Đan Sâm (Rễ và thân rễ)
Đan sâm còn có tên khác là đơn sâm, xích sâm, huyết sâm (Radix et Rhizoma Salviae mitiorrhzae), thuộc họ Bạc hà (Lamiaceae).
Dược liệu dùng là rễ và thân rễ phơi hoặc sấy khô của cây đan sâm.
Mô tả:
Thân rễ ngắn, cứng chắc, đôi khi còn sót lại gốc của thân ở đỉnh. Rễ hình trụ dài, hơi cong, có khi phân nhánh và có rễ con dài 10-20 cm, đường kính 0,3-1 cm. Mặt ngoài màu đỏ nâu hoặc đỏ nâu tối, thô ráp, có vân nhãn dọc. Vỏ rễ già có màu nâu tía, thường bong ra. Chất cứng và giòn, mặt bẻ gãy không chắc có vết nứt, hoặc hơi phẳng và đặc, phần vỏ màu đỏ nâu và phần gỗ màu vàng xám hoặc màu nâu tía với bó mạch màu trắng vàng, xếp theo hướng xuyên tâm.
Mùi nhẹ, vị hơi đắng và se. Dược liệu từ cây trồng tương đối mập chắc, đường kính 0,5-1,5 cm. Mặt ngoài màu nâu đỏ, có nếp nhăn dọc, phần vỏ bám chặt vào gỗ không dễ bóc ra. Chất chắc, mật bẻ gãy tương đối phẳng, hơi có dạng chất sừng.
Chế biến:
Vào mùa xuân hay mùa thu, đào cây đan sâm lấy rễ và thân rễ, rửa sạch, cẳt bỏ rễ con và thân còn sót lại, phơi hoặc sấy khô.
Bảo quản:
Bảo quản dược liệu ở nơi khô, mát, tránh mốc, mọt.
Thành phần hóa học:
Phenol và acid phenolic: danshensu, acid rosmarinic, acid rosmarinic methyl ester, các acid salvianolic A, B,C,G, acid lithospermic, acid lithospermic dimethyl ester.
Các hợp chất diterpen: miltiron, salviol, Ro (09-0680), fegurinol, dehydromiltiron, miltionon, danshenspirocetal lacton, epi-danshenspirocetal lacton, tanshinon I, tanshinon IIA, tanshinon IIB, hydroxytanshinon IIA, cryptotanshinon, dihydrotanshinon I, isocryptotan-shinon, isotanshinon I, isotanshinon IIA, danshenxinkun D, silvilenon.
Các thành phần khác: β-sitosterol, tanin, vitamin E.
Tác dụng dược lý
Giảm rối loạn tuần hoàn vi mạch, làm giãn các động mạch và tĩnh mạch nhỏ, mao mạch, tăng tuần hoàn vi mạch.
Giảm mức độ nhồi máu cơ tim. Khi tiêm dẫn chất tanshinon II natri sulfonat vào đầu phía xa của động mạch vành đi xuống, ở xa chỗ tắc làm giảm kích thước nhồi máu cơ tim cấp tính. Kích thước vùng thiếu máu giảm đáng kể hoặc mất đi.
Ổn định màng hồng cầu, làm tăng sức kháng của hồng cầu nhờ dẫn chất tanshinon II natri sulfonat.
Ức chế sự kết hợp tiểu cầu, chống huyết khối nhờ các hoạt chất miltiron và salvinon của đan sâm.
Bảo vệ cơ tim, chống lại những rối loạn về chức năng và chuyển hóa gây ra bởi thiếu hụt oxy.
Chống oxy hóa, loại bỏ các gốc tự do có hại cho cơ thể.
Tính vị, quy kinh
Khô, hàn. Vào các kinh tâm, can.
Công năng, chủ trị
Hoạt huyết, thông kinh, giảm đau, thanh tâm lương huyết.
Chủ trị: Kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt bế tắc, hành kinh đau bụng, huyết tích hòn cục, đau thắt ngực, mất ngủ, tâm phiền.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng từ 9-15 g, dạng thuốc sắc.
Kiêng kỵ
Không dùng chung với Lê lô.
Một số bài thuốc có đan sâm
1. Chữa suy nhược cơ thể, thiếu máu, phụ nữ sau sinh mất máu (Thiên vương bổ tâm đan)
Đan sâm 8g; huyền sâm, địa hoàng, mỗi vị 12g; thiên môn, mạch môn, mỗi vị 10g; phục linh, viên chí, đương quy, bá tử nhân toan táo nhân, mỗi vị 8g; ngũ vị tử, cát cánh, mỗi vị 6g, chu sa 0,6g. Sắc uống (chu sa gói riêng, uống cùng thuốc đã sắc), ngày 1 thang.
2. Chữa viêm khớp cấp
Đan sâm 12g; hy thiêm, ké đầu ngựa, thổ phục linh, kim ngân, mỗi vị 20g; tỳ giải, kê huyết đằng, mỗi vị 16g; ý dĩ, cam thảo nam, mỗi vị 12g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
3. Chữa viêm khớp cấp kèm theo tổn thương ở tim
Đan sâm 12g; kim ngân hoa, ké đầu ngựa, thổ phục linh, đảng sâm, ý dĩ, mỗi vị 20g; bạch truật, kê huyết đằng, tỳ giải, mỗi vị 16g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Khi có loạn nhịp: Đan sâm 16g; sinh địa, kim ngân, mỗi vị 20g; đảng sâm 16g; chích cam thảo, a giao, mạch môn, hạt vừng, đại táo, liên kiều, mỗi vị 12g; quế chi 6g; gừng sống 4g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
4. Chữa đau tức ở ngực, đau nhói vùng tim
Đan sâm 32g; xuyên khung, trầm hương, uất kim, mỗi vị 20g; hồng hoa 16g; xích thược, hương phụ chế, hẹ, qua lâu, mỗi vị 12g; đương quy vĩ 10g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Đan sâm 32g; xích thược, xuyên khung, hoàng kỳ, hồng hoa, uất kim, mỗi vị 20g; đảng sâm, toàn đương quy, trầm hương, mỗi vị 16g; mạch môn, hương phụ, mỗi vị 12g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Tài liệu tham khảo:
1. “Dược điển Việt Nam V”, Bộ Y tế, Nhà xuất bản Y học 2017
2. “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập 1”, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuât, tái bản lần thứ nhất.