Áp xe hậu môn là tình trạng nhiễm trùng tại vùng hậu môn. Nếu không phát hiện sớm và xử lý kịp thời, đúng cách, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.
Áp xe hậu môn là bệnh gì?
Áp xe hậu môn là tình trạng có ủ ở hậu môn. Hầu hết áp xe hậu môn là kết quả của nhiễm trùng từ các tuyến hậu môn nhỏ.
Loại áp xe phổ biến nhất là áp xe quanh hậu môn. Điều này thường xuất hiện dưới dạng sưng đau giống như nhọt ở gần hậu môn. Nó có thể có màu đỏ và ấm khi chạm vào. Áp xe hậu môn nằm ở mô sâu hơn ít phổ biến hơn và có thể ít nhìn thấy hơn.
Phẫu thuật rạch và dẫn lưu là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho tất cả các loại áp xe hậu môn.
Khoảng 50% bệnh nhân bị áp xe hậu môn sẽ xuất hiện biến chứng gọi là đường rò. Đường rò là một đường nhỏ tạo kết nối bất thường giữa vị trí áp xe và da. Trong một số trường hợp, một lỗ rò hậu môn gây ra tình trạng tiết dịch dai dẳng. Trong những trường hợp khác, khi bên ngoài của đường hầm đóng lại, hậu quả có thể là áp xe hậu môn tái phát. Cần phải phẫu thuật để chữa khỏi gần như tất cả các bệnh rò hậu môn.
Nguyên nhân dẫn đến áp xe hậu môn là gì?
Áp xe hậu môn có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, gồm:
- Rò hậu môn
- Bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Tắc nghẽn tuyến hậu môn
Các yếu tố nguy cơ của áp xe hậu môn gồm:
- Viêm ruột kết
- Bệnh viêm ruột như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng
- Bệnh tiểu đường
- Viêm túi thừa
- Bệnh viêm vùng chậu
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn
- Sử dụng các loại thuốc như prednisone
Đối với người lớn, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, bao gồm cả giao hợp qua đường hậu môn, có thể giúp ngăn ngừa áp xe hậu môn.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, thay tã thường xuyên và vệ sinh đúng cách trong quá trình thay tã có thể giúp ngăn ngừa rò hậu môn và áp xe quanh hậu môn.
Các triệu chứng của áp xe hậu môn
Đau nhói liên tục ở vùng hậu môn là một trong những triệu chứng phổ biến và dễ nhận thấy nhất của áp xe hậu môn. Cơn đau thường kèm theo sưng tấy ở vùng hậu môn và đau nhiều hơn khi đi tiêu.
Các dấu hiệu phổ biến khác của áp xe hậu môn bao gồm:
- Táo bón
- Tiết dịch trực tràng hoặc chảy máu
- Sưng hoặc đau xung quanh hậu môn
- Mệt mỏi
- Sốt
- Ớn lạnh
Một số người có thể sờ thấy một nốt hoặc khối u đỏ, sưng và mềm ở vành hậu môn. Sốt và ớn lạnh có thể do nhiễm trùng. Người bệnh cũng có thể bị chảy máu trực tràng hoặc các triệu chứng tiết niệu, chẳng hạn như khó đi tiểu. Áp xe hậu môn cũng có thể xảy ra sâu hơn trong trực tràng, thường xảy ra ở những người bị bệnh viêm ruột. Điều này có thể dẫn đến một số cơn đau hoặc khó chịu ở vùng bụng.
Ở trẻ mới biết đi, thường không có nhiều triệu chứng ngoài các dấu hiệu khó chịu hoặc đau đớn, có thể khiến trẻ trở nên cáu kỉnh. Cũng có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy khối u hoặc nốt xung quanh vùng hậu môn.
Điều trị áp xe hậu môn như thế nào?
Áp xe hậu môn hiếm khi tự khỏi mà không điều trị. Điều trị thường gồm dẫn lưu hoặc phẫu thuật. Phương pháp điều trị phổ biến và đơn giản nhất là bác sĩ hút mủ ra khỏi vùng bị nhiễm trùng.
Nếu áp xe hậu môn cực lớn, có thể phải gây mê để phẫu thuật. Trong một số trường hợp, một ống thông có thể được sử dụng để đảm bảo áp xe thoát hoàn toàn. Áp xe đã được dẫn lưu thường để hở và không cần khâu.
Điều trị sau dẫn lưu có thể bao gồm:
- Thuốc: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh nếu người bệnh bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc nếu tình trạng nhiễm trùng đã lan rộng. Thuốc kháng sinh có thể được kê đơn sau khi làm tiêu áp xe.
- Thuốc nhuận tràng hoặc bổ sung chất xơ: Khi đã lành sau khi tiêu áp xe, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc nhuận tràng hoặc bổ sung chất xơ để tránh táo bón.
- Giữ vệ sinh vùng kín: Vệ sinh đúng cách sẽ giúp giảm sưng và viêm.
Thời gian hồi phục cho áp xe hậu môn dẫn lưu là khoảng 3 đến 4 tuần. Nếu áp xe hậu môn không được điều trị, chúng có thể biến thành lỗ rò hậu môn gây đau đớn và có thể phải điều trị bằng phẫu thuật.
DS Phan Hiền