Huyết dụ

Huyết dụ – dược liệu cầm máu, làm tan máu ứ nổi tiếng trong Đông y

Huyết dụ là dược liệu nổi tiếng trong Đông y có tác dụng làm mát máu, vừa giúp cầm máu vừa làm tan máu ứ. Tìm hiểu về cách sử dụng dược liệu này để hỗ trợ điều trị bệnh.

 

 

Huyết dụ là dược liệu có tác dụng cầm máu

Tên gọi của cây huyết dụ

Về tên gọi, huyết dụ có nhiều tên gọi khác nhau như phát dụ, long huyết, huyết dụ lá đỏ, thiết thụ, phất dũ, người Tày gọi là chổng đeng, người Thái là co trướng lậu, người Dao là quyền diên ái.

Huyết dụ có tên khoa học là Cordyline terminalis Kunth (Dracaena terminalis Jack) thuộc họ huyết dụ (Dracaenaceae).

Phân loại huyết dụ

Huyết dụ có 2 loại:

  • Cordyline terminalis Kunth. var ferrea: lá cây đỏ ở cả hai mặt
  • Cordyline terminalis Kunth. var viridis: lá cây một mặt đỏ, một mặt xanh

Cả hai loại đều được dùng làm thuốc, trong đó loại cây có lá đỏ cả 2 mặt được dùng phổ biến hơn.

Huyết dụ
Cây huyết dụ được trồng khá phổ biến

Mô tả đặc điểm cây huyết dụ

Cây huyết dụ được trồng phổ biến ở nước ta.

Huyết dụ là cây nhỏ, cao khoảng 2 m. Thân mảnh, mang nhiều đốt sẹo, ít phân nhánh. Lá mọc tập trung ở ngọn, xếp thành 2 dãy, hình lưỡi kiếm, dài 20-50 cm, rộng 5-10 cm, gốc thắt lại, đầu thuôn nhọn, hai mặt màu đỏ tía, có loại lại chỉ có một mặt đỏ, còn mặt kia mầu lục xám; cuống dài có bẹ và rãnh ở mặt trên.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành chùm sim hoặc chùy phân nhánh, dài 30-40 cm, mỗi nhánh mang rất nhiều hoa màu trắng, mặt ngoài màu tía; lá đài 3, thuôn nhọn, cánh hoa 3, hơi thắt lại ở giữa; nhị 6, thò ra ngoài tràng; bầu có 3 ô. Quả mọng hình cầu. Mùa quả tầm khoảng tháng 12 đến tháng 1.

Bộ phận dùng làm dược liệu là lá và rễ. Lá thì chọn lại lá hai mặt đều đỏ, lấy lúc nào cũng được; có thể dùng tươi, phơi âm can hoặc sao vàng. Rễ thì thái nhỏ, sao thơm.

Tính vị, quy kinh

Huyết dụ có vị nhạt, hơi đắng, tính bình. Quy kinh Can, Thận.

Thành phần hoá học của lá huyết dụ

Theo phân tích hóa học, lá huyết dụ có chứa phenol, acid amin, đường, anthocyan.

Tác dụng dược lý của lá huyết dụ

Đã có nhiều nghiên cứu tác dụng của lá huyết dụ, tiêu biểu như:

Theo nghiên cứu của Cambie RC cùng cộng sự tại Khoa Hóa Đại học Auckland, New Zealand, năm 2003 thì lá huyết dụ có tác dụng kháng viêm và chống oxy hóa.

Nghiên cứu của tác giả Liu S và các cộng sự tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Trung Ương Xiang Ya, Hồ Nam, Trung Quốc, năm 2013 thì lá huyết dụ có tác dụng chống ung thư dạ dày.

Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy, dịch chiết lá huyết dụ làm tăng co bóp tử cung ở chuột lang và thỏ. Nghiên cứu trên chuột cống cái còn cho thấy huyết dụ có tác dụng tương tự như estrogen, tuy nhiên khá yếu.

