Người bị hội chứng thận hư dễ suy dinh dưỡng do mất nhiều protein qua nước tiểu kèm theo chán ăn do giảm dịch ruột. Suy dinh dưỡng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, lao phổi, viêm phúc mạc tiên phát, viêm cơ… Bởi vậy, ngoài việc dùng thuốc điều trị, người mắc hội chứng thận hư cần đặc biệt lưu ý đến chế độ dinh dưỡng.
Hội chứng thận hư là gì?
Hội chứng thận hư là một tình trạng rối loạn chức năng thận khi thận bài tiết quá nhiều protein cùng với nước tiểu ra khỏi cơ thể. Mỗi quả thận gồm 1 triệu bộ lọc để làm sạch máu có độc. Thận khỏe mạnh sẽ giữ lại những chất quan trọng được gọi là protein trong máu. Với hội chứng này, thận loại bỏ cả protein cùng với các chất thải khác ra khỏi cơ thể trong khi đi tiểu. Hội chứng thận hư đặc trưng bởi:
- Phù
- Protein niệu cao
- Protein máu giảm.
Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho người bị hội chứng thận hư
- Năng lượng: Đảm bảo đủ năng lượng từ 35-40 kcal/kg/ngày.
- Giàu chất đạm (protein): Do mất nhiều protein qua nước tiểu, làm giảm protein máu, giảm áp lực keo gây phù, teo cơ, suy dinh dưỡng, do đó chế độ ăn phải bù đủ lượng đạm cho chuyển hoá của cơ thể và số lượng đạm mất qua nước tiểu. Tuy nhiên ăn quá nhiều đạm có thể làm xơ hóa cầu thận dẫn đến suy thận.
- Cắt giảm muối: Cắt giảm natri trong chế độ ăn hàng ngày sẽ giúp cải thiện tình trạng tăng huyết áp và phù.
- Giảm chất béo: Hạn chế ăn thức ăn chứa chất béo có hại như chất béo bão hòa, chất béo trans có trong các loại thực phẩm chế biến sẵn, các loại dầu hydro hóa một phần trong thức ăn nhanh.
- Uống đủ nước: Lượng nước cung cấp hàng ngày nên bằng lượng nước tiểu bài tiết ra + 500ml.
- Giảm Cholesterol và LDL
- Có thể cần hạn chế kali, phospho: Hiếm khi cần hạn chế kali, phospho, chỉ khi thận bị mất chức năng và cần được xác định bởi bác sĩ chuyên khoa.
Các thực phẩm người bị hội chứng thận hư nên ăn
- Protein: Có nhiều trong sữa, thịt, cá, tôm, cua, đậu đỗ. Nên sử dụng sữa bột tách bơ (sữa gầy) để tăng cường đạm và canxi.
- Chất đường bột: Các loại gạo, mì, khoai sắn đều dùng được.
- Chất béo: Các loại dầu thực vật (như dầu đậu nành, dầu mè, lạc…).
- Các thực phẩm có chứa vitamin C, beta carotene, vitamin A, selenium: Như các loại rau xanh, quả chín có màu đỏ và vàng (đu đủ, cà rốt, xoài, giá đỗ, cam…) vì các loại vi chất dinh dưỡng nêu trên có tác dụng chống oxy hoá, chống tăng các gốc tự do – là những chất xơ hoá cầu thận, ngăn ngừa suy thận. Trong trường hợp tiểu ít và có kali máu tăng thì phải hạn chế một số loại rau quả.
Các loại thực phẩm nên tránh với người bị hội chứng thận hư
- Thực phẩm giàu cholesterol: Khi thận bị hư, tình trạng chuyển hóa lipid trong cơ thể bị rối loạn dẫn tới dư thừa cholesterol trong máu từ đó khiến tình trạng bệnh trở nên nặng nề hơn. Chính vì vậy, người bệnh cần kiêng các loại thực phẩm giàu cholesterol như nội tạng động vật, mỡ, bơ, đồ ăn đóng hộp, đồ ăn nhanh hay các món xào, rán, quay. Nếu ăn trứng chỉ nên ăn 1-2 quả/tuần và hạn chế ăn lòng đỏ.
- Thực phẩm nhiều muối: Như dưa cà muối mặn, cá biển, đồ ăn khô, mì tôm, đồ chế biến sẵn hay các loại món ăn chế biến kiểu dạng kho, rang…
- Rượu bia, cà phê, thuốc lá: Một số chất kích thích có trong rượu bia, cà phê, thuốc lá sẽ làm gia tăng thêm tình trạng viêm nhiễm và tổn thương ở thận làm giảm khả năng hồi phục.
- Rau củ quả chứa nhiều kali: Đối với trường hợp người bệnh tiểu ít thì cần phải kiêng một số loại rau củ quả chứa hàm lượng kali cao như chanh, chuối, cam, mận, dứa…