụ nữ suy nhược, kinh nguyệt không đều: đương quy, ngải cứu mỗi loại 80g, hương phụ 240g. Chưng với giấm nửa ngày, phơi khô, tán bột. Dùng giấm nấu với nếp làm hồ, trộn với thuốc bột làm hoàn. Ngày uống 16-20g.
  • Kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt kéo dài, đau bụng lúc hành kinh: hương phụ, ngải cứu mỗi loại 500g, tá dược vừa đủ 1 lít. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 30ml, uống 1 giờ trước bữa ăn sáng và tối.
  • Phụ nữ sau sinh bị suy nhược, biếng ăn, lạnh bụng: ngải cứu 20g, gà ác 1 con (200g). Hầm gà và ngải cứu, ăn gà, uống hết nước thuốc.
  • Đau thấp khớp: lá ngải cứu tươi 50g, gạo tẻ 100g, đường đỏ vừa đủ (có thể cho thêm lá lốt). Thái nhỏ lá ngải cứu, nấu lấy nước để nấu cháo. Khi ăn cho đường vừa phải, ăn nóng. Chia 2 lần ăn sáng, trưa, ăn liên tục 3-5 ngày.
  • Kinh nguyệt rối loạn: một tuần trước ngày kinh dự kiến, lấy mỗi ngày 6-12g (tối đa 20g) sắc với nước hoặc hãm với nước sôi như trà, chia làm 3 lần uống trong ngày. Có thể uống dưới dạng bột (5-10g) hay dạng cao đặc (1-4g).

Thuốc không có tác dụng kích thích với tử cung có thai nên không gây sảy thai.

Nếu kinh nguyệt không đều thì hàng tháng đến ngày bắt đầu kỳ kinh và cả những ngày đang có kinh, lấy ngải cứu khô 10g, thêm 200ml nước, sắc còn 100ml, thêm chút đường chia uống 2 lần/ngày. Có thể uống liều gấp đôi, cũng 2 lần/ngày. Sau 1-2 ngày thấy hiệu quả, người đỡ mệt, máu kinh đỏ và ít hơn.

  • Đau bụng ra máu khi mang thai: 16g lá ngải cứu, 16g lá tía tô, sắc cùng với 600ml nước còn 100ml, chia làm 3-4 lần uống trong ngày.
  • Đại tiện ra máu: ngải cứu, hạn liên thảo, lá diễn mỗi vị 60g, xa tiền thảo 30g. Giã nhỏ các vị thuốc này, thêm nước gạo 90 ml, gạn lấy nước, thêm đường trắng uống ngày 1 lần. Thực hiện liên tục tropng 2-3 ngày.
Ngải cứu
Ngải cứu dùng chữa đại tiện ra máu
  • Mụn cơm, mụn cóc: giã ngải cứu tươi đắp trên mụn cơm, mụn cóc nhiều lần mỗi ngày. Sau 3-10 ngày, mụn sẽ bay.
  • Mụn trứng cá: lá ngải cứu tươi giã nát, đắp lên mặt, để khoảng 20 phút, rồi rửa lại thật sạch, làm liên tục sẽ giúp làn da mịn màng và trắng hồng.
  • Mẩn ngứa, ghẻ lở, rôm sảy: xay nát lá ngải cứu, lọc lấy nước cốt rồi hòa vào nước tắm của trẻ, làm liên tục trong vài ngày.
  • Bong gân: lá ngải cứu khô 100g (nếu lá tươi thì cần giã dập), tẩm rượu hoặc giấm thanh, bó vào nơi bị bong gân. Ngày bó 1 lần. Có thể bó 2 lần nếu chỗ tổn thương đau nhiều và sưng.
  • Ốm yếu, mỏi mệt: nấu nước lá ngải cứu, cho vào bồn tắm, nằm ngâm thân mình vào bồn nước. Làm theo cách này giúp máu lưu thông tốt hơn, làm dịu các cơ đang bị đau và các chỗ bị sưng hay viêm. Ngoài cách này, có thể dùng lá ngải cứu khô để hãm trà. Uống trà ngải cứu giúp lưu thông mạch, giảm viêm sưng, rất tốt cho các bà mẹ đang cho con bú và những người cần được bồi bổ.
  • An thần: lá ngải cứu khô hoặc dùng ngải nhung cho vào vải, làm thành gối để gối đầu.
  • Vết thương tụ máu: ngải cứu 250g, thủy trạch lan 120g giã nát, dùng rượu sao nóng, gạn lấy 60ml nước uống, bã đắp ngoài.

DS. Thanh Loan

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y