Điều trị rôm sẩy ở trẻ bằng phương pháp dân gian

Mùa hè nắng nóng là thời điểm trẻ thường xuất hiện những mụn nhỏ ti li màu đỏ trên da, mụn có thể xuất hiện trên mặt, chân tay hay thân mình. Đây có thể là dấu hiệu của rôm sẩy ở trẻ. Tuy không nguy hiểm nhưng gây ngứa và khó chịu. Có thể điều trị rôm sảy bằng những biện pháp dân gian đơn giản và an toàn.

  1. Rôm sảy có biểu hiện như thế nào?

Thời tiết oi nóng khiến trẻ tiết nhiều mồ hôi, tuy nhiên tuyến mồ hôi ở trẻ phát triển chưa hoàn chỉnh nên mồ hôi không thoát ra hết và bị ứ đọng lại. Lúc này, bụi bẩn và tế bào chết bám trên da sẽ gây bít kín các tuyến mồ hôi này khiến làn da nổi lên nhiều sẩn nhỏ lấm tấm màu hồng, gọi là rôm sẩy. Ngoài nguyên nhân thời tiết nắng nóng, việc trẻ mặc quá nhiều quần áo, nằm lâu trên giường, bị sốt cao hay ở trong lồng kính cũng có thể gây nên tình trạng này theo cơ chế tương tự.

Biểu hiện của rôm sảy là sự xuất hiện của những nốt mẩn đỏ to như đầu kim, hình tròn hoặc lấm tấm, cao hơn bề mặt da, đầu rôm có một chút nước, đỏ ở xung quanh và thường mọc ở đầu, cổ, ngực, lưng… Chỗ rôm mọc dày thường có màu đỏ, ngứa và có cảm giác nóng rát. Vì vậy, khi trẻ bị rôm sảy thường gãi ngứa dễ làm da bị tổn thương và viêm nhiễm.

Rôm sẩy có thể mọc ở chân tay, mặt hoặc thân mình của trẻ

Triệu chứng rôm sẩy

Tuỳ theo tình trạng tắc nghẽn của ống dẫn mồ hôi, bệnh rôm sảy được chia thành nhiều loại, ở mỗi loại sẽ có các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau.

– Rôm sảy kết tinh: da sẽ xuất hiện những mụn nước, bỏng nước rất dễ vỡ và không gây ngứa hay đau.

– Rôm sảy đỏ: Loại rôm sảy này sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu, ngủ không say, gãi sẽ khiến các mụn nước bị vỡ. Nếu rôm sảy đỏ diễn ra thường xuyên và không được điều trị sẽ khiến da bị tổn thương, khiến bệnh tiến triển nặng hơn.

– Rôm sảy mủ: trên da sẽ mọc các nốt đỏ hoặc mụn mủ có lông ngay chính giữa. Các mụn này có thể vỡ ra gây chảy máu, chảy mủ kèm theo đó là tình trạng xuất hiện các ban đỏ gây ngứa ngáy, đau rát và có thể là nhiễm trùng da.

– Rôm sảy sâu: Rôm sảy sâu là loại nặng nhất và xảy ra ở những người hay bị mắc rôm sảy đỏ. Ở loại này, rôm sảy đã ảnh hưởng đến lớp hạ bì sâu nhất bên trong da, mồ hôi xâm nhập vào trong da gây nhiễm trùng, khiến cho da có màu đỏ.

Tuy không gây khó chịu, ngứa ngáy hay đau rát nhưng nó lại khiến các lỗ chân lông bị bí tắc, ứ đọng mồ hôi. Người bệnh khi bị rôm sảy sâu có thể có các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, tim đập nhanh, kiệt sức do nóng. Tuy nhiên, trường hợp này rất ít khi xuất hiện.

Rôm sẩy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho trẻ

  1. Các phương pháp dân gian điều trị rôm sẩy

– Lá khế: Lá khế ngâm rửa thật sạch, xay hoặc giã nát cùng một chút muối. Chắt lấy nước rồi hòa vào chậu nước ấm tắm cho bé. Duy trì chế độ này từ 3 – 4 ngày, tình trạng rôm sảy ở trẻ sẽ được cải thiện đáng kể.

– Lá dâu tằm: Lấy một nắm lá dâu tằm đem rửa sạch. Sau đó cho nước vào nồi, đun sôi, chờ nước nguội thì bỏ lá ra và sử dụng nước này tắm cho trẻ.

– Mướp đắng: Lấy hai quả mướp đắng, rửa sạch rồi xay nát, lọc lấy nước để sử dụng trong mỗi lần tắm cho trẻ.

Quả mướp đắng có thể giúp điều trị rôm sẩy cho trẻ

– Chanh tươi: Chanh tươi chứa nhiều axit, giúp làm thông thoáng lỗ chân lông, tuyến mồ hôi và giúp loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn trên da bé. Sử dụng nước cốt chanh, pha loãng với nước rồi cho bé tắm là một biện pháp hữu hiệu giúp điều trị rôm sẩy.

– Cây sài đất: Dùng sài đất tươi nấu với nước để tắm cho bé hằng ngày cũng là một lựa chọn phù hợp khi trẻ bị rôm sẩy.

DS Phạm Hảo