công dụng của lá lốt

Ngạc nhiên với vô số công dụng của lá lốt

Công dụng của lá lốt ngoài nấu ăn còn có khả năng điều trị nhiều bệnh. Tuy nhiên, cũng cần tìm hiểu rõ thông tin trước khi sử dụng, để tránh những tác dụng phụ nhất định.

 

 

 

Lá lốt có tác dụng đối với nhiều bệnh khác nhau

Đặc điểm của cây lá lốt

Cây lá lốt có tên khoa học là Piper lolot C.DC., thuộc họ Hồ tiêu – piperaceae. Lá lốt thuộc loại cây thân cỏ, sống dai, cao 30-40 cm. Thân phồng lên ở các mấu, có vạch dọc, đôi khi có màu nâu, hơi phủ lông. Lá đơn, nguyên, mọc so le, dài khoảng 13 cm, rộng 8-10 cm, hình tim, đầu nhọn, mặt trên nhẵn, mặt dưới có ít lông ở các đường gân, gân lá chằng chịt hình mạng lưới. Cuống lá dài 2,5 cm.

Cuộng hoa mọc ở kẽ lá thành bông đơn tính, dài khoảng 1,5 cm. Trục bông cái có lông, lá bắc có phiến tròn, không cuống, bầu nhẵn, hình trắng, nằm sâu trong trục bông, đầu nhụy hình sợi. Quả mọng chứa một hạt.

Lá lốt được coi là loài đặc hữu phổ biến ở các nước Lào, Việt Nam, Campuchia. Ở Việt Nam, lá lốt mọc tự nhiên khắp mọi nơi, từ vùng đồng bằng đến trung du, đặc biệt là các tỉnh vùng núi thấp. Lá lốt là cây ưa ẩm và ưa bóng. Cây ra hoa hàng năm, hình thức tái sinh tự nhiên chủ yếu là mọc chồi từ thân rễ.

Bộ phận dùng là phần trên mặt đất, dùng tươi hoặc phơi sấy khô.

công dụng của lá lốt
Lá lốt là cây thảo, trồng phổ biến ở Việt Nam

Thành phần hóa học của lá lốt

Lá, thân và rễ chứa alcaloid và tinh dầu. Tinh dầu có 35 thành phần trong đó có 25 thành phần đã được nhận dạng, thành phần chủy yếu là beta-caryophylen.

Rễ chứa tinh dầu trong đó thành phần chính là bornyl acetat.

Trong 100g lá lốt có chứa khoảng 86,5 g nước, 4,3 g protein, 2,5 g chất xơ, 260 mg canxi, 980 mg phospho, 4,1 mg sắt và 34 mg vitamin C.

công dụng của lá lốt
Beta – caryophylen là một trong những thành phần chính có trong lá lốt

Tính vị, công năng

Lá lốt có vị cay, mùi thơm, tính ấm, vào hai kinh: tỳ và phế, có tác dụng ôn trung tán hàn, hạ khí, chỉ thống, trừ phong thấp, kiện vị, tiêu thực, giảm đau, cầm nôn.

Tác dụng dược lý của lá lốt

Công dụng của lá lốt là có khả năng kháng khuẩn đối với các vi khuẩn: Bacillus pyocyaneus, Staphylococcus aureus và Bacillus subtilis, đồng thời có tác dụng chống viêm. Tác dụng kháng khuẩn của ba dạng bào chế: cao lá khô, cao lá tươi, và nước ép lá tươi gần tương tự như nhau. Cao lỏng lá lốt dùng ngậm và viên cao lá lốt dùng uống được thử nghiệm lâm sàng cho thấy có tác dụng giảm đau và trị các bệnh viêm cấp tính về răng miệng, trị viêm do răng sâu có biến chứng.

Lá lốt có tác dụng gây giãn mạch ngoại biên và ức chế hoạt tính gây co thắt cơ trơn ruột của histamin và acetylcholin.

Lá lốt cũng có tác dụng ức chế men collagenase trong ống nghiệm.

Công dụng của lá lốt và cách dùng

Lá lốt được dùng trong nhiều bài thuốc để điều trị phong thấp, thấp khớp mạn, đau lưng, đau nhức xương, tay chân lạnh tê bại, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, đầy hơi, trướng bụng, đau bụng, tiêu chảy, thận và bàng quang lạnh, đau đầu, đau nhức răng, viêm cấp tính vùng răng miệng, chảy nước mũi hôi, ra mồ hôi tay chân, phù thũng. Sau đây là một số bài thuốc có lá lốt dùng để điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau:

Chữa chứng lợm giọng

Lá lốt tán nhỏ, uống 2 g trước mỗi bữa ăn cùng với nước cơm.

Chữa nhọt độc vỡ lâu không liền miệng

Chuẩn bị lá lốt, lá chanh, lá thanh yên, lá ráy, lá tía tô lượng bằng nhau, rồi giã nhỏ. Lấy vỏ trong của cây chanh, phơi khô giã thành bột mịn, rắc vào, rồi gối các thuốc trên vào lá chuối tiêu, dùi lỗ, đắp vào vết thương. Mỗi ngày thay một lần.

Chữa bệnh tổ đỉa

Dùng lá thanh yên nấu nước để nguội rửa. Sau đó lấy lá lốt, lá cà gai leo đều bằng nhau, giã nhỏ, trộn với giấm và bôi.

Chữa phong thấp, đau nhức xương

Lấy mỗi vị rễ lá lốt, dây chìa vôi, rễ cỏ xước, hoạng lực, độc lực (rễ quýt rừng), hạt xích hoa xà, đơn gối hạc 12g. Sắc nước uống.

Chữa đau lưng, sưng khớp gối, tê buốt bàn chân

Dùng ngải cứu, lá lốt đều bằng nhau, giã nát, chế thêm giấm, chưng nóng, đắp hoặc chườm.

công dụng của lá lốt
Lá lốt dùng kết hợp với các vị thuốc khác để chữa đau lưng

Chữa phù thũng

Dùng 40g mỗi phần lá lốt tươi, lá sả tươi, ngải cứu tươi, cùng với 10g nghệ tươi. Tất cả sao vàng, sắc với 900ml nước, còn lại 300ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.

Chữa viêm xoang, chảy nước mũi đặc

Lá lốt vò nát, đặt vào lỗ mũi.

Chữa viêm lợi, viêm nha chu

Cao mềm lá lốt, tinh dầu bạc hà, tinh dầu hương nhu, clorophyl chiết từ lá tre, tất cả bào chế thành cao lỏng với cồn thấp độ. Dùng tăm bống thấm thuốc, chấm vào chỗ răng đau trong 5 – 10 phút. Sau đó súc miệng cho sạch.

Giải độc, chữa say nắng, rắn cắn

Dùng 50g mỗi vị lá lốt, lá kế, lá đậu ván trắng, giã nát, thêm nước gạn uống.

Chữa đầy bụng, nôn mửa

Sử dụng 10-20g lá lốt, sắc lấy nước uống.

Lưu ý khi sử dụng lá lốt

Lá lốt có tính nóng nên những người bị dạ dày nhiệt, táo bón, nóng gan không nên dùng. Phụ nữ đang cho con bú nếu sử dụng lá lốt quá nhiều có thể gây mất sữa hoặc loãng sữa.

Công dụng của lá lốt điều trị nhiều bệnh khác nhau, tuy nhiên chỉ nên dùng một lượng vừa phải. Ăn trên 100g lá lốt trong ngày có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, ợ nóng, khó tiêu.

DS Phan Hiền

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y