cà gai leo

Cà gai leo

Cây cà gai leo có tên khoa học là Solanum procumbens Lour., thuộc họ Cà (Solanaceae).

Phần dùng làm dược liệu: Phần trên mặt đất được phơi hoặc sấy khô ở 50 °C – 60 °C.

 

 

Mô tả

Dược liệu là những đoạn thân lá của cây cà gai leo, dài từ 2-5 cm, màu xanh nhạt, nâu xám hoặc vàng nâu. Lá nguyên có hình trứng hoặc thuôn. Gốc lá hình rìu hoặc hơi tròn, mép nguyên hoặc hơi lượn và có khía thùy. Phiến lá dài từ 2-4 cm, rộng 1,2-2,0 cm; cuống dài 0,3-0,8 cm, mặt trên sẫm, mặt dưới nhạt phủ đầy lông tơ màu trắng; hai mặt đều có gai ở gân chính, nhất là mặt trên; cuống lá cũng có gai.

Chế biến

Thu hái quanh năm bộ phận trên mặt đất, tốt nhất vào lúc cây bắt đầu ra hoa. Toàn cây được chặt thành từng đoạn dài từ 2-5 cm, sau đó phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ 50 °C – 60 °C.

cà gai leo

Cây cà gai leo được thu hái, phơi hoặc sấy khô

Bảo quản

Bảo quản trong bao bì kín, để nơi khô ráo, thoáng mát.

Thành phần hóa học

Rễ và lá cà gai leo mọc ở Việt Nam có cholesterol, β – sitosterol, lanosterol, dihydrolanosterol. Ngoài ra, rễ chứa 3β – hydroxy – 5α – pregnan – 16 – on, rễ và lá có solanodenon. Hai chất solasodin và neoclorogenin còn thu được sau khi thủy phân dịch chiết rễ.

Viện Dược liệu đã phân tích thành phần hóa học thấy có alcaloid, glycoalcaloid, saponin, flavonoid, acid amin và sterol, trong đó nhân glycoalcaloid có tỷ lệ nhiều hơn cả.

Tác dụng dược lý

  • Trong mô hình gây phù thực nghiệm chân chuột bằng kaolin tạo nên giai đoạn cấp tính của phản ứng viêm tương ứng với những biến đổi về mạch máu gây thoát huyết tương ở khoảng ngoài tế bào, rễ và thân lá cà gai leo có tác dụng ức chế phù rõ rệt.
  • Đối với giai đoạn bán cấp của phản ứng viêm tương ứng với sự tạo thành tổ chức hạt, trong mô hình gây u hạt thực nghiệm với amian, rễ và thân lá cà gai leo có tác dụng ức chế rõ rệt.
  • Tuyến ức có vai trò quan trọng trong sự hình thành hệ thống miễn dịch của cơ thể, rễ và thân lá cà gai leo có tác dụng gây teo tuyến ức chuột cống non rõ rệt.
  • Chỉ số tán huyết có rễ cà gai leo xác định bằng phương pháp Brunel là 13.
  • Sơ bộ nghiên cứu định lượng sinh học hoạt lực chống viêm thấy 1g rễ cà gai leo khô tương ứng với 2,5mg hydrocortison và 1g thân lá tương ứng với 1,3mg hydrocortison.

Tính vị, quy kinh

Khổ, ôn, hơi có độc.

cà gai leo
Cà gai leo thường dùng để trị xơ gan, ho, viêm nhiễm quanh răng

Công năng, chủ trị

Phát tán phong thấp, tiêu độc, trừ ho, giảm đau, cầm máu.

Chủ trị: Phong thấp, đau nhức các đầu gân xương, ho khan, ho gà, dị ứng, xơ gan, viêm nhiễm quanh răng.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 16-20 g, dưới dạng thuốc sắc. Thường dùng phối hợp với một số vị thuốc khác.

Một số bài thuốc có dùng cà gai leo

1. Chữa phong thấp

– Rễ cà gai leo, rễ xấu hổ, thổ phục linh, rễ cỏ xước, kê huyết đằng, rễ cỏ tranh, mỗi vị 6g. Sắc uống.

– Rễ cà gai leo, vỏ chân chim, rễ cỏ xước, dây đau xương, kê huyết đằng, rễ tầm xuân, mỗi vị 20g. Sắc uống.

2. Chữa sưng mộng răng

Hạt cà gai leo 4g tán nhỏ, cho vào nồi đồng với một ít sáp ong, đốt lấy khói xông vào chân răng.

Tài liệu tham khảo

1. “Dược điển Việt Nam V”, Bộ Y tế, Nhà xuất bản Y học 2017

2. “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập 1”, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuât, tái bản lần thứ nhất

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y