đậu đen

Đậu đen

(Semen Vignae cytindricae)
Hạt đã phơi khô của cây Đậu đen [Vigna cylindrica (L.) Skeels], họ Đậu (Fabaceac).

 

 

 

 

Mô tả

Hạt hình thận, vỏ màu đen bóng có chiều dài 6-9 mm, chiều ngang từ 5-7 mm, dẹt 3,5-6 mm. Rốn hạt màu sáng trắng. Trọng lượng hạt từ 106-115 mg. Hạt dễ vỡ thành 2 mảnh lá mầm. Đầu của 2 mảnh hạt có chứa 2 lá chồi, 1 trụ mầm.

Chế biến

Thu hoạch vào tháng 6 hoặc tháng 7, chọn những quả già vỏ đã ngả màu đen, đem phơi khô và đập tách lấy riêng hạt. Tiếp tục phơi khô hạt đến độ ẩm quy định.

đậu đen
Đậu đen phơi khô được bảo quản kín để dùng dần

Bảo quản

Đóng trong thùng kín, để nơi khô mát tránh mốc mọt, côn trùng.

Thành phần hóa học

Trong 100g phần ăn được của đậu đen có protein 24,4g; lipid 1,7g; glucid 53,3; cellulose 4g; vitamin A 5mcg; vitamin C 8mg; lysin 970mg; tryptophan 310mg; phenyalanin 1160mg; threonin 1090mg; valin 970; leucin 1260mg; isoleucin 1110mg; arginin 1720mg; histidin 750; Ca 56mg; P 354mg; Fe 6,1mg. Ngoài ra còn có genistin, chrysanthemin, các soyasaponin I, II, III.

Tác dụng dược lý

1. Hoạt tính chống oxy hóa in vitro: dịch chiết cồn của hạt đậu đen 1:1 (1g hạt đậu đen chiết lấy 1ml dịch) pha loãng gấp đôi thành 10 nồng độ loãng dần, rồi tiến hành phả ứng peroxy oxy hóa và tính hoạt tính chống oxy hóa. Kết quả ở nồng độ 1:1, hoạt tính là 57,3%, nồng độ 1:2 – 52,3%, nồng độ 1:4 – 13%. Từ nồng độ 1:8 trở xuống không còn tác dụng. Như vậy, hạt đậu đen có tác dụng chống oxy hóa ở mức độ vừa phải.

2. Tác dụng trên cơ trơn tử cung chuột lang cô lập: Dịch chiết đậu đen có tác dụng tăng co bóp tử cung. Tác dụng của đậu đen kém hơn tác dụng của nước sắc của bài thuốc điều kinh gồm có đậu đen, ích mẫu, hương phụ chế, nghệ vàng, ngải cứu và bạch đồng nữ. Nước sắc bài thuốc tỉ lệ 1/1000 – 1/500 có tác dụng co tử cung tương đương 0.025UI oxytocin.

3. Tác dụng lợi tiểu: Kinh nghiệm cho thấy ăn chè đậu đen làm tăng lượng nước tiểu. Nước tiểu trong và nhạt màu hơn.

đậu đen
Nước đậu đen có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, chống oxy hóa

Tính vị, quy kinh

Cam bình. Quy vào kinh thận.

Công năng, chủ trị

Trừ phong, thanh thấp nhiệt, lương huyết, giải độc, lợi tiểu tiện tư âm, bổ thận, sáng mắt, trừ phù thũng do nhiệt độc, giải độc.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng từ 20 g đến 40 g, có thể hơn. Dùng để chế Đạm đậu sị và làm phụ liệu.

đậu đen
Đạm đậu sị chính là đậu đen khô để làm dược liệu

Một số bài thuốc chứa đậu đen

1. Chữa đau bụng dữ dội

Đậu đen 50g sao cháy, ngâm rượu uống hoặc sắc với nước rồi chế thêm rượu vào mà uống.

2. Chữa trúng gió, nguy cấp hoặc chân tay tê cứng, chóng mặt sau đẻ

Đậu đen 300g sao cháy đến bốc khói, đổ vào 500ml rượu, ngâm qua 1 đêm, đem uống và đắp chăn cho ra mồ hôi.

3. Chữa đái tháo đường do thận hư

Đậu đen, thiên hoa phấn, lượng bằng nhau tán nhỏ làm viên, uống với nước sắc đậu đen làm thang.

4. Chữa dị ứng, lở ngứa, mụn nhọt

Đậu đen sao nhỏ lửa đến khi ruột bên trong có màu vàng đậm, dùng 50-100g sắc nước uống.

Tài liệu tham khảo

1. “Dược điển Việt Nam V”, Bộ Y tế, Nhà xuất bản Y học 2017

2. “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập 1”, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuât, tái bản lần thứ nhất.

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y