Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở Việt Nam chiếm khoảng 10-20% dân số, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai và trẻ em. Điều này đã dấy lên sự lo lắng của nhiều bà mẹ Việt đang nuôi con bằng sữa mẹ khi bản thân bị nhiễm virus viêm gan B có làm tăng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con?
Rủi ro lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở
Theo khuyến cáo của WHO, tất cả trẻ sinh ra cần được tiêm phòng vắcxin viêm gan B càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh, tốt nhất trong vòng 24 giờ đầu. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể rủi ro lây truyền từ mẹ, và hầu như loại bỏ hoàn toàn nguy cơ lây truyền qua sữa mẹ hoặc việc bú mẹ. Trẻ sơ sinh được chủng ngừa viêm gan B cũng sẽ giúp ngăn ngừa lây nhiễm HBV từ tất cả đường có thể lây nhiễm khác.
Có hay không? Nguy cơ lây nhiễm viêm gan B khi mẹ cho con bú
Kết quả nghiên cứu của WHO được công bố năm 2009 khẳng định, không có bằng chứng rằng việc con bú mẹ gây tăng nguy cơ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ cho con. Trường hợp bà mẹ đã từng bị viêm gan siêu vi B ( HBV) và đã có kháng thể, có thể chuyển kháng thể thụ động anti-HBs qua nhau thai cho thai nhi, nhờ đó bé sơ sinh được bảo vệ khỏi HBV trong 6 tháng đầu đời, nên bé có thể bú mẹ, khi đã được tiêm ngừa.
Một nghiên cứu tổng hợp mới đây về đề tài lây truyền Viêm gan B qua sữa mẹ trên 751 trẻ sơ sinh ở nhóm bú mẹ và 873 trẻ sơ sinh trong nhóm không bú mẹ của nhóm nghiên cứu ở Đại học Sun Yat-sen, Trung Quốc cũng chỉ ra rằng, đến 12 tháng tuổi, 31 trẻ sơ sinh có xét nghiệm dương tính viêm gan B trong nhóm bú sữa mẹ, so với 33 trường hợp dương tính ở nhóm không bú mẹ. Ở giai đoạn 6-12 tháng những đứa trẻ nằm trong nhóm nghiên cứu đều có kháng thể (anti-HBs) gần như nhau và không ghi nhận tác dụng phụ hoặc biến chứng nào khi con bú mẹ.
>> Xem thêm Giải pháp kiểm soát viêm gan B hiệu quả cần tham khảo ngay
Kết luận và giải pháp phòng ngừa lây nhiễm viêm gan B cho trẻ có mẹ có virus viêm gan B
Dựa trên những kết quả này, các nhà khoa học đã kết luận: “Nuôi con bằng sữa mẹ sau khi được tiêm chủng thích hợp không làm tăng rủi ro lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con“. Các chuyên gia về bệnh viêm gan có khuyến cáo với các mẹ đang cho con bú, đặc biệt là các bà mẹ bị viêm gan siêu vi B (HBV) mãn tính nên tránh cho bé bú trực tiếp khi bị các bệnh lý ở vú như nứt cổ gà (nứt đầu ti), chảy máu hoặc tổn thương vú. Các bà mẹ có thể vắt sữa và sử lý nhiệt sữa đã vắt (đun sôi sủi tăm, hoặc chưng cách thuỷ đến sủi tăm và làm nguội nhanh) trước khi cho bé bú, vì trong trường hợp vú có tổn thương như thế, bé có thể tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết huyết thanh.