Nấm âm đạo: dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân, cách điều trị

Nấm âm đạo là một bệnh lý phụ khoa phổ biến ở nữ giới, và gây ra không ít phiền phức cho chị em. Nguy hiểm hơn, nấm âm đạo còn có thể dẫn đến vô sinh hiếm muộn nếu không được điều trị đúng cách.

nấm âm đạo
Nấm âm đạo là do một loại nấm có tên là Candida Albicans

1. Nấm âm đạo là bệnh gì?

Nấm âm đạo hay còn gọi là viêm âm đạo do nấm, thường là do một loại nấm có tên là Candida Albicans gây ra. Khi nấm xâm nhập sẽ gây tổn thương âm đạo với các triệu chứng vô cùng khó chịu.

Sau khi xâm nhập, tấn công và gây viêm nhiễm âm đạo, mầm bệnh có thể lây lan sâu vào cơ quan sinh sản dẫn đến viêm nhiễm các bộ phận khác như viêm cổ tử cung, viêm vùng chậu, viêm phần phụ… nếu không được điều trị hiệu quả.

2. Dấu hiệu nhận biết nấm âm đạo

Các dấu hiệu nhận biết nấm âm đạo có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ nhiễm. Dấu hiệu thường gặp khi bị nhiễm nấm âm đạo là:

  • Ngứa vùng kín: Vùng âm đạo bị tấy đỏ, ngứa và đau rát. Bệnh nhân thường gãi khiến cho nấm lan rộng tới hậu môn, bẹn.
  • Khí hư bất thường: Dịch âm đạo tăng nhiều, có màu trắng đặc như phô mai, sữa chua, tạo thành từng mảng dày dính vào thành âm đạo, không hôi.
  • Khi quan hệ có cảm giác bị đau đớn, khó khăn.
  • Niêm mạc âm hộ bị viêm đỏ.
  • Đi tiểu khó, tiểu nhiều.

3. Nguyên nhân gây nhiễm nấm âm đạo

Loại nấm thường gặp gây nấm âm đạo là Candida Albicans hay còn gọi là nấm men. Nấm Candida có tới hơn 20 loại có thể gây bệnh tại các bộ phận trong cơ thể con người không phân biệt giới tính hay độ tuổi. Tuy nhiên, nấm sinh dục nữ là dạng bệnh phổ biến nhất mà loại nấm này có thể gây ra.

nấm âm đạo
Candida Albicans – Nguyên nhân trực tiếp gây nấm âm đạo

Nấm Candida âm đạo có thể bùng phát do những nguyên nhân sau:

  • Vệ sinh vùng kín không đảm bảo
  • Đồ lót ẩm ướt, không thoáng khí, lười thay đồ lót hoặc giặt đồ lót không sạch
  • Sử dụng chung đồ lót, khăn tắm hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo của người bị nhiễm nấm
  • Quan hệ tình dục không dùng bao cao su bảo vệ có thể bị lây nhiễm trực tiếp hoặc lây nhiễm chéo nấm sinh dục
  • Hệ miễn dịch kém
  • Dùng kháng sinh trong thời gian dài
  • Phụ nữ trong thời gian mang thai
  • Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường
  • Bệnh nhân đang điều trị ung thư (hóa trị hoặc xạ trị)
  • Bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS.

4. Điều trị nấm âm đạo như thế nào?

Điều trị bằng thuốc

Khi bị nhiễm nấm âm đạo, chị em không nên tự mua thuốc điều trị, vì như vậy sẽ gây ra hiện tượng nhờn thuốc khiến bệnh khó điều trị dứt điểm. Khi thấy các dấu hiệu bất thường, tốt nhất là nên đi khám phụ khoa, để được bác sĩ điều trị triệt để, tránh tái phát nhiều lần và có thể chuyển sang giai đoạn mạn tính.

Thông thường để điều trị nấm âm đạo, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng nấm dạng uống, viên đặt âm đạo, hoặc kem bôi ngoài. Các loại thuốc thường được kê là:

  • Clotrimazole viên 100mg: đặt 1 viên thuốc vào âm đạo mỗi đêm trong 7 ngày hoặc đặt 1 viên duy nhất 500mg. Có thể dùng thuốc dạng kem bôi ngoài 1%.
  • Econazole 150mg: đặt âm đạo 1 viên/đêm trong 3 ngày.
  • Fluconazol 150mg: uống 1 liều duy nhất hoặc uống 2 viên/ngày trong 3-5 ngày.
  • Gentian 0,5%: bôi tại chỗ.
  • Betadine: rửa bằng dung dịch betadine hàng ngày.

Liệu trình điều trị nấm âm đạo dạng nhẹ thường là 5 – 7 ngày, nặng hơn có thể kéo dài đến 14 ngày và cần đến các liệu trình điều trị duy trì tiếp theo để tránh tái phát bệnh.

Với những người có quan hệ tình dục, muốn điều trị dứt điểm nấm âm đạo, cần điều trị cho cả vợ và chồng. Bởi, trong quá trình giao hợp, nấm sẽ lây nhiễm chéo, nên đây chính là nguyên nhân khiến người vợ dễ bị tái phát nấm âm đạo nhiều lần.

Chú ý khi vệ sinh vùng kín

Để điều trị nấm âm đạo, vệ sinh vùng kín sạch là điều rất quan trọng. Chị em nên tránh dùng sữa tắm, dung dịch vệ sinh phụ nữ, chất khử mùi âm đạo có chứa xà phòng, mùi thơm. Bởi xà phòng và những hóa chất tạo mùi có thể gây viêm nhiễm âm đạo nặng hơn. Việc thụt rửa âm đạo cũng cần tránh, bởi điều này sẽ làm mất cân bằng độ pH âm đạo, khiến nấm và vi khuẩn sinh sôi mạnh hơn.

Chị em chỉ nên rửa vùng kín bằng nước sạch, nước muối loãng hoặc dung dịch vệ sinh phụ nữ chuyên dụng. Nên rửa nhẹ nhàng, rồi lau khô từ trước ra sau.

Chú ý quần lót

  • Để ngăn ngừa nhiễm nấm, chị em nên tránh mặc quần lót bó sát, chật, chất liệu không thấm hút mồ hôi. Nên thay quần lót từ 1 – 2 lần/ngày, chọn quần lót có chất liệu thấm hút mồ hôi tốt như cotton để đảm bảo vùng kín luôn khô thoáng.
  • Ăn uống khoa học, sinh hoạt lành mạnh
  • Chị em nên xây dựng lối sống, chế độ sinh hoạt khoa học, ăn uống điều độ, vận động cơ thể thường xuyên hơn để cân bằng nội tiết, tăng sức đề kháng, ngăn ngừa nấm men gây hại.
  • Với người bị tiểu đường, cần có biện pháp tích cực để kiểm soát đường huyết, đảm bảo đường huyết ở mức cho phép.