đậu xanh

ĐẬU XANH (Hạt)

Semen Vignae radiatae

Đậu xanh (còn gọi là đỗ xanh, lục đậu) có tên khoa học là Vlgnaradiata var. radíala (L.) R.Wilczek, họ Đậu (Fabaceae).

Dược liệu dùng là hạt đã phơi khô của cây đậu xanh.

 

 

 

 

Mô tả

Hạt hình trụ màu xanh lục sáng có chiều dài 4-6 mm, đường kính 3,5-4,5 mm. Rốn hạt chạy dọc theo chiều dài hạt có màu sáng trắng. Trọng lượng hạt từ 61-65 mg. Hạt dễ vỡ thành 2 mảnh lá mầm. Một đầu 2 mảnh hạt có chứa 2 lá chồi, 1 trụ mầm.

Chế biến

Thu hoạch vào tháng 5 hoặc tháng 6, chọn những quả đậu xanh già vỏ đã ngả màu đen hoàn toàn. Đem phơi khô và đập tách lấy riêng hạt đậu xanh. Tiếp tục phơi khô đến độ ẩm quy định.

Bảo quản

Đóng trong thùng kín để nơi khô, thoáng mát, tránh mốc mọt, sâu bọ, côn trùng.

đậu xanh
Đậu xanh sau khi đã tách vỏ

Thành phần hóa học

Trong 100g phần ăn được của đậu xanh có chứa: nước 10g, protein 22g, lipid 1g, carbohydrat 60g, chất xơ 4g.

Đậu xanh là nguồn thực phẩm giàu lysin bổ sung cho gạo. Ngoài ra, còn có vitamin A, B1, B2, PP, B6, C và các nguyên tố vi lượng khác.

Vỏ hạt đậu xanh chứa flavonioid.

Tác dụng dược lý

Dạng chiết bằng cồn và nước từ hạt đậu xanh, đem trộn vào thức ăn để nuôi súc vật thí nghiệm trong 7 ngày liên tiếp với liều 10g/kg đối với chuột nhắt trắng và 16g/kg đối với chuột cống trắng, đều có tác dụng làm giảm hàm lượng cholesterol huyết thanh một cách rõ rệt.

Trên thỏ gây cholesterol huyết tăng cao thực nghiệm, dạng chiết bằng cồn và nước từ hạt đậu xanh với liều 11,6g/kg cho thẳng vào dạ dày, dùng liên tục trong 7 ngày có tác dụng làm giảm hàm lượng cholesterol huyết thanh.
Bột đậu xanh hoặc bột đậu xanh đã mọc mầm, trộn vào thức ăn nuôi thỏ với tỉ lệ 70% có tác dụng phòng ngừa và điều trị hiện tượng tăng cao lipid máu thực nghiệm.

Tính vị, quy kinh

Cam, hàn. Quy vào kinh vị, đại tràng, tâm, vị.

Công năng, chủ trị

Thanh nhiệt trừ thử, chi khát, lợi niệu, giải các loại độc. Chủ trị: Tả lỵ, phù thũng, ngộ độc các chất và thuốc, thử nhiệt và khát nước.

đậu xanh
Đậu xanh giúp thanh nhiệt, giải độc

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 12-20 g, có thể hơn. Dùng riêng hoặc trong các bài thuốc.

Kiêng kỵ

Không thực nhiệt thì không dùng. Không dùng chung với Phi tử (Hạt hẹ).

Những bài thuốc có đậu xanh

1. Phòng và chữa say nắng

Hạt đậu xanh lượng vừa đủ, sắc nước uống.

2. Chữa bệnh ôn nhiệt sốt cao, hôn mê, co giật

Vỏ đậu xanh, sinh địa, huyền sâm, thạch cao, huyền minh phấn, cam thảo, mỗi vị 10g. Sắc nước uống.

3. Chữa phát nóng, sưng quai hàm, nhức nhối

Đậu xanh tán bột thật nhỏ trộn với giấm, phết một lớp dày lên chỗ sưng đau. Nếu khô lại thêm giấm vào. Ngày làm 1 lần đến khi khỏi bệnh.

4. Chữa ngộ độc

Hạt đậu xanh để sống, nghiền nhỏ, chế nước vào, hòa đều cho uống thật nhiều để nôn ra và giải độc.

5. Chữa ngộ độc nấm

Đậu xanh 40-120g, bồ công anh, đại thanh diệp, tử thảo cân, kim ngân hoa mỗi vị 30-60g, cam thảo sống 9-15g. Sắc nước uống, ngày 1 thang. Trẻ em giảm liều theo tuổi.

6. Chữa sỏi đường tiết niệu

Đậu xanh 250g, kim tiền thảo, kê nội kim, hải kim sa, xuyên ngưu tất mỗi thứ 60g. Gia giảm tùy theo triệu chứng: nếu đái ra máu thêm bạch mao căn, thiên thảo mỗi thứ 25g; khí suy yếu thêm hoàng kỳ, đương quy mỗi thứ 60; tỳ hư thêm hoài sơn dược, phục linh mỗi thứ 60g; đại tiện táo bón thêm đại hoàng 15g, mang tiêu 12g; đau bụng thêm nguyên hồ, mộc hương mỗi thứ 30g; đau hông thêm đỗ trọng, tang ký sinh mỗi thứ 30g.

Tất cả nghiền thành bột, trộn đều, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 15g. Sau khi uống thuốc 30 phút, ăn thêm dưa hấu và hoạt động nhiều. Mỗi đợt điều trị là 1 tháng.

Tài liệu tham khảo:

1. “Dược điển Việt Nam V”, Bộ Y tế, Nhà xuất bản Y học 2017

2. “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập 1”, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuât, tái bản lần thứ nhất.

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y