Thổ phục linh: Vị thuốc trừ phong thấp, mạnh gân xương

Thổ phục linh còn được gọi là dây khum, hồng thổ linh…có tác dụng khử phong thấp, lợi gân cốt, chữa đau khớp xương, trừ sưng thũng. Vị thuốc này thường được dùng để chữa các bệnh đau nhức gân xương, mụn nhọt và lở ngứa.

Thổ phục linh – Vị thuốc chữa đau nhức gân xương

Tổng quan về Dược liệu 

Thổ phục linh là một vị thuốc được sử dụng từ rất lâu trong các bài thuốc y học cổ truyền, thường sử dụng phần rễ và thân rễ của cây.

Tên gọi, danh pháp 

Tên thường gọi: Thổ phục linh

Tên gọi khác: dây khum, hồng thổ linh, khúc khắc, vũ dư lương, thổ tỳ giải, sơn kỳ lương, sơn trư phấn, sơn kỳ lương, linh phạn đoàn, dây chắt, mọt hoi đòi,…

Tên khoa học: Rhizoma Smilacis Glabrae

Họ: Khúc khắc (Smilacaceae)

Đặc điểm thực vật

Thổ phục linh là loại thực vật sống lâu năm, thân leo mềm hoặc bò trên mặt đất. Cây có thể phát triển tới chiều dài trung bình 4-5m thậm chí lên tới 10m, gồm nhiều tua cuốn và các nhánh không gai.

Phần thân rễ cứng cáp, hình trụ dẹt, kích thước đa dạng, không đều, bên ngoài có sắc nâu vàng, lồi lõm, gồm rễ và chồi con mọc ra. Ngoài ra, vỏ rễ còn có các vẩy còn sót lại và vân nứt không đều.

Lá mọc so le, kích thước khoảng 5-10 cm, sắc xanh, có 3 gân chính, phiến lá dạng trứng, bầu dục…Cuống lá hình trái tim, đầu nhọn, kèm theo tua cuốn do hai lá kèm biến đổi. Mặt lá phía dưới xanh nhạt còn mặt trên xanh sáng bóng hơn.

Hoa Thổ phục linh thường mọc thành cụm hay tán nhỏ, 20-30 hoa nhỏ tụ lại, thường sắc lục nhạt. Hoa đực và hoa cái riêng rẽ, mọc ở kẽ lá, nối vào thân bởi cuống hoa dài. Ngoài ra, còn có bầu hoa hình cầu, nhị không cuống và bao phấn thuôn.

Quả nhỏ tròn, mọng, mọc thành chùm, đường kính trung bình 10mm. Khi còn non quả có màu xanh, khi chín dần, sẽ chuyển sang tím, đỏ, và cuối cùng là đen. Bên trong quả sẽ chứa khoảng 3-4 hạt, hình trứng.

Hoa Thổ phục linh nở vào giữa năm, khoảng tháng 5-6. Mùa quả sẽ vào lúc tháng 7-10 hằng năm.

Đặc điểm thực vật của Thổ phục linh

Đặc điểm phân bố

Theo các tài liệu, thổ phục linh phân bố ở các khu vực địa lý có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới trên trái đất. Đặc biệt ở châu Á, loài xuất hiện ở Ấn Độ, Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á…

Riêng tại Việt Nam, cây được trồng rải rác ở nương rẫy, đồi cây thuộc cả 3 miền như Nghệ An, Lạng Sơn, Ninh Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng…

Thu hoạch, chế biến 

Phần thân rễ của cây thổ phục linh được dùng làm thuốc, có thể thu hoạch quanh năm. Đặc biệt, thời điểm thu hoạch tốt nhất là vào mùa hè, đầu thu. Sau khi thu hoạch, phần thân rễ tươi được mang rửa sạch, loại bỏ rễ con và tạp chất.

Có thể sử dụng nguyên củ hoặc ngâm nước trước, sau đó thái lát mỏng và đem đi phơi khô. Ngoài ra, dân gian còn có thể chế biến bằng cách ủ cho mềm trong khoảng 3 ngày, rồi thái lát mỏng và phơi khô.

Đặc điểm dược liệu Thổ phục linh

Dược liệu thổ phục linh sau khi được thái lát có dạng hình tròn dài, không đều, cạnh lồi lõm, không bằng phẳng. Bề mặt màu nâu đỏ nhạt, dai và khó bẻ gãy.

