Phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục ở phụ nữ có thai & cho con bú

Các bệnh lây qua đường tình dục (Sexually transmitted infections – STIs) bao gồm bệnh gây ra bởi chlamydia, lậu cầu, trichomonas, herpes sinh dục, mụn cóc sinh dục (sùi mào gà). Nhiều bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, sinh con hoặc cho con bú.

bệnh lây qua đường tình dục
Nhiều bệnh lây qua đường tình dục có thể truyền từ mẹ sang con

Một người có thể bị bệnh lây qua đường tình dục ngay cả khi không giao hợp. “Yêu” qua đường miệng (oral sex), tiếp xúc với các bộ phận cơ thể bị nhiễm bệnh, sử dụng kim tiêm, dao cạo, bàn chải đánh răng của người bị bệnh cũng có thể khiến bạn bị nhiễm bệnh lây qua đường tình dục.

>> Xem thêm Những điều chưa biết về quan hệ tình dục đường miệng

Bệnh lây qua đường tình dục ảnh hưởng thế nào đến phụ nữ có thai?

Những bệnh lây qua đường tình dục ảnh hưởng đến phụ nữ có thai cũng giống như phụ nữ không mang thai. Ngoài ra, bà bầu bị mắc bệnh lây qua đường tình dục còn dễ bị nhiễm trùng tử cung sau sinh.

bệnh lây qua đường tình dục
Bà bầu bị bệnh lây truyền qua đường tình dục dễ bị nhiễm trùng tử cung sau sinh

Bệnh lây qua đường tình dục có thể truyền từ mẹ sang con không?

Câu trả lời là có. Một số bệnh có thể truyền từ mẹ sang con trước và trong quá trình chuyển dạ.

  • Một số bệnh nhiễm trùng như giang mai có thể truyền qua nhau thai tới thai nhi.
  • Một số bệnh nhiềm trùng như lậu, chlamydia, viêm gan B, herpes sinh dục có thể truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh thường (qua ngả âm đạo).
  • HIV có thể vượt qua nhau thai và truyền cho em bé trong quá trình chuyển dạ.

Bệnh lây qua đường tình dục ảnh hưởng thế nào đến em bé?

Bà bầu bị nhiễm bệnh lây qua đường tình dục có thể gây tác động xấu đến thai nhi trong bụng hoặc truyền từ mẹ sang con khi sinh. Bạn có thể thấy hậu quả ngay khi em bé chào đời, nhưng cũng có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm sau đó bạn mới phát hiện ra vấn đề.

Những vấn đề mà em bé có thể gặp phải là:

  • Sinh non (người mẹ chuyển dạ trước tuần thứ 37 của thai kỳ): Sinh non là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh. Trẻ sinh non cũng dễ bị mắc nhiều vấn đề sức khỏe.
  • Trẻ sinh ra nhẹ cân
  • Trẻ bị nhiễm khuẩn mắt, mù
  • Trẻ bị nhiễm khuẩn huyết
  • Trẻ bị viêm phổi
  • Trẻ bị tổn thương não, viêm màng não, thiếu phối hợp vận động cơ thể
  • Trẻ bị điếc
  • Trẻ bị viêm gan cấp, bệnh gan mạn tính có thể dẫn đến xơ gan.
  • Thai lưu.
bệnh lây qua đường tình dục
Phụ nữ mang thai bị bệnh lây qua đường tình dục dễ sinh non

Phụ nữ có thai cần làm gì để ngăn ngừa các vấn đề gây ra do bệnh lây qua đường tình dục?

Để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và con trong suốt thai kỳ cũng như sau khi sinh, bạn nên đi khám tiền sản và khám thai đúng lịch hẹn. Bác sĩ sẽ tầm soát các bệnh lý này, có biện pháp bảo vệ cho cả mẹ và con trong thai kỳ cũng như trong thời gian chuyển dạ.

  • Bệnh lây qua đường tình dục gây ra bởi vi khuẩn: như chlamydia, lậu, giang mai, trichomonas có thể chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh. Một số loại thuốc kháng sinh tương đối an toàn với phụ nữ có thai. Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ chỉ định.
  • Bệnh lây qua đường tình dục gây ra bởi virus: như herpes sinh dục và HIV: không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi đó:
    • Nếu bạn bị herpes: các thuốc kháng virus có thể giúp giảm triệu chứng cho bạn. Nếu bạn có các triệu chứng của herpes hoặc herpes sinh dục ở trạng thái đang hoạt động, bạn có thể cần lựa chọn sinh mổ thay vì sinh thường để hạn chế nguy cơ truyền bệnh cho em bé.
    • Nếu bạn bị HIV: thuốc kháng virus có thể giảm dưới 1% nguy cơ truyền bệnh cho em bé, đồng thời, bạn có thể cần sinh mổ để giảm thiểu nguy cơ lây truyền bệnh cho em bé.

Bị bệnh lây qua đường tình dục có thể cho con bú được không?

Câu trả lời là có thể. Một số bệnh lây qua đường tình dục có thể ảnh hưởng tới trẻ bú mẹ, trong khi một số khác thì không.

  • HIV: người mẹ bị HIV không nên cho con bú bởi có thể truyền virus cho em bé qua sữa mẹ. Khuyến cáo nên dùng sữa công thức thay cho sữa mẹ trong trường hợp này.
  • Nhiễm chlamydia, lậu hoặc HPV: bạn có thể cho con bú bình thường.
  • Nhiễm trichomonas: bạn có thể dùng kháng sinh metronidazole để điều trị khi đang nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, bạn cần chờ 12 – 24 giờ sau khi uống thuốc mới cho em bé bú hoặc vắt sữa.
  • Giang mai hoặc herpes: bạn có thể cho em bé bú, miễn là em bé không chạm vào vị trí tổn thương do herpes hoặc giang mai, do tổn thương có thể lan rộng tới các vị trí như núm vú hoặc quầng vú của mẹ. Nếu ngực có vết tổn thương do bệnh, bạn nên sử dụng máy hút sữa hoặc vắt sữa bằng tay và đảm bảo dụng cụ không chạm vào vị trí tổn thương. Nếu lỡ chạm vào, bạn nên bỏ sữa đi để đảm bảo không lây nhiễm cho em bé.
bệnh lây qua đường tình dục
Phụ nữ cho con bú cần thận trọng nếu đang mắc bệnh lây qua đường tình dục

Thuốc điều trị các bệnh lây qua đường tình dục có an toàn cho trẻ bú mẹ không?

Nếu bạn bị bệnh lây qua đường tình dục và cần điều trị, hãy thông báo cho bác sĩ biết rằng bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ. Bác sĩ sẽ tư vấn loại thuốc nên dùng, các tác dụng phụ không mong muốn có thể gặp phải. Các loại thuốc điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục hầu hết đều an toàn với trẻ bú mẹ.

Tài liệu tham khảo:

Sexually transmitted infections, pregnancy, and breastfeeding” The Office on Women’s Health, last updated: April 01, 2019