Viêm mạch máu còn được gọi là bệnh viêm động mạch là triệu chứng viêm xảy ra trong mạch máu, bệnh có thể rất nghiêm trọng khi các mô hay bộ phận trong cơ thể vốn được cấp máu bởi các động mạch bị viêm không nhận được đủ lượng máu cần thiết, do vậy dẫn đến tình trạng thiếu máu, gây tổn thương mô và cơ quan, thậm chí dẫn đến tử vong.
Mạch máu bị viêm khiến máu không đến được cơ quan, có thể gây hoại tử
Viêm mạch là gì?
Có nhiều thể loại viêm mạch nhưng đều chỉ tình trạng mạch máu bị viêm thường là ở động mạch. Một số thể bệnh chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn (cấp tính), trong khi một số thể bệnh khác diễn ra trong thời gian dài (mạn tính).
Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp bệnh viêm mạch
Dấu hiệu và triệu chứng của các thể bệnh viêm mạch thường đa dạng, phụ thuộc vào loại mạch máu bị viêm và hệ thống cơ quan được cấp máu tương ứng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các dấu hiệu và triệu chứng mà nhiều bệnh nhân bị viêm mạch thường gặp bao gồm:
- Sốt
- Mệt mỏi
- Sụt cân
- Đau cơ và khớp
- Chán ăn
- Các vấn đề về thần kinh, như cảm giác tê bì hay yếu cơ
Các dấu hiệu và triệu chứng của một số thể bệnh viêm mạch cụ thể được phân loại:
1. Hội chứng Behcet
Thể bệnh bao gồm tình trạng viêm của động mạch và tĩnh mạch, thường xuất hiện ở độ tuổi từ 20 đến 30.
Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm loét ở miệng và bộ phận sinh dục tái phát, viêm mắt tái phát, và tổn thương giống như mụn trứng cá (viêm nang lông) hoặc ban đỏ trên da.
2. Bệnh Buerger
Còn được gọi là viêm mạch huyết khối có tắc nghẽn, gây viêm và hình thành các cục máu đông trong lòng mạch máu ở các chi
Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm đau nhức ở bàn tay, cánh tay, cẳng chân, bàn chân; và các vết loét trên ngón tay, ngón chân. Thể bệnh này liên quan chặt chẽ với hút thuốc lá.
3. Hội chứng Churg – Strauss
Thể bệnh này, còn được gọi là bệnh u hạt dị ứng và viêm mạch dị ứng
Thường ảnh hưởng đến các mạch máu trong phổi và có liên quan đến bệnh hen suyễn.
4. Hội chứng Cryoglobulinemia
Thể bệnh này thường liên quan đến nhiễm virus viêm gan C
Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm ban xuất huyết ở chi dưới, viêm khớp, suy nhược và tổn thương thần kinh.
Hình ảnh hội chứng Cryoglobulinemia
5. Bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ
Thể bệnh này thường gặp ở người hơn 50 tuổi. Bệnh thường gây viêm các động mạch trong khu vực đầu, đặc biệt là động mạch thái dương.
Dấu hiệu và triệu chứng thường gặp bao gồm đau đầu khu trú, da đầu tăng nhạy cảm, đau hàm khi nhai, nhìn mờ hoặc nhìn đôi và thậm chí mù lòa.
6. Viêm mạch quá mẫn
Dấu hiệu đầu tiên của viêm mạch quá mẫn là xuất hiện chấm đỏ trên da. Bệnh có thể bị kích hoạt bởi tình trạng dị ứng, thường gặp nhất là do thuốc hoặc do nhiễm trùng.
7. Bệnh Kawasaki
Còn được gọi là hội chứng hạch bạch huyết và niêm mạc, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm sốt, phát ban ở da và viêm mắt.
8. U hạt với viêm đa mạch (Wegener)
Thường được biết đến với tên gọi là bệnh u hạt Wegener. Bệnh gây viêm các mạch máu trong mũi, xoang, họng, phổi và thận.
Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm nghẹt mũi, viêm xoang mạn tính và chảy máu cam. Thận thường hay bị ảnh hưởng nhưng đa số bệnh nhân không ghi nhận triệu chứng đến khi bệnh tiến triển nặng hơn.
Nguyên nhân nào gây viêm mạch?
Viêm mạch xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận lầm tế bào mạch máu là vật lạ. Hệ thống miễn dịch sẽ tấn công các tế bào này như những tác nhân xâm nhập cơ thể khác, ví dụ như vi khuẩn hoặc virus. Nguyên nhân cụ thể vẫn chưa được biết rõ nhưng thông thường bị kích hoạt bởi các yếu tố như nhiễm trùng, một số ung thư, tình trạng rối loạn hệ thống miễn dịch hoặc một phản ứng dị ứng.
