Kim ngân hoa: Dược liệu thanh nhiệt, giải độc
Kim ngân hoa là hoa của cây kim ngân (Lonicera japonica Thunb.), tên khoa học là Flos Lonicerae, thuộc họ Kim ngân (Caprifoliaceae).
Khu vực phân bố
Ở Việt Nam, kim ngân phân bố chủ yếu ở các vùng núi và trung du phía Bắc, như Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Tây…
Ngoài ra, cây ưa sáng, dễ sống nên có thể được trồng ở một số gia đình vừa làm cảnh vừa lấy hoa làm thuốc. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng hạt. Khi bị chặt phá, phần còn lại có khả năng tái sinh khoẻ.
Bộ phận dùng làm dược liệu
Nụ hoa có lẫn một số hoa đã phơi hay sấy khô.
Chế biến
Hái nụ hoa có lẫn ít hoa đã nở, loại bỏ tạp chất, phơi trong bóng râm hay sấy nhẹ đến khô
.Nụ lẫn hoa kim ngân được phơi hoặc sấy nhẹ đến khô
Bảo quản
Để dược liệu ở nơi khô mát, tránh sâu mọt.
Thành phần hóa học
Hoa kim ngân chứa flavonoid, tinh dầu và một số thành phần khác:
– Flavonoid: Luteolin, luteolin-7-glucoside.
– Tinh dầu: α-pinen, hex-1-en, hex-3-en-1-ol, cis và trans-2-methyl-2-vinyl-5-(α-hydroxy isopropyl)-tetrahydrofuran, geraniol, α-terpineol, alcol β-phenyl ethylic, carvacrol, eugenol, linalol, 2,6,6-trimethyl-2-vinyl-hydroxy tetra hydrydropyran.
– Hoa chứa acid clorogenic 6%. Chất này còn có trong rễ, thân, lá với hàm lượng theo thứ tự là 1,4%, 0,9% và 2,6%.
Tính vị, quy kinh
Kim ngân hoa tính cam, hàn. Vào các kinh phế, vị, tâm.
Công năng, chủ trị
Công năng: Thanh nhiệt, giải độc, tán phong nhiệt.
Chủ trị: Ung nhọt, ban sởi, mày đay, lở ngứa, cảm mạo phong nhiệt, ôn bệnh phát nhiệt, nhiệt độc huyết lị.
Công dụng
Kim ngân hoa giúp tiêu mụn nhọt, dị ứng, mẩn ngứa; Giải cảm cúm; Chữa viêm họng, đau họng, quai bị.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng từ 12-16 g, dạng thuốc sắc hoặc hãm. Có thể ngâm rượu, làm hoàn tán.
Kim ngân hoa có thể dùng sau khi sắc, hãm hoặc ngâm rượu
Những ai không nên dùng kim ngân hoa?
Người tỳ vị hư hàn, ỉa chày, hoặc vết thương, mụn nhọt có mủ loãng do khí hư; mụn nhọt đã có mủ, vỡ loét không nên dùng.
Một số bài thuốc chứa kim ngân hoa
- Chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, một số trường hợp dị ứng
Kim ngân 6g (hoa) hoặc 12g (cành và lá), nước 100 ml, sắc còn 10 ml, thêm đường vào cho đủ ngọt (chừng 4g). Đóng vào ống bịt kín, hấp tiệt trùng để bảo quản. Nếu dùng ngay thì không cần đóng ống và chỉ cần đun sôi rồi giữ sôi trong 15-30 phút là uống được.
Người lớn: ngày uống 2-4 liều trên 2-4 ống, trẻ em từ 1-2 liều trên 1-2 ống.
- Ngân kiểu tán chữa mụn nhọt, sốt, cảm
Kim ngân hoa 40g, liên kiều 40g, kinh giới tuệ 16g, cát cánh 24g, đạm đậu sị 20g, bạc hà 24g, ngưu bàng tử 24g, đạm trúc diệp 16g. Tất cả sấy khô tán bột, hoặc có thể làm thành viên.
Ngày uống 1-2 lần, mỗi lần 12g.
- Chữa cảm cúm
Kim ngân hoa 4g, tía tô 3g, kinh giới 3g, cam thảo đất 3g, cúc tần hay sài hồ nam 3g, mạn kinh tử 2g, gừng 3 lát. Tất cả dùng lá phơi khô, sắc uống.
- Chữa sởi
Kim ngân hoa 30g, cỏ ban 30g. Dùng tươi, giã nhỏ, thêm nước, gạn uống. Có thể phơi khô, sắc uống.
- Chữa mụn nhọt
Kim ngân hoa 20g, bồ công anh 16g, liên kiều, hoàng cầm, gai bồ kết, mỗi vị 12g, bối mẫu 8g, trần bì 6g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.
DS Phạm Hảo
Tài liệu tham khảo
“Dược điển Việt Nam V”, Bộ Y tế, Nhà xuất bản Y học 2017