ứng của của cây lấu

Khám phá những ứng dụng tuyệt vời của cây lấu

Cây lấu là một loại thảo dược được ứng dụng lâu đời làm thuốc đắp vết thương, vết loét, vết rắn cắn. Ngoài các tác dụng này, lá lấu còn rất nhiều công dụng tuyệt vời khác.

 

 

 

Cây lấu sống phổ biến ở các tỉnh phía Bắc

1. Tên khoa học

Tên thường gọi: lấu, bời lời, bồ chát, cây men sứa, bồ giác, cây chao, lá tản, lấu bà, lấu đỏ…

Tên khoa học: Psychotria rubra (Lour.) Poir.

Họ: Cà phê – Rubiaceae

2. Đặc điểm của cây lấu và phân bố

Cây lấu phổ biến tại các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản… Tại Việt Nam, lấu thường mọc ở các nơi rừng thưa như Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn.

Cây lấu thường nhỏ, nhỡ, cao 2-8m, thân nhẵn. Cành non gần hình vuông, màu nâu đỏ, cành già màu xám sẫm.

Lá mọc đối xứng, hình bầu dục thuôn, dài 8-20cm, rộng 2-7cm, gốc thuôn, đầu nhọn, mặt trên màu lục, đôi khi pha nâu đỏ, mặt dưới màu xám nhạt, gân nổi rõ, lá kèm rụng sớm.

Hoa lấu nhỏ có hình chuông phía trong tràng, màu trắng và thường nở vào tháng 5 đến tháng 7 hằng năm. Cụm hoa mọc ở đầu thành xim ngù, dài 2-6cm, hoa màu trắng, đài 5 răng có ống ngắn, tràng 5 cánh có long ở họng, 5 nhị dính ở họng tràng, chỉ nhị dài gần bằng bao phấn, bầu hạ 2 ô.

Quả lấu có dạng quả hạch hình bầu dục mang theo đài hoa, dài khoảng 5-7mm, màu đỏ chứa 2 hạch phẳng lồi trong chứa 2 hạt màu đen.

Mùa hoa quả vào khoảng tháng 5-7 hàng năm.

3. Bộ phận dùng làm dược liệu

Người ta thường dùng rễ, thân và lá của cây lấu để làm dược liệu.

Rễ thu hái quanh năm, rửa sạch, thái mỏng, phơi hoặc sấy khô.

Lá thường dùng tươi, chế thành cao khô.

4. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý

Rễ và lá lấu chứa tannin 14,9%, các dẫn xuất anthraquinon như psychorubin và helenalin.

Dịch chiết lá lấu có tác dụng kháng một số vi khuẩn như Staphylococus aureus, Proteus vulgaris, Streptococus faecalis, Bacillus anthracis, Escherichia coli, Streptococus pneumonia

Dịch chiết lá lấu có tác dụng diệt khuẩn
Dịch chiết lá lấu có tác dụng diệt khuẩn

5. Tính vị công năng

Rễ lấu có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, trừ thấp, sinh cơ.

Lá lấu có vị đắng, tính bình, có tác dụng khu sáp, chỉ tả, tiêu độc, cầm máu.

6. Công dụng

Lá lấu được ứng dụng trị rối loạn tiêu hóa, lỵ, làm thuốc chữa đau răng, viêm tai, tiểu ra máu, cảm mạo, viêm amidan, viêm họng, đắp vết thương, vết loét, vết rắn cắn, viêm mủ da, mẩn ngứa.

Rễ lấu chữa kiết lỵ, thương hàn, thấp khớp, đau lưng, nhức xương, vết thương chảy máu.

Thân cây lấu chữa băng huyết, đi lỵ, đau bụng sau đẻ, khí hư, bạch đới, đau răng.

Liều dùng rễ 15-30g, thân 10-20g, hoặc lá tươi 30-90g. Dùng ngoài liều không đáng kể.

Ngoài ra lá lấu còn dùng để khử mùi tanh và giải độc thức ăn bằng cách nấu nước để ngâm rửa.

7. Những bài thuốc với cây lấu

Chữa đi ngoài

Lá lấu, củ nâu, lá sim, mỗi thứ 10-20g sắc uống.

Chữa lỵ, đau bụng sau đẻ

Vỏ cây lấu, vỏ cây vải mỗi thứ 10-20g sắc uống.

Chữa chàm, mẩn ngứa, mụn lở chảy nước

Lá lấu một phần nấu nước rửa và một phần tán bột rây mịn rắc vùng da tổn thương.

Lá lấu có thể dùng để chữa loét da
Lá lấu có thể dùng để chữa loét da

Chữa lỵ

Rễ lấu 8-16g sắc uống, dùng 3-5 ngày.

Chữa thương hàn

Dùng rễ khô và lá lấu tán thành bột, người lớn sử dụng một lượng từ 2-3 g, đối với trẻ em dùng 0,5 g ngày uống 3 lần.

Chữa băng huyết, khí hư, bạch đới

Chuẩn bị lá lấu tươi 20 g, lá huyết dụ và lá tiết dê mỗi loại 16 g. Đem rửa sạch rồi giã nát các nguyên liệu trên, sau đó thêm nước vào gạn lấy nước uống.

Chữa cảm mạo, viêm amidan, viêm họng

Lá lấy tươi 150g sắc chia uống 3-4 lần trong ngày.

Điều trị bạch hầu

  • Nếu trẻ dưới 1 tuổi thì lấy 35 g lá lấu
  • Từ 1-3 tuổi dùng 70 g lá lấu
  • Trẻ 4-5 tuổi sử dụng 90 g lá lấu
  • Trẻ từ 6-10 tuổi thì lấy 150 g lá lấu.

Sau khi rửa sạch lá đem sắc cùng với nước và sau đó chia làm 4 lần uống.

Chữa vết thương chảy máu

Chuẩn bị bài thuốc gồm các vị thuốc: rễ lấu đỏ, rễ sâm đại hành và vỏ cây me với một lượng bằng nhau. Đem các nguyên liệu khô trên tán nhỏ, rây thành bột mịn rồi đem rắc vào vết thương hàng ngày.

Chứng tiểu ra máu

Lá lấu đỏ 16 g, rễ cây ráng 12 g, lá tiết dê 10 g và ngũ bội tử 4 g. Lấy toàn bộ dược liệu tươi rửa sạch rồi giã nát thêm nước vào và lấy phần nước uống.

Lá lấu chữa chứng tiểu ra máu
Lá lấu chữa chứng tiểu ra máu

Trị sốt rét

Lá lấu đỏ và lá na mỗi loại 40 g, vỏ cây giòn 30 g và lá thường sơn 20 g. Đem toàn bộ vị thuốc trên thái nhỏ rồi phơi khôi, sao vàng và hạ thổ sắc cùng với nước để uống.

Trị đau răng

Lấy 50 g lá lấu đỏ sắc với nước, cô đặc rồi ngậm.

Cây lấu là loại cây sống rất phổ biến ở các tỉnh phía Bắc và có thể được ứng dụng điều trị nhiều bệnh lý khác nhau đặc biệt với các vấn đề da liễu nhờ hoạt tính kháng khuẩn và các hoạt chất tự nhiên khác. Tuy nhiên, việc ứng dụng cây lấu và những tác dụng của loại dược liệu này thì dân gian không nhiều người biết đến mặc dù nếu đã sử dụng ai cũng sẽ thấy bất ngờ với những hiệu quả vị thuốc mang lại. Mặc dù vậy, với những trường hợp bệnh lý phức tạp, người bệnh nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng để đảm bảo nhận biết và điều trị đúng bệnh.

DS Thanh Loan

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y