Cỏ ngọt
Dược liệu giúp giảm béo phì, hạ đường huyết
Cây cỏ ngọt tên khoa học là Stevia rebaudiana (Bertoni) Hemsley, thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Dược liệu là lá thu hái ở những cây sắp ra hoa, sau đó phơi hay sấy khô.
Mô tả
Lá hình trái xoan hẹp hay hình trứng ngược, màu xanh lục vàng, dài từ 2,5-6,0 cm, rộng 1,0-1,8 cm. Hai mặt đều có lông mịn, mép lá khía răng cưa. Mặt trên lá có 3 gân nổi rõ cùng xuất phát từ cuống lá; gân phụ phân nhánh. Vị rất19 ngọt.
Chế biến
Khi cây sắp ra hoa, cắt cành ở khoảng cách trên mặt đất 10-20 cm, hái lấy lá, loại bỏ lá già úa, đem phơi nắng nhẹ hoặc sấy ở 30°C-40°C đến khi khô.
Bảo quản
Bảo quản dược liệu ở nơi khô mát, tránh sâu mọt.
Tác dụng dược lý
1. Tác dụng hạ đường huyết
a) Thử trên thỏ gây tăng đường huyết do aloxan: cao nước lá cỏ ngọt có tác dụng làm giảm đường huyết ở thỏ.
b) Thử trên chuột cống trắng: cho ăn chế độ ăn nhiều carbohydrat có trộn vào đó 0,1% steviosid, thấy glycogen gan giảm hơn so với lô chứng, nhưng hàm lượng glucose trong máu không giảm.
c) Cũng thử trên chuột cống trắng với chế độ ăn giàu carbohydrat, có thêm 10% bột lá cỏ ngọt tương ứng với 0,5% steviosid trong thực đơn, làm giảm glucose máu và glycogen gan sau 4 tuần. Khi uống dài ngày, cả steviosid và bột lá cỏ ngọt không gây ra những thay đổi về sự tiêu thụ thức ăn, sư phát triển cơ thể.
Cũng trên chuột cống trắng, cho một chế độ ăn giàu chất béo kèm 0.1% steviosid, không thấy có sự thay đổi có ý nghĩa về glycogen gan và glucose máu
d) Một nghiên cứu khác cũng thử trên chuột cống trắng, cho ăn một chế độ ăn có 0,1-0,5% steviosid trong thời gian 30-56 ngày. Kết quả cũng không thấy có sự thay đổi về mức glucose máu.
e) Thử nghiệm lâm sàng ở Paraguay (1970) trên những bệnh nhân đái tháo đường thấy trung bình mức glucose máu giảm 35%. Một thử nghiệm khác ở Brazil (1981) với liều mỗi lần 0,25g steviosid, ngày 4 lần cũng làm giảm đường huyết rõ rệt.
2. Tác dụng giãn mạch
Steviosid có tác dụng giãn mạch toàn thân rõ rệt.
3. Tác dụng trên thận và huyết áp
a) Thử trên lưu lượng huyết tương qua thận (RPF) và tốc độ lọc cầu thuận (GFR). Ở chuột cống trắng bình thường, steviosid làm tăng cả 2 thông số. Tác dụng làm tăng GFR là do thuốc làm giãn mạch tới cầu thận và mạch từ đó ra.
b) Truyền steviosid cho chuột cống trắng cao huyết áp cũng làm giảm cả RPF và GFR. Kết quả này cũng xảy ra ở chuột cống trắng bị cao huyết áp do gây mô hình thực nghiệm tổn thương thận.
c) Trên chuột cống trắng bình thường và cả chuột gây cao huyết áp thực nghiệm, steviosid đều có tác dụng làm hạ huyết áp, tăng bài niệu và tăng thải trừ natri.
d) Thử trên người có huyết áp bình thường uống chè cỏ ngọt trong 30 ngày, thấy huyết áp tâm trương và cả tâm thu đều hạ khoảng 9,5%.
Tính vị, quy kinh
Cỏ ngọt có vị ngọt, tính mát, vào kinh phế tỳ thận.
Công năng, chủ trị
Trừ tiêu khát, lợi tiểu, hạ huyết áp dùng trong các trường hợp đái tháo đường, đái tháo nhạt, bí tiểu tiện, huyết áp cao.
Công dụng, cách dùng
1. Chữa đái tháo đường
Nhiều tài liệu đã xác định tác dụng hạ đường huyết của cỏ ngọt và steviosid, nhưng cũng có công trình nghi ngờ tác dụng này. Dù sao cỏ ngọt và steviosid có vị ngọt sẽ làm giảm nhu cầu chất đường và chất bột của người bệnh, vì thế sẽ giảm đường huyết. Liều dùng theo thử nghiệm ở Brazil là mỗi lần 0,25g steviosid (hoặc 2,5g lá cỏ ngọt), ngày 4 lần. Uống nhiều ngày.
2. Giảm béo phì
Cỏ ngọt và steviosid làm giảm nhu cầu chất bột và chất đường của cơ thể, nên cũng có tác dụng giảm béo phì. Liều dùng 0,5-1,0g steviosid chia ra 3-4 lần trong ngày. Uống nhiều ngày.
3. Điều vị
Lá cỏ ngọt hoặc steviosid thường dùng làm chất điều vị cho các loại trà thuốc, trà túi lọc. Tỷ lệ lá cỏ ngọt hoặc steviosid trong đó thường thấp.
Tài liệu tham khảo
1. “Dược điển Việt Nam V”, Bộ Y tế, Nhà xuất bản Y học 2017
2. “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập 1”, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuât, tái bản lần thứ nhất