rau ngót trị tưa lưỡi

Sử dụng rau ngót trị tưa lưỡi cho trẻ như thế nào cho đúng?

Tưa lưỡi hay còn gọi là bệnh nấm miệng với triệu chứng phổ biến là những màng giả mạc màu trắng hình thành ở đầu lưỡi của trẻ. Sử dụng rau ngót trị tưa lưỡi cho trẻ có hiệu quả nhưng cần áp dụng đúng cách.

 

 

Rau ngót được sử dụng phổ biến trong dân gian để trị tưa lưỡi cho trẻ

Trước khi tìm hiểu rau ngót có hiệu quả thế nào với tình trạng tưa lưỡi, nấm miệng ở trẻ, cần hiểu về tính vị, công năng và thành phần có trong rau ngót – một loại rau thông dụng của người Việt.

Hiểu thêm về rau ngót

Rau ngót có tên khoa học là Sauropus Androgynus (L.) Merr. Mọc thành từng bụi nhỏ, mọc đứng, luôn xanh, cao 0.8-1.2m. Cành nhiều mảnh, khúc khuỷu màu lục xám. Lá mọc so le, lúc đầu hình vảy, sau phát triển to thành hình bầu dục hoặc hình trứng, phiến mỏng xếp thành hai dãy, góc thuôn, đầu nhọn, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới rất nhạt.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành sim, gồm hoa đực và hoa cái hoặc chỉ có hoa cái. Hoa đực có đài màu vàng điểm chấm đỏ, 6 thùy nông, không có cánh hoa, nhị 3 tập hợp thành cột rất ngắn, bao phấn không cuống. Hoa cái có đài màu vàng hoặc đỏ tía, có 6 thùy sâu tồn tại khi thành quá, không có cánh hoa, bầu hình trứng, 3 ô. Quả nang, hình cầu, hơi dẹt, màu trắng, mang dài tồn tại hạt màu đen, có 3 cạnh.

Ở Việt Nam, rau ngót là loại cây trồng từ lâu đời, ở tất cả các vùng đồng bằng, trung du và vùng núi thấp để lấy lá làm rau ăn. Cây sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất, thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm. Rau ngót thuộc loại cây ưa ẩm, ưa sáng và cũng có thể hơi chịu bóng, ra hoa quả hàng năm. Tuy nhiên, chỉ có những cây không bị bẻ cành, hái lá thường xuyên mới có khả năng ra quả.

rau ngót trị tưa lưỡi
Rau ngót được trồng phổ biến ở Việt Nam như một loại rau ăn hàng ngày

Thành phần hóa học trong rau ngót

Rau ngót giàu chất dinh dưỡng với hàm lượng protein cao. Trong 100g phần ăn được có chứa 79,8g nước; 7,6g protein; 1,8g chất béo; 6,9g carbohydrat; 1,9g chất xơ; 10000 đơn vị vitamin A; 0,23mg vitamin B1; 0,15mg vitamin B2; 136mg vitamin C; 234mg Ca; 64mg P; 3,1mg Fe.

Theo một số tài liệu khác, 100g phần ăn được của rau ngót còn chứa 503mg K; 28mg Na; 6220mcg β-caroten; 160mg lysin; 130mg methionin; 50mg tryptophan; 260mg phenylalanin; 340mg threonin; 170mg valin; 240mg leucin; 170mg isoleucin.

Tính vị, công năng trong Đông y

Lá rau ngót có vị ngọt, tính mát. Rễ có vị ngọt nhạt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng lương huyết, hoạt huyết, giải độc, lợi tiểu.

Công dụng của rau ngót

Rau ngót là một loại rau ăn bổ mát, bên cạnh đó, theo kinh nghiệm dân gian, rau ngót còn được sử dụng để điều trị một số bệnh như:

  • Sót rau: Sót rau ở phụ nữ sau sinh, nạo phá thai có thể gây nhiễm trùng. Rau ngót có chứa papaverin – là chất gây co thắt cơ trơn tử cung, vì thế rau ngót có tác dụng đẩy nhau thai còn sót lại ra ngoài. Tuy nhiên phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn rau ngót để tránh nguy cơ sảy thai.
  • Tưa lưỡi
  • Đái dầm
  • Nhức xương
  • Chảy máu cam
rau ngót trị tưa lưỡi
Papaverin trong rau ngót có khả năng gây co thắt cơ trơn tử cung

Cách sử dụng rau ngót để trị tưa lưỡi cho trẻ

Lấy 1 nắm rau ngót sạch khoảng 5 – 10g, có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo an toàn cho trẻ, chọn lá còn tươi nguyên, rửa sạch với nước muối loãng. Sau đó thêm 1 ít muối, giã nát để cho muối quyện đều vào rau. Chắt lấy nước cốt và dùng nước đó để rơ lưỡi cho trẻ.

Lưu ý là trước khi vệ sinh lưỡi cho trẻ, người lớn cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng để tránh làm nhiễm trùng khoang miệng của bé. Dùng gạc lưỡi hoặc bọc khăn xô vào đầu ngón tay, thấm nước cốt rau ngót đã lọc được, di chuyển ngón tay nhẹ nhàng trên bề mặt lưỡi của bé, đặc biệt là vùng có đốm trắng nhiều lần. Mỗi ngày nên thực hiện khoảng 3-4 lần sau khi ăn và trước khi đi ngủ để đạt được hiệu quả tối ưu.

rau ngót trị tưa lưỡi
Papaverin trong rau ngót có khả năng gây co thắt cơ trơn tử cung

Lưu ý khi dùng rau ngót để trị tưa lưỡi, nấm miệng

Tuy tưa lưỡi cho trẻ bằng rau ngót là một phương pháp tương đối lành tính, nhưng cha mẹ cần lưu ý một số điều sau trong quá trình chuẩn bị và thao tác để đảm bảo an toàn cho trẻ:

  • Cần chọn loại rau sạch, có nguồn gốc uy tín, nếu sử dụng phải loại rau mới phun thuốc trừ sâu có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc với các biểu hiện như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, sốt, nhức đầu.
  • Không sử dụng quá nhiều dịch rau ngót để rơ lưỡi vì trẻ có thể nuốt vào gây rối loạn tiêu hóa.
  • Không nên kết hợp mật ong và rau ngót để rơ lưỡi cho trẻ dưới 12 tháng tuổi vì có thể gây ngộ độc botulism – một loại độc tố do vi khuẩn clostridium botulinum sinh ra. Các triệu chứng của ngộ độc thường xuất hiện trong vòng 12 đến 36 giờ, phổ biến nhất là bú kém, táo bón, hôn mê.
  • Không thao tác quá mạnh cũng như đưa ngón tay quá sâu vào miệng của trẻ dễ gây nôn trớ.
  • Không cậy các mảng trắng trên lưỡi của trẻ, có thể khiến bé đau và chảy máu, khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
  • Khi bệnh tưa lưỡi đã nặng, sử dụng rau ngót để vệ sinh lưỡi có thể không hiệu quả, khi đó, cha mẹ nên đưa con đi khám để được điều trị kịp thời và phù hợp.

DS. Phan Hiền

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y