Các mạch máu bị ảnh hưởng bởi viêm mạch sẽ có phản ứng viêm và có thể làm các lớp của thành mạch máu dày lên. Hiện tượng này gây hẹp lòng mạch máu, làm giảm lượng máu cũng như oxy và dưỡng chất được cung cấp đến các mô trong cơ thể. Trong một số trường hợp, hình thành cục máu đông trong lòng mạch làm cản trở máu lưu thông. Đôi khi thay vì lòng mạch bị hẹp lại thì thành mạch lại bị suy yếu và hình thành một túi phình (gọi là phình mạch), một tổn thương có thể đe dọa tính mạng.
>> Xem thêm Bạn đã biết gì về bệnh và hội chứng Raynauld?
Phân loại viêm mạch
1. Viêm mạch không rõ nguyên nhân (viêm mạch nguyên phát)
Đối với một số thể bệnh thì chúng ta không biết nguyên nhân gây ra viêm mạch, khi đó được gọi là viêm mạch nguyên phát.
2. Viêm mạch xảy ra do một bệnh khác (viêm mạch thứ phát)
Viêm mạch xảy ra do một tình trạng bệnh được gọi là viêm mạch thứ phát. Các nguyên nhân gây viêm mạch thứ phát có thể bao gồm:
– Nhiễm trùng: một số viêm mạch xảy ra do đáp ứng với tình trạng nhiễm trùng. Ví dụ như hầu hết các trường hợp cryoglobulinemia là hậu quả của sự nhiễm virus viêm gan C, và sự nhiễm virus viêm gan B cũng có thể gây ra viêm nút quanh động mạch.
– Bệnh hệ thống miễn dịch: viêm mạch có thể xảy ra thứ phát sau một số bệnh miễn dịch hệ thống như viêm khớp dạng thấp, lupus và xơ cứng bì.
– Phản ứng dị ứng: đôi khi bị dị ứng với thuốc cũng có thể gây ra viêm mạch.
– Ung thư tế bào máu: ung thư các tế bào máu như bệnh bạch cầu và lymphoma đều có khả năng gây ra viêm mạch.
Những biến chứng của viêm mạch
Các biến chứng của viêm mạch phụ thuộc vào thể bệnh viêm mạch mà bạn mắc. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
– Tổn thương cơ quan. Một số thể viêm mạch có thể nghiêm trọng, gây tổn thương cho các cơ quan lớn như tim, gan, thận…
– Viêm mạch tái phát. Ngay cả khi điều trị viêm mạch bước đầu đã thành công, bệnh vẫn có thể tái phát và cần điều trị bổ sung. Trong một số trường hợp khác, viêm mạch có thể không bao giờ biến mất hoàn toàn và cần được điều trị liên tục.
Điều trị viêm mạch như thế nào?
Điều trị đặc hiệu cho viêm mạch phụ thuộc vào thể loại, độ nặng của bệnh và tình trạng sức của người bệnh. Bao gồm:
1. Điều trị bằng thuốc
– Corticosterioid: tác dụng để kiểm soát tình trạng viêm. Tuy nhiên thuốc có nhiều tác dụng phụ và phải được bác sĩ cân nhắc trước khi kê cho người bếnh sử dụng
– Thuốc để kiểm soát miễn dịch. Trường hợp viêm mạch nặng hoặc không đáp ứng đầy đủ với corticosteroid có thể cần được điều trị bằng thuốc độc tế bào để tiêu diệt các tế bào miễn dịch gây ra phản ứng viêm.
>> Xem thêm Thông tin chi tiết về bệnh giãn tĩnh mạch
2. Điều chỉnh lối sống
– Bỏ thuốc lá
– Chọn một chế độ ăn uống lành mạnh. Dinh dưỡng tốt có thể giúp người bệnh ngăn ngừa các nguy cơ do tác dụng phụ của thuốc như loãng xương, tăng huyết áp và đái tháo đường. Người bệnh nên chọn một chế độ ăn uống giàu các loại trái cây tươi và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít chất béo cũng như thịt nạc và cá.
– Tập thể dục hằng ngày. Các vận động thường xuyên như đi bộ hàng ngày có thể giúp ngăn ngừa mất xương, cao huyết áp và bệnh đái tháo đường khi điều trị với corticosteroid.
Tham khảo: Mayoclinic.com