Các vị thuốc bổ thận trong Đông y – lưu ngay để dùng khi cần
Có nhiều vị thuốc bổ thận trong Đông y đã được ứng dụng từ xưa cho đến nay. Nếu cần tìm thuốc bổ thận, bạn nên tìm những vị thuốc này trong bảng thành phần.
Thận – cơ quan có nhiều vai trò quan trọng
Theo quan điểm của y học cổ truyền, thận là một trong các tạng có nhiều vai trò quan trọng, từ chức năng bài tiết nước tiểu, nội tiết tố đến chức năng sinh lý. Thận cũng được ví như cội nguồn của nhiều tạng phủ, là gốc rễ của nhiều kinh mạch trong cơ thể, là cơ sở của sinh mệnh con người, là nền móng của sự di truyền. Thận có âm có dương (còn gọi là thận âm và thận dương). Do vậy, khi tạng thận hư suy sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan bộ phận khác trong cơ thể.
Theo nguyên tắc trị bệnh của Đông y thì hư đâu bổ đấy, có nghĩa là nếu thận hư suy thì cần phải dùng các vị thuốc, bài thuốc để bồi bổ.
Dùng các vị thuốc bổ thận không có nghĩa là giúp tăng cường sinh lý, mà còn giúp bồi bổ toàn diện, để cơ thể khỏe mạnh hơn. Sinh hoạt tình dục chỉ là vấn đề nhỏ trong số đó.
Các vị thuốc bổ thận nổi tiếng trong Đông y
Ba kích
Ba kích (ba kích thiên) là một trong những cây thuốc bổ thận tráng dương nổi tiếng đã được dùng từ lâu đời.
Ba kích có vị cay ngọt, tính hơi ôn, vào kinh thận. Ba kích có tác dụng ôn thận trợ dương, mạnh gân cốt, khử phong thấp…
Dân gian thường dùng ba kích để chữa liệt dương, xuất tinh sớm, di mộng tinh, bệnh phong thấp, mạnh gân cốt…
Bạch linh
Bạch linh cũng là một vị thuốc bổ thận do có vị ngọt nhạt, tính bình, vào 5 kinh tâm, phế, thận, tỳ, vị. Bạch linh có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp, kiện tỳ, định tâm, an thần.
Trong dân gian, bạch linh thường được dùng để bổ tì vị, chữa bụng đầy trướng, tiêu chảy, tỳ hư, kém ăn và bổ toàn thân.
Đỗ trọng
Đỗ trọng là một vị bổ can thận, cường gân cốt, an thai; chủ trị chứng thận hư, đau lưng, liệt dương, thai động, thai lậu, trụy thai.
Trong các bài thuốc chữa vô sinh, đỗ trọng cũng là vị thuốc quan trọng.
Tục đoạn
Tục đoạn là bộ rễ phơi hay sấy khô của cây Xuyên Tục đoạn (Dipsacus asper Wall.). Tục đoạn có vị đắng cay, tính hơi ôn; vào kinh can và thận.
Tục đoạn có tác dụng bổ can ích thận, nối liền gân cốt, thông huyết mạch, cầm máu, giảm đau.
Đậu đen
Đậu đen là vị thuốc bổ thận vừa rẻ vừa tốt. Đậu đen tính hơi ôn, vị ngọt, quy kinh thận, có tác dụng trừ thấp giải độc, bổ thận, bổ huyết, bồi bổ cơ thể.
Đông y cho rằng sắc đen thuộc hành thủy, liên quan đến thận, có tác dụng dẫn thuốc về thận. Hơn nữa, quan niệm của nhiều người cho rằng đậu đen có hình dạng giống như quả thận trong cơ thể con người, ăn vào giúp bổ thận.
Cây cỏ mực
Cỏ mực còn có tên gọi là cây kim lăng thảo, cây nhọ nồi hoặc cây mặc hạn liên. Trong dân gian, cỏ mực thường được dùng để chữa suy thận. Vì loại thảo dược này có vị chua, tính hàn giúp thanh nhiệt, bổ thận âm và ổn định chức năng thận.
Cây cỏ xước
Toàn bộ phần từ thân, lá, hoa cho đến rễ của cây cỏ xước đều có thể được dùng làm thuốc. Cây cỏ xước có tính mát, vị chua, đắng, có tác dụng lưu thông huyết, bổ thận, mạnh gân cốt.
Dù là vị thuốc bổ thận trong Đông y nổi tiếng từ lâu nhưng khi dùng nhất thiết phải dùng đúng người, đúng bệnh, đúng liều lượng, tránh tùy tiện kẻo gây hại.
Nếu để trị bệnh thì người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán chính xác, sau đó mới lựa chọn phương thuốc và cách bào chế phù hợp.
Vân Anh