Huyết dụ
Huyết dụ là dược liệu có nhiều công dụng liên quan đến máu

Công dụng của huyết dụ

Huyết dụ là vị thuốc thường chữa những bệnh liên quan đến máu, như:

  • Cầm máu
  • Trị nôn ra máu, ho ra máu, chảy máu, kinh nguyệt ra quá nhiều
  • Kiết lỵ
  • Lậu
  • Xích đới, bạch đới
  • Trĩ
  • Phong thấp, đau nhức xương
  • Vết thương ứ máu
  • Ho ra máu.

Một số bài thuốc có sử dụng huyết dụ

Chữa rong kinh, rong huyết

Dùng lá huyết dụ tươi 20g, rễ cỏ tranh 10g, đài tồn tại của quả mướp 10g, rễ gừng 8g thái nhỏ, sắc với 400ml nước cho đến khi cô lại còn 100ml.

Mỗi ngày uống 2 lần, uống liên tục từ 2 – 3 tuần.

Chữa kinh nguyệt không đều

Dùng huyết dụ tươi, vỏ rễ cây dâm bụt, mỗi thứ 30g phơi khô trong bóng râm rồi sắc nước uống. Uống cho đến khi nào thấy tình trạng trên đỡ thì thôi.

Chữa bạch đới, khí hư

Dùng lá huyết dụ tươi 40g, lá thuốc bỏng 20g, bạch đồng nữ 20g sắc nước uống hằng ngày khí hư sẽ giảm bớt nhanh chóng.

Chữa sốt xuất huyết

Dùng lá huyết dụ tươi 30g, trắc bá sao đen 20g, cỏ nhọ nồi 20g sắc nước uống hằng ngày. Mỗi ngày uống 1 thang, chia thành 2 – 3 lần.

Chữa ho ra máu

Dùng lá huyết dụ tươi 10g, rễ cây rẻ quạt 8g, lá thài lài tía 4g, trắc bách diệp sao đen 4g phơi khô trong bóng râm rồi sắc nước uống hằng ngày. Mỗi ngày chia thành 2 – 3 lần uống.

Huyết dụ
Huyết dụ được dùng trong bài thuốc chữa ho ra máu

Chữa kiết lỵ ra máu

Dùng lá huyết dụ tươi 20g, lá rau má 20g, cỏ nhọ nồi 12g đem rửa sạch, giã nát hoặc xay nhuyễn rồi cho thêm ít nước, vắt lấy nước cốt uống.

Uống liên tục từ 2 – 3 ngày, ngày 2 – 3 lần sẽ thấy bệnh kiết lỵ ra máu thuyên giảm rõ rệt. Trong trường hợp bệnh mãi không dứt, người bệnh nên đi khám và điều trị.

Chữa bị thương gây ứ máu, phong thấp

Dùng hoa, lá, rễ cây huyết dụ tươi 30g, huyết giác 15g sắc nước uống hằng ngày.

Chữa đi tiểu ra máu

Dùng lá huyết dụ tươi 20g, rễ cây ráng, lá lấu, lá cây muỗi, lá tiết dê mỗi vị 10g đem rửa sạch, giã nát.

Sau đó, thêm một ít nước, lọc lấy nước cốt uống. Người bệnh cũng có thể chỉ dùng 40 – 50 lá huyết dụ tươi để đẩy lùi tình trạng trên.

Chữa chảy máu cam, chảy máu dưới da

Dùng 30g lá huyết dụ tươi, 20g cỏ nhọ nồi, 20g lá trắc bá đã sao cháy sắc nước uống.

Chữa xuất huyết tử cung, tiêu tiểu ra máu

Dùng 40 – 50g lá huyết dụ tươi sắc uống. Hoặc cũng có thể dùng lá, hoa huyết dụ khô khối lượng bằng 1/2 lá tươi.

Lưu ý khi sử dụng huyết dụ

Lá huyết dụ tươi không nên dùng cho phụ nữ trước khi sinh con, sau khi sinh bị sót nhau thai và sau khi nạo phá thai.

Huyết dụ là một trong những dược liệu quý được sử dụng nhiều trong điều trị, khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nếu đã áp dụng các bài thuốc trên mà bệnh vẫn không thuyên giảm thì nên đến bệnh viện để khám và điều trị phù hợp.

DS Phan Hiền

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y