Xạ can

Xạ can – Vị thuốc quý chữa nhiều bệnh

Xạ can hay rẻ quạt là loại dược liệu nổi tiếng trong Đông y điều trị các bệnh lý về hầu họng và nhiều bệnh khác. Cùng tìm hiểu vị dược liệu này để ứng dụng điều trị bệnh hiệu quả.

 

 

Xạ can có tên gọi khác là cây rẻ quạt

Tên gọi khác của xạ can

Cây xạ can có tên khoa học là Belamcanda Chinensis (L.) DC thuộc họ Lay ơn Iridaceae.

Xạ can còn gọi là cây rẻ quạt hoặc nhiều tên khác là ô bồ, ô phiến, hoàng viễn, ô siếp, dạ can, ô xuy, thảo khương, quỷ phiến, phượng dực, biển trúc căn, khai hầu tiễn, hoàng tri mẫu, lãnh thủy đơn, ô phiến căn, tử hoa hương, tiên nhân chưởng, tử hoa ngưu, dã huyên thảo, điểu bồ, cao viễn, bạch hoa xạ.

Mô tả đặc điểm của xạ can

Xạ can là một loại cỏ sống dai, thân rễ mọc bò. Thân có lá mọc thẳng đứng có thể cao tới 1m. Lá hình mác, hơi có bẹ, dài 20-40 cm. Cụm hoa dài 20-40 cm. Hoa có cuống, bao hoa 6 cánh màu vàng cam, điểm những đốm tía. Quả nang, hình trứng có 3 van, dài 23-25mm. Hạt xanh đen, hình cầu bóng, đường kính khoảng 5mm.

Xạ can mọc hoang khắp nơi ở Việt Nam, có thể được trồng làm cảnh. Đào rễ và thân rễ vào mùa xuân hoặc mùa thu. Rửa sạch, cắt bỏ rễ con, đem phơi hoặc sấy khô dùng làm dược liệu. Khi sử dụng ngâm với nước gạo 1-2 ngày cho mềm.

Xạ can
Rễ và thân rễ Xạ can phơi hoặc sấy khô làm dược liệu

Tính vị, quy kinh

Xạ can vị đắng, tính hàn. Quy kinh phế, can.

Xạ can vị đắng giáng tiết hỏa ở phế, nhẹ thì có thể tuyên thông phế khí. Vừa giáng lại vừa tuyên thông, cho nên xạ can là vị thuốc chủ yếu trị bệnh ở phế. Dù phế nhiệt hoặc hàn, biết phối hợp sử dụng hỗ trợ với liều lượng phù hợp thì hiệu quả thu được rất cao.

Thành phần hóa học

Chiết xuất xạ can được hợp chất glucozit gọi là belamcandin và tectoridin, iridin và shekanin (xạ can tố).

Tectoridin là thành phần được chiết xuất trong xạ can
Tectoridin là thành phần được chiết xuất trong xạ can

Công dụng của xạ can

Theo Đông y, xạ can có tác dụng thanh hỏa, giải độc, tán huyết, tiêu đờm. Dùng chữa yết hầu sưng đau, đờm nghẽn ở cổ họng.

Xạ can chủ yếu được sử dụng trong dân gian làm thuốc chữa viêm họng, viêm amidan sưng mủ. Nói chung xạ can được coi là một vị thuốc quý chữa mọi bệnh về họng. Lưu ý người tỳ vị hư hàn không sử dụng được.

Ngoài ra, xạ can còn dùng chữa sốt, đại tiểu tiện không thông, sưng vú tắc tia sữa, chữa đau bụng kinh. Có nơi dùng chữa rắn cắn bằng cách nhai nuốt lấy nước, bã đắp lên chỗ bị cắn.

Những bài thuốc chữa bệnh có dùng xạ can

Trị ho

Bài thuốc Xạ can Ma hoàng thang: Trị ho mà khí nghịch lên, trong họng có nước, khò khè như gà kêu.

Xạ can 13 củ, Ma hoàng 120g, Sinh khương 120g, Tế tân, Tử uyển, Khoản đông hoa đều 90g, Ngũ vị tử ½ thăng, Đại táo 7 trái, Bán hạ (chế). Sắc Ma hoàng với 1 đấu 2 thăng nước cho sôi, vớt bỏ bọt, cho các vị kia vào nấu còn 3 thăng, chia làm 3 lần, uống ấm.

Trị đau họng

Có thể dùng một số bài thuốc sau:

Bài 1: Xạ can, thái ra, mỗi lần dùng 20g, sắc với 1,5 chén nước còn 8 phân, bỏ bã, cho ít mật vào rồi uống.

Bài 2: Xạ can (tươi) 160g, mỡ heo 160g, nấu cho gần khô, bỏ bã. Mỗi lần ngậm 1 viên bằng trái táo.

Bài 3: Xạ can cho vào với giấm nghiền nát, vắt lấy nước cốt ngậm. Nước miếng ra nhiều thì nhổ đi. Làm liên tục nhiều lần đến khi hết bệnh.

Bài 4: Xạ can 4g, Hoàng cầm, Cam thảo (sống), Cát cánh đều 2g. Tán bột, hòa với nước mát uống hết là khỏi.
Trị bạch hầu

Xạ can 3g, Sơn đậu căn 3g, Kim ngân hoa 15g, Cam thảo 6g, sắc uống.

Xạ can
Xạ can là dược liệu chữa các bệnh hầu họng nổi tiếng trong Đông y

Bệnh tiêu hóa

Trị báng bụng, bụng to, kêu óc ách, da sạm đen. Xạ can giã vắt lấy nước cốt, uống 1 chén giúp thông ngay tiêu tiểu.

Trị táo bón, tiểu bí

Rễ xạ can giã nhuyễn rồi lọc lấy nước cốt khoảng 1 chén, uống thì thông ngay.

Trị ghẻ lở, rắn cắn

Xạ can, Thăng ma đều 80g, sắc với 3 chén nước, uống nóng, bã đắp vết thương.

Trị sốt rét lâu ngày

Xạ can, Miết giáp (chế), sắc uống hoặc làm thành viên uống.

Trị vú sưng mới phát

Xạ can, lựa loại gốc giống hình con Tằm nằm chết cứng, cùng với rễ cỏ Huyên. Tán bột, trộn với mật, đắp vào.

Trị quai bị

Rễ Xạ can tươi 10-15g, sắc uống, ngày hai lần.

Trị viêm khớp gối, té ngã tổn thương

Xạ can 90g ngâm với 500ml rượu một tuần. Mỗi lần uống 20ml, ngày 2 lần.

Những lưu ý khi dùng Xạ can

Tuy là vị thuốc quý, nhưng không nên sử dụng Xạ can bừa bãi. Để phát huy hiệu quả, cần dùng đúng liều lượng, phối hợp thuốc thích hợp với từng loại bệnh. Không nên tự ý sử dụng mà cần có sự thăm khám và tham khảo ý kiến từ thầy thuốc.

Không nên sử dụng Xạ can trong thời gian dài, bởi dùng lâu ngày có thể gây mệt mỏi, tiêu chảy.

Người có tỳ vị hư hàn, thể trạng yếu, khí huyết hư không nên sử dụng. Phụ nữ có thai, người đang có vấn đề về can tỳ, đi tiêu lỏng cũng nên tránh dùng.

DS Thanh Loan

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y