Có thể thấy nhiều điểm sáng nhỏ hay các bó mạch điểm. Khi sờ cảm giác có chất bột, đặc biệt khi bẻ có thể thấy ít bột rơi ra. Ngoài ra, khi dược liệu bị dính nước sẽ tạo cảm giác dính và hơi trơn.

Thành phần hóa học của vị thuốc thổ phục linh

Theo nhiều tài liệu, thổ phục linh có thành phần hóa học khá phong phú và đa dạng, với nhiều hợp chất hữu cơ mang giá trị cao như:

Trong lá và ngọn non của thổ phục linh có chứa: nước 83,3%, protein 2,4%, glucid 8,9%, xơ 2,2%, tro 1,2%, caroten 1,6mg%, vitamin C 18mg%.

Trong thân rễ có nhiều tinh bột, bêta-sitosterol, stigmasterol, smilax saponin, tigogenin.

Tác dụng của Thổ phục linh

Tác dụng dược lý

Các thành phần hóa học cũng như dược liệu thổ phục linh được chứng minh có tác dụng trong việc:

Chống viêm, nâng cao hệ thống miễn dịch

Hỗ trợ triệu chứng dị ứng, kháng histamin

Hỗ trợ điều trị đái tháo đường

Hỗ trợ giảm đau nhức cơ xương, đau mỏi cơ

Vị thuốc Thổ phục linh trong Y học cổ truyền 

Tính vị: vị ngọt hơi chát tính bình

Quy kinh: can vị

Công dụng: Khư phong giải độc, tiêu thũng, tán kết, lợi gân cốt, kiện tỳ vị.

Chủ trị:

Chữa tiêu hoá không bình thường, đau bụng tiêu chảy, viêm thận, viêm bàng quang, phong thấp, viêm khớp, đòn ngã tổn thương, tràng nhạc, mụn nhọt độc, lở ngứa, viêm mủ da, giang mai, giải độc thuỷ ngân và bạc.

Ứng dụng của vị thuốc Thổ phục linh 

Liều lượng, cách dùng 

15-30g, dạng thuốc sắc, cao nước hay hoàn tán.

Các bài thuốc có chứa Thổ phục linh 

  • Trị viêm mủ da

Thổ phục linh 30g, kim ngân hoa 15g, cam thảo 15g

Sắc với 500ml nước còn 200ml, uống một lần vào lúc 9 – 10 giờ sáng.

  • Trị phong thấp, gân cốt đau tê

Thổ phục linh 20g, thiên niên kiện 8g, tang chi 10g, lá lốt 8g, cốt toái bổ 10g, hà thủ ô 12g, đinh lăng 12g, trần bì 6g, bạch chỉ 6g.

Sắc với 750ml nước còn 250ml, chia làm 2 lần uống trước bữa ăn.

Thổ phục linh 20g, kim ngân hoa 16g, bồ công anh 12g, sài đất 12g, ké đầu ngựa 12g, nhân trần 16g, cam thảo nam 12g, rễ tranh 12g.

Sắc với 750ml nước còn 250ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.

Người ta còn dùng thổ phục linh làm thực phẩm trong các món ăn trị bệnh như:

  • Thổ phục linh hầm thịt heo

Nguyên liệu: thịt heo nạc 160g rửa sạch, xắt thành những thỏi như ngón tay. Thổ phục linh 80g, sinh địa 20g, trần bì 1 miếng nhỏ, tất cả rửa sạch.

Cách làm: nấu 1/2 lít nước trong nồi đất cho sôi, đổ các thứ trên vào, đậy kín. Hầm khoảng 2 giờ, nêm thêm chút muối vừa ăn rồi nấu sôi lần nữa là được.

  • Thổ phục linh, hạt sen, long nhãn

Nguyên liệu: hạt sen 50g ngâm nước khoảng 30 phút, luộc sơ qua rồi vớt ra để ráo. Thổ phục linh 8g, long nhãn nhục 12g, của sen 50g, tàu hủ ky 100g (hoặc tim heo).

Cách làm: cho tất cả vào một cái thố, đổ nước ngập quá mặt khoảng 3cm, đậy nắp rồi chưng cách thủy độ 2 giờ, nêm thêm ít muối rồi chưng thêm 10 phút là được.

Món này dùng nóng, rất tốt cho những người bị suy tim, mất ngủ, hồi hộp, lo âu, ngủ hay gặp ác mộng

Dược sĩ Thu Hà