cỏ mần trầu

Cỏ mần trầu

Thanh nhiệt, giải độc, mát gan, lợi tiểu

Cỏ mần trầu (còn gọi là màng trầu, thanh tâm thảo, cỏ chì tía, ngưu cần thảo, hang ma), tên khoa học là Eleusine indica (L.) Gacrtn thuộc họ Lúa (Poaceae).

 

 

Mô tả

Dược liệu là toàn cây mang hoa đã rửa sạch, phơi hay sấy khô của cỏ mần trầu. Cây mần trầu được cắt thành đoạn dài 4-6 cm, màu lục vàng nhạt, mùi thơm nhẹ. Những phần được dùng bao gồm đoạn trục mang cụm hoa, đoạn lá, thân, đốt thân mang lá, cụm thân và lá, cụm gốc thân và rễ.

Cụm hoa gié xếp 2 dãy so le thành 5-7 gié, dài 7-9 cm đính ở đỉnh trục phát hoa ở ngọn thân, thường có 1 gié đính ở mức thấp hơn. Các gié ở ngọn, gié già hơn ở gốc. Trục phát hoa hình trụ hơi dẹp, nhẵn bóng, có nhiều sọc dọc nổi lên. Gié dài 4 mm, có 3-5 hoa. Hoa ở gốc già hơn. Gié có 2 dĩnh, dĩnh dưới nhỏ hơn dĩnh trên. Dĩnh trên hình mũi mác, thuôn mềm, đầu nhọn, dài 2,5-3 mm, rộng khoảng 0,5 mm, màu trong, có lườn, có 4-7 gân màu xanh, mặt lưng có răng cưa nhọn. Dĩnh dưới tương tự, dài 1,5-2,0 mm, rộng 0,1-1,5 mm, có 1 gân màu xanh, mặt lưng có răng cưa nhọn dài hơn dĩnh trên. Hoa dài 3-4 mm có 2 trấu. Trấu dưới hình mũi mác, trong, thuôn nhọn, có 2-4 gân, dài 2,5-3,0 mm rộng 0,5-0,75 mm, mặt lưng có răng cưa nhọn. Trấu trên giống trấu dưới, dài 1,5-2,0 mm, rộng 0,2-0,4 mm, có 1 gân.

Quả hình trứng hoặc bầu dục, màu xanh bóng hoặc đen dài 1,2-1,5 mm. Đoạn thân nhẵn bóng, hơi dẹt, có nhiều sọc dọc nhô lên. Có đoạn mang đốt, tại mỗi đốt chia thành 2-5 nhánh nhỏ xếp so le, mỗi nhánh có bẹ lá ôm phía ngoài, đôi khi có mang rễ phụ nhỏ. Cụm gốc thân mang rễ chum gồm 3 đến trên 10 gốc thân nhỏ mang rễ chùm xếp sít nhau. Phần gốc mang các rễ chùm nhỏ màu nâu vàng, đường kính khoảng 0,1-0,5 mm.

Chế biến

Cây được thu hái quanh năm, tốt nhất là cuối mùa xuân. Thường lấy cả cây, rửa sạch đất cát, phơi khô se, cắt đoạn 4-6 cm. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần.

Bảo quản

Dược liệu bảo quản trong bao bì kín, để nơi khô, tránh nấm mốc, sâu mọt.

Thành phần hóa học

Phần trên mặt đất của cỏ mần trầu chứa 3-O-β-D-glucopy ranosyl-β-sitosterol và dẫn chất 6’-O-palmitoyl. Cành, lá tươi có chứa flavonoid.

Tính vị, quy kinh

Cỏ mần trầu vị ngọt, tính mát. Vào kinh can, tâm, bàng quang.

Công năng, chủ trị

Cỏ mần trầu thanh nhiệt, phát hãn, hạ sốt, giải độc mát gan, lợi tiểu.

Chủ trị: Sốt cao, sốt do cảm nắng, đau đầu, viêm gan hoàng đản, sốt rét, cao huyết áp, mụn nhọt lở ngứa, tiểu tiện vàng, đỏ, bí, rắt.

Công dụng, cách dùng, liều lượng

Cỏ mần trầu được dùng theo kinh nghiệm nhân dân chữa cảm nắng, sốt nóng, máu xông lên đầu, nổi mẩn đỏ, đái són, đái đỏ. Ngày dùng 80-120 g (cây tươi) sắc nước uống hoặc phối hợp với rễ cỏ tranh và ngầy tía mỗi thứ 40g cùng sắc uống.

Ở Malaysia, phụ nữ sau sinh thường uống nước ép từ cỏ mần trầu để nhanh hết sản dịch. Ở Philippines, nước sắc cây tươi là thuốc lợi tiểu, chữa lỵ, nước sắc cả cây cỏ mần trầu phối hợp với “gogo” (Entada phaseoloides) dùng để gội đầu chữa rụng tóc và làm sạch gàu.

Kiêng kỵ

Không có thực nhiệt không dùng.

Một số bài thuốc có cỏ mần trầu

1. Bài thuốc “toa căn bản” lợi tiểu, nhuận tràng, nhuận gan, giải độc, kích thích tiêu hóa:

Cỏ mần trầu 8g, rễ cỏ tranh 8g, rau má 8g, mơ tam thể 8g, cỏ nhọ nồi 8g, cam thảo nam 8g, ké đầu ngựa 8g, củ sả 4g, trần bì 4g, sinh khương 2g, nước 400ml, đun sôi trong 15 phút, để nguội chắt lấy nước uống.

2. Chữa sốt cao co giật hôn mê:

Cỏ mần trầu tươi 120g, nước 600ml, sắc còn 400ml, thêm ít muối, uống làm nhiều lần trong 12 giờ.

3. Chữa phong nhiệt, ghẻ lở, nổi mẩn:

Cỏ mần trầu tươi, giã nát vắt lấy nước uống.

4. Chữa thấp nhiệt, hoàng đản:

Cỏ mần trầu tươi 60g, sơn chi ma 30g. Sắc nước uống.

5. Chữa huyết áp cao:

Cả cây cỏ mần trầu (500g), rửa sạch, băm nhỏ, giã nát, thêm một bát nước đun sôi để nguội, lọc lấy nước cốt, thêm ít đường uống. Uống ngày 2 lần, sáng và chiều.

Tài liệu tham khảo

1. “Dược điển Việt Nam V”, Bộ Y tế, Nhà xuất bản Y học 2017

2. “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập 1”, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuât, tái bản lần thứ nhất

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y