Nứt kẽ hậu môn: nguyên nhân và biện pháp điều trị không dùng thuốc

Nứt kẽ hậu môn là bệnh khá phổ biến, cứ 10 người có 1 người gặp tình trạng này ở thời điểm nào đó trong đời. Nứt kẽ hậu môn có thể gây biến chứng nhiễm trùng, trở thành mạn tính và cần can thiệp ngoại khoa. Vì vậy người bệnh cần tìm rõ nguyên nhân để có những biện pháp điều trị và dự phòng phù hợp.

  1. Nứt kẽ hậu môn là gì?

Nứt kẽ hậu môn là tình trạng có vết rách ở niêm mạc hậu môn gây đau và chảy máu đỏ tươi (dính phân hoặc giấy vệ sinh), thường xảy ra sau khi cố rặn phân cứng. Tình trạng chảy máu có thể tiếp diễn trong những lần đi tiêu sau đó, ngay cả khi phân đã mềm hơn.

Nứt kẽ hậu môn xảy ra đồng đều ở cả 2 giới, có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, phổ biến nhất ở độ tuổi 10 – 30 và đặc biệt ở những người ngồi nhiều, ít luyện tập thể lực. Đa số các trường hợp bệnh sẽ khỏi trong vòng vài tuần với việc cải thiện tình trạng táo bón, nhưng một số ít nứt hậu môn sẽ thành mạn tính và có thể cần điều trị bằng phẫu thuật.

– Nứt kẽ hậu môn cấp tính: vết nứt nông, có màu đỏ tươi, sưng nề

– Nứt hậu môn mạn tính: nứt hậu môn không lành sau 6 tuần sẽ trở thành mạn tính với những đặc điểm sau: vết nứt sâu, có bờ dày, gồ lên, nắn chắc, vết nứt sưng nề, nhợt nhạt hoặc xám. Tổ chức gần vết nứt như mảnh da thừa ở mép hậu môn, nhú phì đại ở đầu trong vết nứt

– Vết nứt lan vào cơ vòng hậu môn: làm cho vết nứt khó lành cần điều trị bằng thuốc hoặc phải phẫu thuật.

Nứt kẽ hậu môn có thể trở thành mạn tính nếu không lành sau 6 tuần

  1. Nguyên nhân gây nứt kẽ hậu môn?

Có nhiều nguyên nhân có thể gây nên tình trạng nứt kẽ, trong đó, phổ biến nhất là viêm nhiễm hậu môn, cùng với yếu tố thuận lợi là táo bón. Sau khi đại tiện, phân bị mắc kẹt ở các nếp hậu môn, cùng với mồ hôi và điều kiện yếm khí tại hậu môn sẽ kích thích gây viêm nhiễm quanh hậu môn. Các tế bào viêm sản sinh ra các men phân hủy, làm giảm độ bền tổ chức, khi có sự căng dãn thì nứt dễ xuất hiện, nhất là khi phân rắn đi qua sẽ làm rách lớp niêm mạc da hậu môn tạo nên tình trạng nứt kẽ hậu môn.

Táo bón là nguyên nhân phổ biến nhất gây nứt kẽ hậu môn

Ngược lại với táo bón, tiêu chảy kéo dài cũng có thể gây nứt kẽ hậu môn bởi phân tóe nước ra khỏi hậu môn với tốc độ lớn trong khi cơ thắt hậu môn lại có xu hướng đóng kín, từ đó gây rách vùng da tại hậu môn

Ngoài hai nguyên nhân trên, nứt kẽ hậu môn cũng có thể bị gây ra bởi những nguyên nhân khác như:

– Quan hệ tình dục đường hậu môn

– Phụ nữ sau sinh (do rặn)

– Bệnh Crohn hoặc bệnh viêm ruột khác

– Ung thư hậu môn – trực tràng

– HIV, lao, giang mai

  1. Điều trị và dự phòng nứt kẽ hậu môn không dùng thuốc

Tùy mức độ nặng của tình trạng nứt kẽ hậu môn, những biện pháp khác nhau được áp dụng. Đa số những trường hợp nứt kẽ hậu môn do nguyên nhân thông thường có thể tự khỏi trong vài tuần mà không cần điều trị, bạn có thể áp dụng một số biện pháp không dùng thuốc nhằm giảm nhẹ triệu chứng, đẩy nhanh tốc độ lành vết thương:

– Ăn thực phẩm giúp làm trơn, mềm phân và tăng nhu động ruột: chuối tiêu, khoai lang, đậu bắp, củ cải, cải thảo, giá đỗ,… Với trẻ nhỏ, có thể dùng tăm bông tẩm mật ong, bôi quanh hậu môn vừa có tác dụng làm trơn vừa để kích thích trẻ tống phân ra ngoài mà không cần rặn.

– Uống nhiều nước trong ngày, nên uống nước ấm

– Ngâm hậu môn: ngâm nước ấm, thêm một chút muối sạch trong 10-20 phút, nhiều lần trong ngày, đặc biệt là sau khi đi ngoài giúp thư giãn cơ thắt giúp dễ lành bệnh. Không sử dụng xà phòng vì có thể gây kích ứng vùng hậu môn.

– Tránh rặn khi đi vệ sinh: rặn sẽ tạo thêm áp lực lên hậu môn khiến cho vết nứt cũ rách ra hoặc hình thành vết nứt mới

Ngâm nước muối giúp làm sạch hậu môn, giảm đau và săn se niêm mạc

Các biện pháp dự phòng nứt kẽ hậu môn:

– Chế độ ăn uống:

+ Bổ sung chất xơ, uống đủ nước giúp làm mềm phân, đồng thời thúc đẩy lành vết nứt. Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm: trái cây, rau củ, hạt và ngũ cốc nguyên cám.

+ Khi nấu ăn, có thể cho tăng một chút dầu ăn, như dầu đậu, dầu vừng, dầu lạc, dầu hạt cải…

+ Uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ. Điều này giúp cho cơ thể dễ dàng bài tiết chất cặn bã ra bên ngoài vào sáng hôm sau.

+ Tránh đồ ăn, thức uống cay, nóng như rượu, café, tỏi, ớt,…

Chế độ ăn nhiều rau, quả, hạt giúp giảm táo bón và nhanh lành vết nứt

– Chế độ sinh hoạt

+ Tránh ngồi liên tục trong thời gian dài, tăng cường luyện tập thể lực

+ Luyện tập thói quen đại tiện hằng ngày. Nhịn đại tiện sẽ khiến cơ thể tái hấp thu nước trong phân khiến phân trở nên khô cứng.

DS Phạm Hảo