CỐT TOÁI BỔ (Thân rễ)
Dược liệu bổ thận, liền xương, chỉ thống
Cốt toái bổ còn gọi là Tắc kè đá [Drynaria fortunei (Kunze ex Mett.) J.Sm., hoặc Drynaria bonii H. Christ], họ Dương xỉ (Polypodiaceac).
Dược liệu dùng là phần thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây cốt toái bổ.
Mô tả
Với loài Drynaria fortunei, dược liệu là đoạn thân rễ dẹt, cong queo, phần nhiều phân nhánh, dài 5-15 cm, rộng 1-2 cm, dày khoảng 3 mm, phủ dày đặc lông dạng vảy màu nâu đển nâu tối. Khi đốt hết lông, dược liệu màu nâu tối. Mặt trên và hai bên thân có các vết sẹo tròn của gốc lá lồi hoặc lõm, ít khi còn rễ hình sợi. Chất cứng, mặt cắt ngang có màu nâu, có những đốm vàng xếp thành một vòng. Dược liệu có vị nhạt và hơi se.
Với loài Drvnaria bonii, đoạn thân rễ tương đối thẳng, ít phân nhánh, dài 5-17 cm, rộng 0,6-1 cm. Lông dạng vẩy màu vàng nâu dễ rụng, để lộ thân rỗ màu vàng nâu hoặc nâu nhạt. Chất dai. Mặt cắt màu vàng.
Chế biến
Thu hoạch quanh năm, lấy thân rễ, bỏ tạp chất, cắt bỏ rễ con và phần lá còn sót lại, rửa sạch, chọn lấy các thân rễ to đạt yêu cầu, cắt thành từng mảnh, từng đoạn theo kích thước quy định rồi phơi hoặc sấy khô, có thể đốt nhẹ cho cháy lông.
Bảo quản
Bảo quản dược liệu ở nơi khô, mát, tránh mốc mọt.
Thành phần hóa học
Thân rễ cốt toái bổ chứa tinh bột 25,00 – 34,98% glucose, hesperidin; 1,42% flavonoid toàn phần và 1% narigin.
Tác dụng dược lý
Một bài thuốc bổ thận gồm cốt toái bổ và 4 dược liệu khác đã được thử trên chuột thấy có tác dụng gây động dục với mức độ cao.
Cốt toái bổ có tác dụng chống viêm trên các mô hình gây viêm thực nghiệm, gây phù chân chuột bằng dextran và kaolin, gây rỉ dịch màng phổi bằng tinh dầu thông, gây u hạt dưới da bằng amian, gây viêm dị ứng và viêm đa khớp bằng vaccin BCG. Liều giảm mức độ viêm 50% trên mô hình phù kaolin của cốt toái bổ là 65g/kg thể trọng động vật.
Dùng nước sắc của cốt toái bổ ½, 14% có tác dụng ổn định màng hồng cầu.
Tính vị, quy kinh
Khổ, ôn. Quy vào kinh can, thận.
Công năng, chủ trị
Bổ thận, làm liền xương, chỉ thống.
Chủ trị: Thận hư, thắt lưng đau, tai ù, tai điếc, răng lung lay, đau do sang chấn, bong gân, gãy xương. Cốt toái bổ dùng bên ngoài điều trị hói, lang ben.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng từ 6-12 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các loại thuốc khác. Dùng ngoài, lượng thích hợp.
Kiêng kỵ
Âm hư, huyết hư không có huyết ứ không nên dùng.
Một số bài thuốc có cốt toái bổ
1. Chữa thấp khớp mạn tính (thể nhiệt)
Cốt toái bổ, thạch cao, kê huyết đằng, đan sâm, sinh địa, rau má, uy linh tiên, hy thiêm, khương hoạt, độc hoạt, thiên hoa phấn, thổ phục linh (mỗi vị 12g), bạch chỉ 8g, cam thảo 4g. Sắc uống.
2. Chữa đau lưng, mỏi gối do thận hư yếu
Cốt toái bổ 16g, cẩu tích 20g, rễ gối hạc 12g, củ mài 20g, rễ có xước 12g, dây đau xương 12g, thỏ ty tử 12g, tỳ giải 16g, đỗ trọng 16g. Sắc uống.
3. Chữa phong thấp đau nhức thuộc huyết
a. Phương thuốc ngâm rượu
Rễ gắm 120g, vỏ chân chim 100g, rễ rung rúc 80g, rễ bươm bướm 60g, rễ chiên chiến 60g, xích đồng nam 40, ô dược 40g, bạch đồng nữ 40g, quy bầu 40g, cỏ xước 40g, rễ bưởi bung 40g, cốt toái bổ 40g.
Tất cả thái nhỏ, cho vào một túi vải, bỏ vào trong hũ đã có rượu, lấy đất trát kín miệng, nấu lên trong khoảng thời gian cháy hết một nén hương, sau đó chôn xuống đất 3 ngày đêm, uống dần từng chút vào lúc đói.
b. Phương thuốc viên (dùng phối hợp với phương thuốc ngâm rượu trên)
Cốt toái bổ 160g (cạo hết lông, thái nhỏ, nấu với nước mật, phơi khô), cẩu tích 240g (tẩm rượu nấu với nước muối, phơi khô), thạch hộc 160g (rửa với rượu, chưng kỹ, phơi khô), hy thiêm 160g (chưng với rượu và mật), lá ké đầu ngựa 40g (phơi trong râm), rễ cỏ xước 160g (dùng tươi, rửa với rượu), vỏ châm chim 160g (sao), rễ gắm 160g (sao). Các vị tán bột, luyện mật làm viên, uống mỗi lần 8 – 12g với nước gừng hay rượu.
Tài liệu tham khảo:
1. “Dược điển Việt Nam V”, Bộ Y tế, Nhà xuất bản Y học 2017
2. “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập 1”, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuât, tái bản lần thứ nhất