Bệnh lang ben: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Lang ben (tên tiếng Anh: Tinea versicolor hay pityriasis versicolor) là bệnh nhiễm nấm trên da được gây ra bởi loại nấm men tự nhiên sống trên da có tên Malassezia. Khi nấm phát triển ngoài tầm kiểm soát sẽ ảnh hưởng tới màu sắc tự nhiên trên da. Khi đó, trên da bạn sẽ xuất hiện các mảng da sáng hơn hoặc tối hơn vùng da xung quanh.

Lang ben
Lang ben là bệnh nhiễm nấm trên da được gây ra bởi loại nấm men tự nhiên sống trên da

Nguy cơ mắc bệnh lang ben

Lang ben có thể xảy ra do một trong các nguyên nhân sau:

  • Bạn có da nhờn
  • Trong khí hậu nóng ẩm
  • Da bạn ra mồ hôi nhiều
  • Hệ miễn dich của bạn yếu.

Do nấm men phát triển tự nhiên trên da của bạn nên bệnh lang ben không phải là bệnh lây truyền. Bệnh lang ben có ảnh hưởng tới nhiều người ở mọi màu da và thường xuất hiện ở trẻ em và thanh thiếu niên.

>> Xem thêm Nhận biết chức năng và cấu tạo da 

Dấu hiệu hoặc triệu chứng bệnh lang ben

Trong nấm men có chứa axit có tính tẩy da khiến cho các vùng da trở nên khác biệt với phần da còn lại. Có thể sẽ là dạng các điểm hoặc các mảng da. Dấu hiệu và triệu trứng lang ben bao gồm:

Mảng lang ben
Mảng lang ben thường gặp nhất là ở cổ, ngực, lưng và cánh tay
  • Các mảng da có màu trắng, hồng, đỏ hoặc nâu và có thể sáng hơn hoặc tối hơn so với màu da nguyên bản.
  • Các đốm lang ben không hòa vào màu da tự nhiên còn lại.
  • Mảng lang ben có thể thấy ở bất cứ đâu trên cơ thể nhưng thường gặp nhất là ở cổ, ngực, lưng và cánh tay.
  • Đốm lang ben có xu hướng biến mất khi trời mát mẻ và trở nên nặng hơn trong khí hậu nóng ẩm. Chúng có thể khô và có vảy, gây ngứa và đau nhưng thường không phổ biến.

Bệnh bạch biến có thể bị nhầm lẫn với việc bị lang ben tuy nhiên bạn có thể phân biệt bệnh bạch biến bằng một số đặc điểm:

  • Bạch biến không ảnh hưởng tới kết cấu da của bạn.
  • Thường bệnh bạch biến sẽ xuất hiện ở ngón tay, cổ tay, nách, miệng, mắt hoặc háng.
  • Bệnh bạch biến thường tạo ra các mảng đối xứng.

>> Xem thêm Bệnh nấm da (hắc lào): Nguyên nhân và cách phòng tránh

Cách chẩn đoán bệnh lang ben

Bác sĩ có thể chẩn đoán bạn bị nấm da thông qua việc quan sát vùng da lang ben. Đôi khi bác sĩ có thể dùng đèn tia cực tím để soi da trong khoảng cách từ 15 – 20 cm. Nếu da có nấm men thì sẽ uất hiện màu vàng hoặc màu xanh lá cây.

vùng bị lang ben
Bác sĩ cũng có thể lấy mẫu da của bạn bằng cách cạo phần da và vẩy ở vùng bị lang ben

Bác sĩ cũng có thể lấy mẫu da của bạn bằng cách cạo phần da và vẩy ở vùng bị lang ben để soi dưới kính hiển vi. Đối với trẻ em, việc lấy mẫu da có thể dùng lớp băng keo dính vào vùng da lang ben sau đó lấy ra. Mẫu da sau đó sẽ được xem xét kĩ trên kính hiển vi.

Giải pháp điều trị lang ben

Nếu các triệu chứng lang ben của bạn không quá nghiêm trọng, bạn có thể dùng các loại sản phẩm trên da chống nấm dạng kem kết hợp với dầu gội, sữa tắm, xà phòng chuyên biệt. Các sản phẩm này giúp kiểm soát sự phát triển của nấm men. Thông thường các sản phẩm chống nấm sẽ có chứa kẽm, clotrimazole, miconazol, pyrithione, selenium sulfide và terbinafine.

 chống nấm
Sản phẩm chống nấm sẽ có chứa kẽm, clotrimazole, miconazol, pyrithione,…

Trong trường hợp bệnh lang ben của bạn nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể kê cả thuốc bôi chống nấm và thuốc uống. Tuy nhiên, các loại này có thể có phản ứng phụ nên sẽ cần phải có sự theo dõi của bác sĩ khi sử dụng.

Điều trị lang ben thường sẽ hướng tới việc loại bỏ nấm men trên da. Tuy nhiên, việc đổi màu da của bệnh lang ben phải mất vài tháng mới trở lại bình thường.

Mẹo phòng chống bệnh lang ben tái phát

Lang ben là bệnh rất dễ tái phát do nấm men thường sống trên da. Do đó, bạn nên áp dụng một số mẹo sau để phòng bệnh:

Ánh nắng
Ánh nắng có thể khiến da bị kích ứng khiến bị nổi mẩn đỏ hơn
  • Tránh dùng các sản phẩm khiến da trở nên dầu nhờn.
  • Giảm tiếp xúc với ánh mặt trời, do ánh nắng có thể khiến da bị kích ứng khiến bị nổi mẩn đỏ hơn.
  • Dùng kem chống nắng mỗi ngày với độ SPF từ 30 trở lên.
  • Không mặc quần áo bó sát, nên ưu tiên các loại vải thoáng có nhiều cotton để giảm mồ hôi trên da.